Doanh nhân

Năm 2016, giá bia tăng mạnh vì thuế tiêu thụ đặc biệt

Ngay sau khi ô tô tăng giá bán thì mặt hàng bia cũng được điều chỉnh vì thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Từ đầu tháng 1 đến nay, giá bia bán tại các đại lý và cửa hàng bán lẻ đã tăng mạnh. Cụ thể, tại siêu thị Aeon Citimart, giá bia 333 tăng 6.000đ/thùng, lên mức 226.000đ/thùng. Trước đó, vào tháng 11/2015, siêu thị Lotte Mart cũng đã nhận thông báo tăng giá bán của một số hãng bia với mức tăng từ 1,7 - 2,7%.

Còn tại các cửa hàng, đại lý, giá bán lẻ mặt hàng này đã tăng từ cuối năm 2015. Theo lý giải của các nhà phân phối, giá bia được điều chỉnh một phần là do áp lực thuế TTĐB.

Từ ngày 1/1/2016, bia là một trong những mặt hàng (rượu, thuốc lá, xe ô tô) tăng thuế TTĐB. Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, sẽ có lộ trình áp thuế mới cho mặt hàng này.

Tăng giá bia

Từ năm 2016 đến năm 2018, thuế TTĐB bia tăng lên từ 55% đến 65%

Cụ thể, từ ngày 1/1 đến ngày 31/12/2016, thuế TTĐB bia sẽ tăng dần lên mức 55%, từ ngày 1/1 - 31/12/2017 sẽ tăng lên mức 60% và từ ngày 1/1/2018 sẽ tăng lên mức 65%. Với cách tính thuế này, doanh nghiệp phải nộp thuế TTĐB ở hai khâu: khâu nhập khẩu và khâu bán hàng trong nước.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, cho rằng, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do thuế TTĐB và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá bia trên thị trường.

“Quy định mới này gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các công ty bia, làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh và có thể làm tăng giá bia thêm 7 - 8% so với hiện tại”, ông Việt nói.

Cùng nhận định này, một vị đại diện của Bộ Công Thương công nhận mức tăng thuế 5% tuy không lớn nhưng vẫn ảnh hưởng nhất định đến quy hoạch ngành công nghiệp bia - rượu - nước giải khát.

Đó là lý do để các cơ quan quản lý “tăng thuế TTĐB 5% mỗi năm cho đến năm 2018 thay vì tăng 1 lần là để làm giảm tác động đến doanh nghiệp, thị trường”.

Các doanh nghiệp sản xuất bia cho rằng, mức điều chỉnh này chưa gây ra những tác động tức thời đến việc điều chỉnh giá bán vì “doanh nghiệp không thể tăng giá trong thời điểm này nhưng chắc chắn sẽ điều chỉnh trong thời gian tới”. Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Sapporo Việt Nam cho biết “đang cân nhắc và tìm phương án phù hợp vì thuế TTĐB đã tăng từ đầu năm”.

Trên thực tế, ngoài tác động từ thuế TTĐB, giá bia còn bị tác động bởi nhu cầu thị trường. Hiện nay, do đang vào mùa Tết nên nhu cầu tiêu thụ bia tăng cao, hơn nữa, các cửa hàng đang tích trữ hàng chuẩn bị Tết nên không loại trừ khả năng hút hàng khiến các đại lý “làm giá”.

Các thống kê cho thấy nhu cầu tiêu thụ bia trong những ngày Tết rất cao và đây là cơ hội kinh doanh tốt nhất của các cửa hàng.

Theo bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nhu cầu tiêu thụ của người dân Thành phố dự báo khoảng 40 triệu lít bia và 45 triệu lít nước giải khát/tháng Tết, tăng 30% so với tháng thường.

Hiện nay, mức tăng chưa phải là nhiều nhưng nhiều người cho rằng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, giá bia sẽ có nhiều biến động dù không xảy ra tình trạng cháy hàng. Ngay như Tết Dương lịch, giá bán lẻ các loại bia đã tăng từ 15.000 - 30.000đ/thùng so với trước đó một tuần.

Nhãn hiệu bia tăng giá nhiều và khá thu hút khách hàng là Tiger với giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng giao động từ 325.000 - 330.000đ/thùng, tăng đến 30.000đ/thùng. Các nhãn hiệu khác như Heineken, 333, Sài Gòn đỏ, Sài Gòn xanh có giá bán lẻ tăng từ 10.000 - 20.000đ/thùng. 

Thanh Hùng/Doanhnhansaigon

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo