Góc nhìn

Năm 2014: Nợ xấu tiếp tục là “hố đen” hút hết năng lượng của nền kinh tế

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chủ yếu phụ thuộc vào lượng vốn được tích lũy trong nền kinh tế.

Trong mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng của Việt Nam, đầu tư luôn là biến số quyết định tốc độ tăng GDP, tỷ lệ lạm phát, mức nhập siêu, cũng như quy mô thu NSNN… Đó là quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế tài chính (Bộ Tài chính) khi trao đổi với chúng tôi về dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2014.

Ông đánh giá như thế nào về yếu tố vốn đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong năm 2014?

Theo tôi, Việt Nam là một nền kinh tế đang trong quá trình công nghiệp hóa và nguồn lao động từ khu vực nông thôn tương đối dồi dào. Chính vì vậy không phải là yếu tố chính hạn chế mức tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cũng cho rằng mô hình tăng trưởng của Việt Nam là mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, trong đó đóng góp của yếu tố năng suất là không lớn.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chủ yếu phụ thuộc vào lượng vốn được tích lũy trong nền kinh tế. Điều này ngụ ý rằng, đầu tư là yếu tố chủ đạo, quyết định tốc độ tăng trưởng GDP.

Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu trong 3 năm (2014 – 2016) vậy ông có cho rằng trong năm 2014 này kinh tế Việt Nam sẽ đạt được tốc độ phát triển như kỳ vọng?

Các vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam như tình hình nợ xấu của hệ thống ngân hàng và các DN, thâm hụt ngân sách và mức nợ công không còn thấp cho thấy việc đảm bảo tốc độ tăng đầu tư thực ở mức 5%/năm như đã đề xuất không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Các số liệu về đầu tư trong những năm gần đây cũng cho thấy, tốc độ tăng đầu tư của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Nếu như xu hướng này tiếp tục trong giai đoạn từ nay đến năm 2016, đầu tư thực của nền kinh tế chỉ đạt được mức tăng trưởng khoảng 2%/năm. Nếu vậy trong giai đoạn 2014 – 2016 Việt Nam chỉ có thể đạt được mức tăng trưởng GDP trung bình khoảng 5,4 - 5,5%/năm, (tức là nền kinh tế sẽ đi ngang); tỷ lệ lạm phát trung bình khoảng 4 – 4,5%/năm và thu từ thuế trên GDP trung bình vào khoảng 18,5 – 19%/năm.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2013 Quốc hội đã thông qua kế hoạch kích cầu đầu tư công của Chính phủ với quy mô phát hành thêm trái phiếu là 170.000 tỷ đồng trong 3 năm (2014 – 2016) tương đương với việc đầu tư sẽ tăng thêm khoảng 5% (hay 1,5% GDP mỗi năm). Chính sách tăng chi tiêu công này được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế khởi sắc hơn trong những năm tới.

Mặc dù vậy, có lý do để nhận định rằng, gói kích thích kinh tế này sẽ bị thất thoát. Đó là, một phần không nhỏ của gói này sẽ được sử dụng để thanh toán nợ nần. Rõ ràng là vấn đề nợ xấu đang cản trở sự phục hồi của đầu tư tư nhân, thậm chí của cả đầu tư công.

Nhưng nhiều ý kiến lại lo ngại về vấn đề nợ xấu hiện nay sẽ cản trở sự phát triển của nền kinh tế, ông nghĩ sao?

Có thể nói, nợ xấu cũng như một cái “hố đen” hút hết toàn bộ năng lượng (vốn) của nền kinh tế vào đó. Các chính quyền địa phương, nếu có tiền sẽ sử dụng cho việc trả nợ đọng xây dựng cơ bản. Các DN, nếu kiếm được tiền, sẽ sử dụng để trả nợ ngân hàng. Và các ngân hàng nếu có được lợi nhuận cũng phải sử dụng để trích lập dự phòng nợ xấu.

Như vậy, nợ xấu không chỉ làm tắc nghẽn các kênh tín dụng ngân hàng và làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ, mà còn làm tắc nghẽn các kênh tác động lan tỏa của chính sách tài khóa, tức là số nhân của đầu tư công cũng sẽ bị giảm đi rất nhiều.

Chừng nào vấn đề nợ xấu chưa được giải quyết triệt để, tốc độ tăng đầu tư sẽ khó có thể đạt được mức tăng trưởng tiềm năng.   

Đặt giả sử hiệu quả của gói kích cầu chỉ đạt được 50%, tức đầu tư chỉ tăng thêm 2,5%/năm so với phương án không có gói kích cầu này thì ông dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng bao nhiêu trong giai đoạn 2014 – 2016?

Tôi cho rằng, sẽ có 3 kịch bản đó là: Nếu ở kịch bản thấp GDP giai đoạn 2014 – 2016 sẽ là 5,4%, kịch bản trung bình GDP sẽ là 5,7% và kịch bản cao nhất GDP sẽ tăng trưởng đạt 5,9%.

Xin cảm ơn ông!

Theo CafeF
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo