Doanh nhân

Một Trung Quốc "chậm lớn" sẽ tốt cho tất cả mọi người

Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc dù trong ngắn hạn có thể gây ra tác động nhất định tới giá cả hàng hóa, tài chính và thương mại toàn cầu, nhưng sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người trong dài hạn.

Động thái phá giá đồng nhân dân tệ thời gian qua và tâm lý lo lắng về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã góp phần làm náo loạn thị trường thế giới những ngày đầu năm 2016.

Giá dầu lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng hơn một thập kỷ trở lại đây và được nhận định là sẽ “ngủ đông dưới đó” một thời gian dài. Tuy nhiên, nhìn dài hạn, Tổng giám đốc IMF, bà Christine Lagarde, có vẻ lại không bi quan về câu chuyện của Trung Quốc.

Phát biểu trước lãnh đạo ngân hàng trung ương các nước trên thế giới tại một hội nghị ở Paris hôm 12/1, bà Christine Lagarde nói: “Trung Quốc đã bắt tay triển khai kế hoạch tái cân bằng nền kinh tế đầy tham vọng kéo dài trong nhiều năm… Đó là một nỗ lực tích cực, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người trong dài hạn”.

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde

Liên quan tới những ồn ào trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong thời gian qua, bà Lagarde cho rằng việc chuyển từ tăng trưởng nóng sang tăng trưởng vừa phải nhưng bền vững cần nhiều thời gian để chứng minh hiệu quả, còn trước mắt không tránh khỏi ít nhiều hệ lụy tới giá cả hàng hóa, tài chính và thương mại toàn cầu.

Nhìn rộng ra thị trường mới nổi, Tổng giám đốc IMF cảnh báo tình trạng chia rẽ quan điểm trong công tác hoạch định chính sách giữa các ngân hàng trung ương ở một số nước lớn vẫn còn tiếp diễn và trực tiếp lẫn gián tiếp để lại hậu quả tại các nước mới nổi, thông qua biến động tỷ giá hối đoái.

Thách thức mới còn đặt ra cho những nền kinh tế này khi có dấu hiệu hụt hơi trên lộ trình bắt kịp các nước giàu và đối mặt với nguy cơ “có biến” trên thị trường tài chính. Sau nhiều năm đạt được không ít thành tựu đáng ghi nhận, các nước đang phát triển cần mạnh mẽ thay đổi để thích ứng với điều kiện hoàn cảnh mới.

Theo dự báo và cũng là lo ngại của người điều hành IMF, tốc độ lấp đầy khoảng cách thu nhập giữa các nước đang phát triển và phát triển thậm chí còn chưa bằng 2/3 so với kế hoạch đặt ra từ 10 năm trước.

Tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo các nền kinh tế đang phát triển sẽ có một năm 2016 đầy khó khăn, khi mà năm 2015 tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Bên cạnh việc thúc giục các nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, cải tổ chính sách tài khóa và cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng, bà Lagarde kêu gọi thay đổi “thói quen” lệ thuộc vào các gói tín dụng để khai thác tốt hơn nguồn vốn tự có.

“Một sự chuyển dịch trên quy mô toàn cầu hướng tới dòng vốn tự có dài hạn sẽ trấn an được những lo ngại về rủi ro đổ vỡ thanh khoản, đồng thời giảm bớt mức độ yêu cầu về quỹ dự phòng tài chính mà các nước mới nổi và đang phát triển cần duy trì”, Tổng giám đốc IMF nhận định.

Các nước “chưa giàu” bị ảnh hưởng đã đành, những quốc gia “đã và đang giàu” cũng không nằm ngoài phạm vi chịu tác động. Ước tính cứ 1% suy giảm tại các thị trường mới nổi sẽ khiến nền kinh tế các nước phát triển giảm 0,2%.

Đề cập tới một số cái tên cụ thể, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế đưa ra lời khuyên khu vực đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản nên tiếp tục với chính sách nới lỏng tiền tệ hiện nay, để giải quyết bài toán lạm phát thấp và tăng trưởng yếu ớt; trong khi Mỹ nên tiếp tục bình thường hóa dần dần chính sách tiền tệ sau khi đã tăng lãi suất từ cuối năm 2015.

Trước tình cảnh khó khăn của các thị trường mới nổi và đang phát triển, trong khi vẫn đóng góp đáng kể cho GDP toàn cầu, IMF đề nghị Mỹ và các quốc gia tiên tiến khác tích cực xây dựng một “tấm lưới an toàn” chung cho thị trường toàn cầu.

Bà Largarde cho rằng thay vì dựa vào những hiệp định khu vực và song phương mang tính phân tán và manh mún, cần những bộ công cụ có thể áp dụng trên quy mô lớn và hiệu quả cho tất cả mọi người. Bản thân bà Largarde cũng thừa nhận nguồn lực hiện tại của IMF là có hạn và chưa đủ để kiểm soát biến động ngày càng có chiều hướng gia tăng trên thế giới.

Doanhnhansaigon/TBKD

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo