Muốn startup? Hãy chuẩn bị đối mặt với thất bại, thất bại, và ... thất bại
Chia sẻ tại tọa đàm của sự kiện Startup Insider TalentHunt 2015, Mandy Nguyễn – Giám đốc Kinh doanh của Alpha Vision – khuyên các bạn trẻ cần tránh đi lầm đường.
“Trước khi bạn quyết định đó là điều thôi thúc bạn bắt tay xây dựng một Startup, hãy làm nghiên cứu thị trường. Nếu bạn không hiểu thị trường, không biết nhu cầu thực của thị trường, bạn sẽ bỏ lỡ một số điều quan trọng”, Mandy nói.
Justin WW đến từ Singapore, hiện là Cloud Technical Evangelist của IBM, đồng thời đang xây dựng Startup của riêng mình, lại cho rằng nghiên cứu thị trường là quan trọng. Nhưng nếu một ý tưởng thôi thúc bạn, đừng tin nghiên cứu thị trường.
Chuẩn bị tâm lý đối mặt với thất bại khi khởi nghiệp
“Nghiên cứu thị trường sẽ nói với bạn rằng: Hãy đợi đã, đừng làm ngay. Còn tôi khuyên bạn: Đừng nghĩ nhiều quá, cứ bắt tay làm đi! Bạn còn lăn tăn ư? Hãy Lean Startup (khởi nghiệp tinh gọn), hãy tạo ra một sản phẩm có tính khả thi tối thiểu (MVP - Minimum Viable Product). Khi làm MVP, sản phẩm của bạn có thể mất 6 tháng, có thể 1 năm”, Justin nói.
Anh cũng gửi lời khuyên tới các bạn trẻ: Hãy nghĩ làm thế nào để hiện thực hóa ý tưởng của mình trong 1 tuần, hãy thử nghiên cứu thị trường và… thất bại. Một điều thực sự quan trọng là các bạn cần thất bại… và thất bại… và thất bại… và thất bại…
“99,99% Startup trên thế giới sẽ thất bại, Justin nói.
“Tỷ phú bán giày” Tony Hseih và Startup Zappos của anh là một ví dụ điển hình của sản phẩm MVP, với khởi đầu đơn giản bằng việc chụp ảnh giày ngoài hàng và đưa lên trên website của mình. Khi có đơn hàng đến thì đến cửa hàng giày mua về và ship hàng.
Mandy cũng khuyên nhủ: Khi muốn thử nghiệm một sản phẩm mới, hãy test sản phẩm ra thị trường trong vòng 1 tuần. Hãy lập một fanpage và show sản phẩm đó. Nếu bạn có 50 - 100 khách hàng trong 1 tuần test trên facebook, đấy là lúc bạn cần tiếp tục. Còn nếu không ai post bất cứ cái gì liên quan đến sản phẩm của bạn, thì hãy dừng ngay mọi việc.
Với các bạn khởi nghiệp trên mảnh đất đang được cho là màu mỡ - thương mại điện tử, Founder Vexere Trần Nguyễn Lê Văn ví von: Thương mại điện tử là câu chuyện con gà – quả trứng. Với Vexere, đó là câu chuyện hành khách có trước hay nhà xe có trước. Khách muốn khi nào có nhiều hãng xe mới lên đặt vé, trong khi các hãng xe muốn có khách mới lập quan hệ.
Trước bài toán khó này, anh chàng bỏ học thạc sỹ ở Mỹ về Việt Nam bán vé xe đã làm gì?
“Tâm lý hành khách nếu không đặt được vé vẫn có nhu cầu về thông tin. Ít nhất là tuyến xe này có những hãng xe nào, giá vé thế nào, xuất phát mấy giờ, ở đâu… Cho nên, chúng tôi giải bài toán cổng thông tin trước”, anh Văn chia sẻ.
Giải xong bài toán thông tin, cũng là lúc Vexere có một lượng khách khổng lồ.
Thành lập từ năm 2013, Vexere.com hiện là website số 1 Việt Nam về bán vé xe khách với trên 700.000 lượt truy cập mỗi tháng và 1.200 hãng xe hiện đang được hiện diện tại đây. Hồi tháng 6/2015, Vexere đã nhận được vòng đầu tư thứ 2 từ hai quỹ đầu tư Nhật CyberAgent Ventures và Singapore Pix Vine Capital.
End of content
Không có tin nào tiếp theo