Năm 2020, TP.HCM phấn đấu đạt 500.000 doanh nghiệp
Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với trên 150 doanh nghiệp (DN) về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, Bí thư Đinh La Thăng cam kết Thành phố luôn đồng hành, chia sẻ và phục vụ vô điều kiện để hỗ trợ DN phát triển.
Trước những ý kiến băn khoăn về khả năng hoàn thành mục tiêu phát triển 500.000 DN mà TP.HCM đề ra trong giai đoạn tới, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng nhấn mạnh, Thành phố đưa ra mục tiêu trên là có cơ sở thực tế. Với số lượng DN hiện tại, cùng với khả năng thúc đẩy khởi nghiệp và chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể, mục tiêu trên là khả thi và có khả năng thực hiện.
Nói rõ hơn về biện pháp thực hiện mục tiêu trên, ông Đinh La Thăng cho biết, tại TP.HCM hiện có hơn 250.000 hộ kinh doanh cá thể, đây là lực lượng quan trọng mà chính quyền Thành phố sẽ nghiên cứu giải pháp, tạo mọi điều kiện để các hộ kinh doanh này chuyển đổi thành DN. Bên cạnh đó, bình quân mỗi tháng Thành phố có hơn 3.000 DN thành lập mới và con số này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên nếu có chính sách khuyến khích phù hợp.
“Nền tảng phát triển DN tại Thành phố là rất thuận lợi. Quan trọng là cộng đồng DN phải có quyết tâm cao, nỗ lực cùng chính quyền Thành phố hành động. Như vậy mới thực hiện thành công những mục tiêu đã đề ra”, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Để cộng đồng DN phát triển lớn mạnh, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM cam kết Thành phố sẽ luôn đồng hành, chia sẻ và phục vụ vô điều kiện để hỗ trợ DN hoạt động.
Đồng thời, yêu cầu chính quyền Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó cần sớm thực hiện phân cấp phân quyền theo tiêu chí “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, hạn chế tối đa các thủ tục, giấy tờ gây phiền hà, rắc rối để DN phát triển; hướng đến khát vọng xây dựng “TPHCM trở thành hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông” như mong muốn của lãnh đạo Trung ương.
Trước đó, đóng góp ý kiến đối với Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của TPHCM, các DN hầu hết đều nhất trí với các giải pháp trọng tâm được Thành phố đề ra. Tuy nhiên, một số ý kiến còn tỏ ra băn khoăn trước mục tiêu phát triển 500.000 DN.
Đại diện Hiệp hội DN nhựa và cao su TP.HCM cho rằng đây là mục tiêu đầy tham vọng nhưng khó thực hiện do thời gian còn lại ngắn, chỉ có 4 năm. Dẫn báo cáo của VCCI cho rằng DN ngày càng nhỏ và không chịu lớn, vị này kiến nghị Thành phố tập trung ban hành các chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp, tạo vườn ươm… để giúp các DN sẵn có hoạt động và phát triển.
Đại diện Công ty cáp Thịnh Phát cũng cho rằng không nhất thiết cứ phải là 500.000 DN mà nên chú trọng phát triển những DN đầu ngành, chọn ra DN tốt để hỗ trợ phát triển thành những DN lớn. Để làm được điều này, Thành phố cần có chính sách cụ thể giúp DN vừa và nhỏ tiếp cận được đất đai với chi phí hợp lý, giảm chi phí sản xuất, chi phí logistic…
Còn theo đại diện Hiệp hội DN các khu công nghiệp TP.HCM, bên cạnh nhu cầu về vốn, lao động, mặt bằng, đổi mới công nghệ… điều mà DN quan tâm nhất vẫn là môi trường kinh doanh. Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều “rào cản” DN phát triển như: "Giấy phép con", giấy kiểm định, giấy chứng nhận… Đây là vấn đề lãnh đạo TP.HCM cần đặc biệt quan tâm, khắc phục để giúp DN ngày càng lớn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Nghị quyết 35 của Chính phủ xác định 5 nhiệm vụ lớn, gồm: Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN; tạo môi trường cho DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN; giảm chi phí cho DN; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN.
Thời gian tới, lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định luôn sẵn sàng hỗ trợ và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để DN yên tâm hoạt động. Về phía DN, cần tự nâng cao năng lực, tăng cường sự kết nối hỗ trợ lẫn nhau. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phải thực sự minh bạch để tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế bởi Việt Nam đã chính thức bước vào sân chơi toàn cầu.
Theo Kế hoạch triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ trên địa bàn TP.HCM, đến năm 2020, TP.HCM đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng cộng đồng DN Thành phố có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; thành lập ít nhất 500.000 DN hoạt động, trong đó có các DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân tiếp tục duy trì đóng góp 60-62% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; hằng năm khoảng 30-35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Doanhnhansaigon/VGP News
End of content
Không có tin nào tiếp theo