Mục tiêu tăng trưởng 5,8% GDP liệu có khả thi?
TS Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam: “Năm 2014 mức độ kiềm chế lạm phát quanh mức 7% là có khả năng thực hiện được, cùng các giải pháp tạo động lực mới mà Thủ tướng đã công bố thì mức độ tăng trưởng 5,8% có rất nhiều cơ sở để hoàn thành. Nếu được vậy thì nền kinh tế Việt Nam bắt đầu có hướng đi lên và ổn định”.
PV: Ông có thể đưa ra một số dự báo về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2014 và theo nhận định của ông, mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% trong năm tới liệu có khả thi?
TS Cao Sĩ Kiêm: Năm 2014 là năm vẫn còn nhiều khó khăn, kể cả về tác động của kinh tế thế giới, kể cả về những “bức xúc” của chúng ta chưa được giải quyết triệt để, cũng như những yếu tố nội sinh có thể có những nảy sinh mới. Nhưng do chúng ta đã có một số kết quả ban đầu của năm 2013, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt đã kiểm soát được lạm phát, những chỉ đạo về mặt chính sách, về công cụ cũng đã bắt đầu chuyển hướng theo nguyên tắc thị trường mạnh mẽ hơn, kiến tạo được những yếu tố bền vững hơn.
Kết hợp với năm 2014, chúng ta tiếp tục thực hiện các kế hoạch trung và dài hạn một cách mạnh hơn, đặc biệt là việc thay đổi, hoàn thiện thể chế, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, sắp xếp lại một cách hệ thống hơn doanh nghiệp và ngân hàng.
Tất cả đó là những yếu tố để năm 2014 vượt qua khó khăn, có những chuyển biến hy vọng mạnh hơn và có nhiều kết quả cao hơn so với năm 2013, kể cả vấn đề đầu tư, chọn lọc những hướng đầu tư nâng hiệu quả tốt hơn.
Với mục tiêu, chỉ đạo như thế bằng chính giải pháp tạo động lực mới mà Thủ tướng đã công bố tức là “phát huy quyền làm chủ của dân, tập trung giải quyết, tháo gỡ mạnh hơn về thể chế” thì mức độ tăng trưởng 5,8% có rất nhiều cơ sở để hoàn thành. Nếu được vậy thì nền kinh tế Việt Nam bắt đầu có hướng đi lên và ổn định. Đó là viễn cảnh có thể chúng ta trông chờ và có cơ sở để chúng ta hy vọng cho năm 2014.
Năm 2014 mức độ kiềm chế lạm phát 7%, tôi cho là có khả năng. Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề đầu tư đúng trọng điểm và có hiệu quả hơn, giải quyết vấn đề hỗ trợ của chính sách tài khóa, phân bổ ngân sách, phân bổ vốn đầu tư tăng thêm và đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo hệ số ICOR giảm nhanh, khai thác vấn đề nông thôn, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa một cách mạnh hơn thì mục tiêu 5,8% sẽ không còn quá khó khăn.
Tôi cho rằng các mục tiêu đặt ra trong bối cảnh đầu tư cho xã hội năm 2013 thấp. thu ngân sách không mạnh mẽ, DN phục hồi chưa nhiều, chưa vững chắc, số DN phá sản vẫn tăng lên. Đó là sự đan xen thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức, làm được hay không còn phụ thuộc vào cách điều hành, quản lý và quyết tâm thực hiện các giải pháp của chúng ta là như thế nào.
.
PV: Vậy theo ông, những thuận lợi nào của năm 2014 là căn bản nhất để chúng ta lấy làm cơ sở cho kỳ vọng trên?
TS Cao Sĩ Kiêm: Thứ nhất là tháo gỡ tích cực hơn trên cơ sở kinh nghiệm, kết quả của năm năm 2013 về vấn đề nợ xấu, vấn đề tăng sức mua, giải quyết về mặt thủ tục và của thị trường bất động sản, chứng khoán, thị trường hàng hóa, lao động…Tất cả các thị trường đó đã có chuyển biến tương đối tích cực. Đến năm 2014 sẽ chuyển biến tích cực hơn.
Thứ hai, chúng ta có thể hy vọng là tình hình kinh tế thế giới cũng có tác động theo chiều hướng tích cực hơn. Tuy ổn định chưa vững chắc, nhưng các khu vực trên thế giới, mức độ phục hồi đã xuất hiện, đã có dấu hiệu chuyển biến hơn so với năm 2013.
Thứ ba, rút kinh nghiệm kể cả trong điều hành, xây dựng thể chế cũng như trong các cấp lãnh đạo thông qua việc bỏ phiếu, sửa chữa cũng tạo động lực cho các yếu tố điều hành tốt hơn.
Đó là những yếu tố cơ bản để năm 2014 sẽ có những tác động có tính chất tích cực.
PV: Trong năm tới, những điểm nào là tắc nghẽn đòi hỏi chúng ta phải giải quyết ngay, thưa ông?
TS Cao Sĩ Kiêm: Cái thứ nhất vẫn là thể chế. Những mắc mớ, tồn tại của thể chế làm cản trở năng lực cạnh tranh, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm lại, bức xúc xã hội nảy sinh, không phù hợp với DN. Phải giải quyết ngay trên tất cả các lĩnh vực để tạo điều kiện cho hội nhập sâu rộng, và những điều kiện thị trường được áp dụng tích cực hơn để chúng ta có khả năng thích nghi, kiến tạo 1 nền kinh tế có tính chất bền vững.
Cái thứ hai phải nhanh chóng sắp xếp lại hệ thống ngân hàng và DN. Những tồn tại của năm 2013 phải sửa chữa nhanh, nếu không khắc phục được thì phải tìm phương án giải thể, sáp nhập, hoặc nâng tầm một cách tích cực.
Yếu tố thứ ba, tuy rằng là trước mắt nhưng cũng là lâu dài đó là làm sao cho hạ tầng hoàn chỉnh hơn, làm cho đội ngũ, chất lượng nhân lực được nâng lên, có đủ trình độ đáp ứng yêu cầu của hội nhập.
PV: Theo ông, năm 2014 thì ngành nào sẽ là ngành mũi nhọn của nền kinh tế?
TS Cao Sĩ Kiêm: Đó chính là nông nghiệp. Nông nghiệp vừa là nền tảng kinh tế đồng thời là yếu tố phát triển bền vững và ổn định trong mọi tình huống.
Những giải pháp trong các lĩnh vực không có gì nhẹ nhàng và có thể bỏ qua được nhưng nông nghiệp vẫn là nền tảng rất quan trọng. Ngoài việc sắp xếp lại hệ thống ngân hàng, DN để tạo yếu tố tích cực trong sản xuất kinh doanh, thì nông nghiệp là mũi nhọn chúng ta rất quan tâm, là lĩnh vực cần phải được tập trung nhiều hơn, đặc biệt chú trọng tới việc sản xuất dịch vụ, chế biến, tiêu thụ để nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.
Đứng ở vị trí trung tâm vẫn là nông dân, nông thôn, trong đó có hệ thống nông thôn mới, nên cần xây dựng hạ tầng để phát huy nguồn lực rất lớn và đóng góp của lĩnh vực này. Bên cạnh đó là chính sách đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới khoa học công nghệ, chế biến để nâng giá trị, nâng tính hiệu quả. Trong điều kiện ngân sách không tiềm tàng, những sở trường, thế mạnh của chúng ta chưa được phát huy triệt để thì yếu tố quan trọng để khơi dậy, phát huy khả năng chính là lĩnh vực này.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đoàn Huế (thực hiện)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo