Phân tích

Mua rau trong siêu thị: Giá đắt nhưng chưa chắc đã sạch

(DNVN) - Người tiêu dùng sẵn sàng trả đắt hơn để mua rau an toàn nhưng vào siêu thị mặc dù rau có gắn mác là rau an toàn nhưng thực chất vẫn chưa chắc là an toàn khi nhiều vụ rau không an toàn vẫn bị trà trộn vào siêu thị...

Đánh giá trên được ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nêu ra trong Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "An toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 18/1.

Rau trong siêu thị chưa chắc đã đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa.

Thời gian cận Tết Nguyên đán đang đến gần cũng là thời điểm nhu cầu tiêu dùng và sử dụng các loại sản phẩm thực phẩm ngày càng tăng cao, tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm tiêu dùng như thịt, cá, rau củ quả… Nhu cầu tăng cao ắt sẽ có nguồn cung dồi dào. 

Như vậy, một câu hỏi luôn được đặt ra và tưởng chừng dễ thực hiện nhưng lại luôn là vấn đề nóng mỗi dịp cuối năm, đó là làm thế nào để kiểm soát và ngăn chặn được các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có mặt trên mâm cơm ngày Tết của các gia đình?.

Nêu quan điểm của mình về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, càng gần dịp Tết, các vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng càng nhiều. Gần đây, các cơ quan chức năng phát hiện ra nhiều vụ việc, như hàng tấn thịt thối, chuẩn bị được tẩm ướp để đưa ra thị trường.

Ông này cũng cho rằng, an toàn thực phẩm hiện nay không chỉ nóng trên diễn đàn báo chí mà còn nóng trên cả diễn đàn Quốc hội. Người tiêu dùng ngày càng lo lắng trước tình hình ATTP. 

"Ví dụ rau, đây là mặt hàng không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày nhưng mua rau ở đâu thì an toàn thì người tiêu dùng không biết? Người tiêu dùng sẵn sàng trả đắt hơn để mua rau an toàn nhưng vào siêu thị mặc dù rau có gắn mác là rau an toàn nhưng thực chất vẫn chưa chắc là an toàn khi nhiều vụ rau không an toàn vẫn bị trà trộn vào siêu thị", ông Hùng nói.

 

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng cho rằng, hiện nay người tiêu dùng không chỉ lo ngại về chất lượng của rau mà còn đang rất hoang mang về thịt tạo nạc, gà nuôi bằng vàng ô, chuối dấm bằng thuốc diệt cỏ…. Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương, nhiều vụ việc mất ATTP bị phanh phui nhưng ATTP vẫn là nỗi bức xúc, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hơn 2.000 vụ khiếu nại thực phẩm bẩn

Chia sẻ thêm, ông Hùng cũng cho biết, trong năm 2015 vừa qua, Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã nhận được trên 2.000 vụ khiếu nại, trong đó có khiếu nại về ATTP. Luật Bảo vệ người tiêu dùng giao hội chức năng hòa giải và Hội đang sử dụng công cụ này để giải quyết tranh chấp cho người tiêu dùng.

Ông Hùng cũng cho biết, vừa qua, Hội Bảo vệ người tiêu dùng ở Bến Tre đã giải quyết cho 1 đơn khiếu nại trên phương án hòa giải nhưng bị đơn không đến, thiếu hợp tác nên Hội đã tư vấn đưa vụ việc ra tòa, có sự tham gia của luật sư.

"Sau 2 năm theo đuổi vụ kiện, cuối cùng đơn vị sản xuất bánh mỳ làm hơn 90 người bị ngộ độc phải bồi thường, mặc dù số tiền không nhiều nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ người tiêu dùng. Do đó phải theo đuổi vụ việc tới cùng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tới cùng", ông Hùng nói.

 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo