Mục tiêu GDP 2017 và niềm tin của Bộ trưởng
Đánh giá mới đây của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua chưa thực sự bền vững. Theo đó, tăng trưởng của quý 1/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây, nguyên nhân chủ yếu là do khu vực công nghiệp – xây dựng giảm so với cùng kỳ, trong đó các nhóm ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, khai khoáng, điện tử, máy tính, xây dựng đều sụt giảm, thậm chí giảm sâu so với cùng kỳ và tổng cầu gặp khó khăn.
Có nhiều băn khoăn cho rằng, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%.
Chính vì vậy, có một số ý kiến đề nghị phải thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn, nhưng kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh thay đổi chất lượng tăng trưởng, bảo đảm bền vững.
Đồng tình với ý kiến cho rằng quý vừa qua, kinh tế vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng từ trong và cả ngoài nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lại có niềm tin việc Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2017 đạt 6,7%. Vậy cơ sở nào để Bộ trưởng đặt niềm tin đó?
Trả lời báo chí, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tình hình quốc tế gần đây có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. Các yếu tố dự báo tình hình kinh tế thế giới trong ngắn hạn tốt, có tác động đến kinh tế Việt Nam bởi nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Bên cạnh đó, tình hình trong nước không còn khó khăn như năm ngoái như dịch bệnh, xâm nhập mặn, lũ lụt… Cùng với đó, nông nghiệp phục hồi tốt kèm theo chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, các dòng đầu tư gồm cả đầu tư nước ngoài, trong nước tăng tốt, thu ngân sách các địa phương, xuất khẩu tăng trưởng khả quan, du lịch phát triển, công nghiệp, các ngành chế biến, chế tạo có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tốt.
"Đó là những cơ sở thuận lợi để đạt được mục tiêu đề ra, dù cũng không dễ dàng và cần có giải pháp đồng bộ. Chính phủ đã lưu ý tuy có cơ hội thuận lợi nhưng không được chủ quan, mà cần phải vào cuộc quyết liệt, đồng hành, đồng bộ từ các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp", ông Dũng nhận định.
Đưa ra giải pháp, vị tư lệnh ngành cho rằng, giải pháp cơ bản mang tính dài hạn là phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với sức cạnh tranh của nền kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời tận dụng tốt hơn thị trường hiện đang có, bao gồm cả thị trường trong nước.
Theo ông Dũng, dù Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, nhưng thế giới đã cấu trúc lại thị trường, hệ thống cung ứng. Nếu Việt Nam nâng cao năng lực, năng suất lao động thì có thể hội nhập sâu rộng hơn, tận dụng chiếm lĩnh thị trường mới. Cùng với đó, thị trường trong nước phải phát triển mạnh mẽ.
Về giải pháp ngắn hạn, theo vị Bộ trưởng trước hết, đó là tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để làm sao chuyển hoá số lượng thành chất lượng, số doanh nghiệp đăng ký phải đi đôi với vốn thực hiện, đầu tư. Muốn vậy, chúng ta phải hấp thụ được vốn, cải cách thể chế, hạ tầng, nhân lực, quản lý đất đai…
Vì vậy, Chính phủ đặc biệt quan tâm giảm chi phí cho doanh nghiệp hiện nay. Mới đây,Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt để làm sao giảm hơn nữa chi phí đầu vào trong sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị hiệu quả hơn khi hội nhập. Năng suất lao động thấp, giá thành cao, các chi phí logistics cao sẽ là rào cản cho việc nâng cao sức cạnh tranh. Chính phủ khuyến khích tăng trưởng nhưng phải bền vững...
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chốt lại, để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, Chính phủ vẫn đang nỗ lực thực hiện các giải pháp ngắn hạn, dài hạn để hướng vào chất lượng tăng trưởng chứ không phải chỉ chạy theo con số tăng trưởng.
Ở buổi thảo luận tại Tổ của Quốc hội ngày 25/5 để đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017 và Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, đại biểu Trần Hoàng Ngân ( TP. HCM) cho rằng, mặc dù GDP quý 1/2017 chỉ đạt 5,1%, thấp nhất trong 4 năm qua nhưng có cơ sở để phấn đấu đạt mục tiêu 6,7%. Bởi tiềm năng cho sự phát triển kinh tế những tháng cuối năm là có và có khả năng khai thác được. Tiềm năng mà đại biểu kể đến là kinh tế tư nhân với 3 động lực có thể hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, đó là Nghị quyết Trung ương 5 khóa (XII), Nghị quyết 35 của Chính phủ và tới đây là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị quyết Trung ương 5 đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế, Nghị quyết 35 của Chính phủ sau một năm thực hiện đã thúc đẩy tinh thần doanh nhân khởi nghiệp, vươn lên đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế. “Những trụ cột quan trọng này sẽ tạo động lực hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Khi động lực kinh tế tư nhân được đầu tư phát triển đúng mức, được sự hỗ trợ sẽ có điều kiện đóng góp vào tăng trưởng GDP”, đại biểu nói. Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Quang cho rằng, Chính phủ cần chú ý đến việc tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển. Thời gian tới, cần nhanh chóng triển khai thực hiện tốt 3 Nghị quyết được ban hành tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) nhìn nhận, điều quan trọng nhất là khâu tổ chức quản lý điều hành. Để bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7%, 3 quý còn lại phải đạt trên 7%. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải kiên quyết điều hành, tăng cường kiểm tra, tăng cường đánh giá và đặc biệt là phải rõ được trách nhiệm của người đứng đầu. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo