Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam sẽ thế nào?
Như tin tức đã đưa, hôm 23/1, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức đặt bút ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) qua đó hiện thực hóa cam kết được ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 là Washington sẽ rút khỏi hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này ngay khi ông tiếp quản Nhà Trắng.
"Chúng tôi đã nói về vấn đề này trong một thời gian dài. Chúng ta sẽ chấm dứt những thỏa thuận thương mại nực cười khiến đất nước của chúng ta mất việc làm và các công ty đi khỏi nước Mỹ”, ông Trump phát biểu khi ký kết sắc lệnh hành pháp tại Phòng Bầu dục.
Ngay sau khi ông Trump đặt bút ký rút khỏi TPP, nhiều nước thành viên tỏ ra lo lắng về số phận của Hiệp định này. Mặc dù vậy, nhiều nước thành viên vẫn đang cân nhắc khả năng triển khai hiệp định này mà không cần sự tham gia của Mỹ.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được khởi xướng từ năm 2005 bởi 4 nước thành viên ban đầu là Brunei, Chi Lê, New Zealand và Singapore. TPP chính thức khởi động vào tháng 3/2010. Việt Nam tham gia TPP vào tháng 11/2010.
TPP bao gồm 12 thành viên gồm: Australia, Brunei, Canada, Chi-Lê, Nhật Bản, Malaysia, Mehico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Với sự tham gia của Nhật Bản (tháng 7/2013), TPP được cho là hiệp định tham vọng nhất của thế kỷ. Tuy nhiên, theo đánh giá, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định này sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế của thế giới và các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2016, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch lên tới 38,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 21, 78% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, cho rằng Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam không những không bị ảnh hưởng mà thậm chí còn tốt hơn.
Cụ thể, trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, việc ông Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP chưa ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam vì chúng ta chưa vào TPP. Nếu chúng ta đang ở trong TPP, động thái này của ông Trump mới ảnh hưởng. Mà hiện tại, TPP chưa hề khởi động.
"Nếu có thì chỉ là ảnh hưởng về tâm lý mà thôi. Vài năm gần đây, khi nhắc đến TPP, nhiều người hy vọng kinh tế sẽ tăng trưởng và hào hứng với TPP. Nhưng tất cả những kỳ vọng đó chỉ cho tương lai. Còn về nội lực, chúng ta chưa chuẩn bị gì hết", ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, không quan trọng chúng ta có ở trong TPP hay không. Cái chính vẫn là chiến lược phát triển quốc gia về công nghiệp. Công nghiệp mà cụ thể ở đây, vấn đề nhiều người đặt ra nhất chính là sản xuất giá trị gia tăng, chuỗi cung ứng hiệu quả.
"Chúng ta chưa làm được điều này vì chiến lược kinh tế chưa đạt, chứ không phải vì TPP. Trước chúng ta, Đài Loan, Hàn Quốc hay Thái Lan đâu cần TPP mà họ vẫn phát triển tốt. Quan trọng vẫn là chúng ta đang sống trong kinh tế thế giới hội nhập, câu hỏi cần đặt ra là mình có phát triển được nội lực không, nền kinh tế có tổ chức đúng không", ông Hiển cho biết.
"Nội lực tốt, chúng ta sẽ cạnh tranh tốt. Ví dụ, tôm của Việt Nam tốt chúng ta mới xuất khẩu được. Cá ba sa, hàng may mặc của chúng ta tốt mới có người mua. Chúng ta không phát triển chỉ vì có TPP hay không, không phát triển vì ai là Tổng thống Mỹ", vẫn lời ông Hiển.
Chia sẻ về việc này, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, dù Mỹ rút khỏi TPP, dù TPP không thành hiện thực thì những cơ chế thay thế vẫn đang được các nước tiếp tục bàn bạc. Với Việt Nam, về cơ bản là vẫn đang trong quá trình hội nhập. Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia với các nước còn lại của nhóm đàm phán TPP bàn bạc để điều chỉnh hiệp định đó sao cho có thể cùng nhau thực hiện.
Về cơ bản, khi chuẩn bị cho TPP thì quá trình này đã thúc đẩy lợi ích rất nhiều cho các nền kinh tế, đặc biệt là Việt Nam, kể cả khía cạnh TPP như một nhân tố động lực và áp lực thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam. Nó cũng tạo cơ hội về mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Việt và người Việt tiếp cận cách phát triển mới. Đó là phát triển không phải chỉ dựa trên những nền tảng cũ, những cái có sẵn lợi thế (như tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ…) mà bước sang giai đoạn phát triển mới (dựa trên các nhân tố về đổi mới công nghệ, sáng tạo, hệ thống quản trị mới… ) để đưa nền kinh tế phát triển ở một trình độ cao hơn, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đưa nền kinh tế vào giai đoạn đổi mới lần thứ 2 đang rất cấp thiết ở Việt Nam.
Bà Phạm Chi Lan tin tưởng rằng, dù không có TPP thì Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội từ các nước còn lại của TPP, đặc biệt là các nước lớn như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ... có thể cùng nhau tạo thành một vành đai, một sự liên kết kinh tế mới. Cùng với đó, Việt Nam có FTA với EU, trong đó với mỗi nước lớn trong thành viên EU, Việt Nam đều đã xây dựng được những quan hệ cơ bản, là đối tác chiến lược, đối tác hợp tác toàn diện…. Việc cần làm là Việt Nam thúc đẩy tiếp các mối quan hệ đó để tạo nền tảng cho sự phát triển quan hệ lâu dài với họ và qua đó góp phần quan trọng tạo nền tảng cho Việt Nam vượt lên.
Ông Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP
End of content
Không có tin nào tiếp theo