Một năm của các bộ trưởng: 2013 sóng gió của ông Trịnh Đình Dũng
Năm thứ hai trong vai trò đảm nhiệm chiếc ghế nóng tại Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng có lẽ đã để lại khá nhiều dấu ấn, cho dù với đông đảo người dân, ông không hẳn là vị bộ trưởng được nhớ tới với những phát ngôn đình đám.
Từ Tổ trưởng tới Bộ trưởng
Sinh năm 1956, tại Vĩnh Phúc, ông Trịnh Đình Dũng tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội rồi sau đó học lên cao học. Kiến thức chuyên môn và tố chất lãnh đạo đã giúp ông nhiều thuận lợi trên con đường sự nghiệp.
22 tuổi, ông Dũng được bổ nhiệm là Tổ trưởng bộ môn tại Xí nghiệp Khảo sát thiết kế xây dựng tỉnh Vĩnh Phú (cũ). Không lâu sau, ông được đề bạt làm Xưởng trưởng, Phó phòng, rồi Trưởng phòng, Phó giám đốc, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc.
Năm 45 tuổi, ông Dũng đã nằm trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc với chiếc ghế Phó chủ tịch tỉnh. Chưa đầy 3 năm, từ năm 2001 – 2004, lần lượt là các vị trí Chủ tịch rồi Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã được giao cho ông, với một trọng trách khá nặng nề - phải đưa được Vĩnh Phúc vào nhóm “câu lạc bộ 1.000 tỷ” (các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số thu ngân sách đạt tối thiểu 1.000 tỷ đồng).
Sau hơn hai năm, tỉnh Vĩnh Phúc của ông không những vào nhóm “câu lạc bộ 1.000 tỷ” mà là 2.000 rồi 3.000 tỷ, trở thành một trong những dấu ấn về tăng trưởng và thu ngân sách ở cấp tỉnh, thành.
Năm 2005, trên cương vị Bí thư Vĩnh Phúc, ông Dũng chỉ đạo thực hiện chính sách cấp đất dịch vụ cho dân khi thu hồi đất để thực hiện dự án. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng chính sách này. Thời điểm đó, trong một lần lên thăm Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực nói, “việc áp dụng chính sách cấp đất dịch vụ cho dân khi thu hồi đất để phục vụ phát triển công nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc đã giúp cho Trung ương bài học giải phóng mặt bằng".
Tháng 5/2010, ông Dũng được Trung ương điều về 37 Lê Đại Hành với chiếc ghế Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Và cũng “tốc độ” không kém như khi còn ở tỉnh, một năm sau đó, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 13, ông đã được phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Một chiến lược nhà ở quốc gia và vô số những thay đổi tại một bộ “khô khan nhất trong tất cả các bộ” đã được ông thực hiện ngay sau đó.
Phát biểu với báo giới sau khi nhận chức, tân Bộ trưởng nói cá nhân ông có 3 việc cần phải tập trung, trong đó ưu tiên nhất là phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để góp phần hỗ trợ những người nghèo, người thu nhập thấp về nhà ở, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng và quản lý đô thị.
Đánh giá về Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, trong chương trình "sự kiện bình luận" trên sóng của VTV ngay sau đó, GS.TS Trần Ngọc Đường, Viện Nghiên cứu lập pháp khẳng định, “đó là người có tư duy mới".
Từ việc nhỏ đến việc lớn
Sau gần 60 năm, lần đầu tiên Bộ Xây dựng có phòng truyền thông - báo chí, ngay sau khi ông Dũng về đảm nhiệm ghế Bộ trưởng. Nhân sự cũng được ông lựa chọn từ chính những người đang trực tiếp làm báo, với mong muốn phần nào giúp ông hiểu được những “tâm tư, nguyện vọng” của báo chí nói chung và những phóng viên theo dõi lĩnh vực xây dựng nói riêng.
Những chuyện dù là nhỏ nhặt nhất cũng được ông thay đổi từ đó. Khách đến Bộ Xây dựng liên hệ công tác đã không còn phải móc túi trả 1 - 2 nghìn đồng tiền trông xe như trước đây.
Tất nhiên, không vì thế mà chuyện ra vào Bộ lại trở nên dễ dàng. Đã có không ít người ví chuyện ra vào Bộ Xây dựng khó hơn cả vào Bộ Quốc phòng, kể từ khi ông Dũng làm Bộ trưởng.
Trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo của Bộ, ông Dũng chỉ đạo phòng truyền thông mời khá nhiều báo chí tham dự. Theo ông, báo chí chính là “cánh tay nối dài”, giúp cá nhân ông và Bộ Xây dựng hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ được giao cũng như trở thành cầu nối tin cậy giữa Bộ và doanh nghiệp, người dân. Tại các cuộc họp đó, chưa lần nào, Bộ trưởng Dũng không giới thiệu hay nhắc tới sự có mặt của báo chí, cũng như gửi lời cảm ơn tới các phóng viên tham dự.
Dấu ấn quan trọng hơn của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, có lẽ chính là việc ông giữ lời hứa với người dân và báo giới sau khi nhậm chức bằng việc bắt tay ngay vào soạn thảo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược này đã được Thủ tướng ký ban hành vào cuối năm 2011.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có chiến lược phát triển nhà ở. Khi được hỏi về “đứa con cưng” này, ông Dũng chỉ nói đơn giản, “nếu tôi không làm, thì người khác cũng sẽ làm”.
Hàng loạt luật, nghị định sau đó cũng đã được ông bắt tay và chỉ đạo xây dựng và sửa đổi, trong đó đáng chú ý là việc tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về phát triển nhà ở xã hội, nghị định về quản lý phát triển đô thị. Riêng với Luật Xây dựng, ông Dũng khẳng định “phải sửa để kiểm soát, để giữ tiền cho Nhà nước, cho nhân dân vì đây là một đạo luật quan trọng, có tầm ảnh hưởng rộng”.
Trả lời trong một cuộc giao lưu trực tuyến về đầu tư xây dựng, ông Dũng nói, “thất thoát, lãng phí là vấn đề bức xúc, nhức nhối, được cả xã hội quan tâm. Đất nước ta còn nghèo, ta còn phải tiết kiệm rất nhiều để đầu tư phát triển để thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết vấn đề xã hội. Nguồn lực ít nhưng ta sử dụng không tiết kiệm, để xảy ra thất thoát, lãng phí là lỗi lớn”.
Một năm “không yên ổn”
Sau một năm đầu nhậm chức, tưởng chừng mọi thứ sẽ khá thuận lợi với Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng. Thế nhưng, trong năm thứ hai nhiệm kỳ Bộ trưởng, hàng loạt sự kiện đã dồn dập xảy ra, với nhiều liên hệ đến trách nhiệm của Bộ Xây dựng.
Mở đầu là sự kiện động đất gần đập thuỷ điện Sông Tranh 2 vào cuối năm 2012. Biết tin về vụ động đất, ngay trong đêm, Bộ trưởng Dũng tổ chức họp khẩn và sau đó cùng đoàn công tác của Bộ vào Quảng Nam.
Hàng loạt sự cố về công trình xây dựng, đặc biệt là liên tiếp các vụ sập tháp truyền hình hậu thiên tai khiến Bộ trưởng Dũng phải đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về chất lượng công trình xây dựng.
Sự không yên ổn trong năm 2013 của Bộ trưởng Dũng thực sự bắt đầu khi ngay đầu năm, trong một phiên chất vấn của Thường vụ Quốc hội, ông đã phải hứng chịu liên tiếp những lời bình luận “rát mặt” và vô số các câu hỏi từ các đại biểu xung quanh các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản của Bộ và Chính phủ.
Sau lời trần tình của ông, rằng: “Chúng tôi mong muốn có các giải pháp mạnh hơn nữa nhưng điều kiện kinh tế của chúng ta không cho phép. Không như các nước có nhiều tiền, họ giải quyết dễ dàng”, một đại biểu đã phản ứng: “Thiếu tiềm lực để giải quyết, mà vẫn cứ cố giải quyết như vậy, có lẽ chỉ kéo dài thêm những nhức nhối ở thị trường bất động sản. Thà cứ để thị trường tự điều tiết thì có lợi cho dân hơn”.
Một bên là chủ trương của Chính phủ, là sự kỳ vọng của doanh nghiệp, phía còn lại là “soi xét” của đại biểu Quốc hội đã đưa Bộ trưởng vào thế khó có thể “chiều lòng cả hai”.
Cho dù có những phản đối, một năm qua, ông Dũng vẫn lặng lẽ tìm cách giải quyết tình trạng “đóng băng” của thị trường, xử lý đất bỏ hoang, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu và xử lý nợ xấu. Cùng với đó là kế hoạch giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho sinh viên, người lao động có thu nhập thấp.
Báo cáo trước Chính phủ trong phiên họp cuối năm, Bộ trưởng Dũng cho biết, giá nhà trong năm 2013 đã giảm từ 10 - 30%, thậm chí 50% và về ngang bằng mức giá năm 2006.
Nhiều người xem gói 30.000 tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở là một thất bại của Bộ Xây dựng trong năm 2013. Trước tốc độ giải ngân ì ạch, một lần nữa, Bộ Xây dựng rơi vào “tâm bão” dư luận. Giải trình có, đăng đàn trả lời báo chí, truyền thông vô số lần để cố gắng lý giải cho công luận về nguyên nhân giải ngân chậm. Song, khi mà giá trị của gói hỗ trợ vẫn còn đến hơn 98% sau nửa năm trời triển khai, mọi lý giải đều được cho là “ngụy biện”.
Nhưng cũng không vì thế mà ông Dũng lại chán nản. Trong những ngày dư luận căng thẳng về gói 30.000 tỷ, có mặt tại một cuộc giao lưu văn nghệ, ông Dũng vẫn bình thản hát một vài tình khúc của Ngô Thụy Miên.
Không dưới một lần ông tỏ ra kiên định, “với gói 30.000 tỷ, muốn đúng (đối tượng) và muốn nhanh, thì phải từ từ”.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo