Phân tích

Mỹ giám sát các loại cá da trơn không làm gián đoạn xuất khẩu của Việt Nam

(DNVN) - Sau khi Mỹ thiết lập chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc Bộ Siluriformes, trong đó có cá da trơn và cá tra của Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có những thảo luận trực tiếp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nhằm tránh ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), liên quan đến việc Bộ Nông nghiệp Mỹ quyết định ban hành “Quy định cuối cùng” về việc thiết lập chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc Bộ Siluriformes, trong đó có cá da trơn và cá tra của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có những biện pháp khẩn trương tháo gỡ để hoạt động xuất khẩu không bị gián đoạn.

Cụ thể, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, quy định mới của Hoa Kỳ không chỉ áp dụng riêng cho Việt Nam mà đối với tất cả các nước xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào nước này. Do thời gian Hoa Kỳ áp dụng quy định mới rất gấp nên sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hệ thống quản lí nhà nước Việt Nam.

Mỹ thiết lập chương trình giám sát cá da trơn không làm gián đoạn xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh minh họa.

Bộ NN&PTNT cho biết, trước mắt từ nay đến ngày 2/3/2016, Bộ này sẽ phối hợp với Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) gửi cho Mỹ danh sách các doanh nghiệp có mong muốn tiếp tục xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào Mỹ. Phía Việt Nam cũng sẽ cung cấp các thông tin cho Mỹ về các hệ thống luật pháp, hệ thống quản lí nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất chế biến cá tra, cá ba sa của Việt Nam theo như yêu cầu của phía Mỹ.

Sau đó, kể từ tháng 3/2016, sẽ khoảng thời gian chuyển tiếp 18 tháng. Trong 18 tháng này, Việt Nam sẽ phải cung cấp các tư liệu chứng minh hệ thống quản lí sản xuất,chế biến cá da trơn tương đồng với Mỹ. Theo nhận định của Bộ trưởng Cao Đức Phát, đây là quan ngại lớn, bởi hệ thống quản lí sản xuất, chế biến cá da trơn của Việt Nam và Mỹ đang có nhiều sự khác biệt.

Hiện tại, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Quản lí chất lượng Nông lâm thủy sản phối hợp với Vụ Hợp tácQuốc tế, Tổng cục Thủy sản, VASEP nghiên cứu kỹ các quy định chi tiết để xem giữa quy định của chúng ta đang áp dụng còn chỗ nào chưa phù hợp, chưa tương đồng, còn vênh nhau chỗ nào so với quy định mới của Hoa Kỳ để điều chỉnh. 

“Nếu quy định, tiêu chuẩn nào còn vênh mà phù hợp với thông lệ quốc tế và có cơ sở khoa học thì nhất định chúng ta sẽ phải có sự thay đổi điều chỉnh. Tuy nhiên, do thời gian mà Mỹ áp dụng quy định mới rất gấp nên Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã có những thảo luận trực tiếp với Bộ Nông nghiệp Mỹ nhằm tránh ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ sớm có thư kiến nghị chính thức gửi cho Bộ Nông nghiệp Mỹ”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Trước đó, ngày 2/12/2015, Cơ quan giám sát ATTP (Bộ Nông nghiệp Mỹ) đã quyết định ban hành “Quy định cuối cùng” về việc thiết lập chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc Bộ Siluriformes, trong đó có cá da trơn và cá tra của Việt Nam.

 

“Quy định cuối cùng” được triển khai theo yêu cầu của Luật Nông nghiệp 2014 của Mỹ và áp dụng đối với tất cả các loài cá thuộc Bộ Siluriformes bao gồm cá tra, cá ba sa của Việt Nam nuôi trồng nội địa và nhập khẩu.

Ngay sau khi Mỹ thông qua quy định mới về giám sát cá da trơn, bên lề Hội nghị lần thứ 21 về Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu tại Paris (Pháp) ngày 2/12, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nhanh chóng có cuộc gặp với Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack. Nội dung cuộc gặp, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu sự quan ngại của Việt Nam cũng như thảo luận các giải pháp nhằm tháo gỡ cho hoạt động xuất khẩu cá tra, cá ba sa của Việt Nam sang thị trường Mỹ.

Bộ NN&PTNT dẫn lời Bộ trưởng Tom Vilsack đã ghi nhận và khẳng định, việc triển khai quy định mới về cá da trơn của Mỹ sẽ không làm gián đoạn tới hoạt động xuất khẩu cá tra, cá ba sa của Việt Nam sang Mỹ. Phía Mỹ cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực hiện quá trình chuyển đổi để ít xảy ra trục trặc nhất. Nếu có vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện quy định mới đối với Việt Nam, ngài Tom Vilsack sẽ trực tiếp chỉ đạo giải quyết.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo