Góc nhìn

Nắm bắt cơ hội thu hút đầu tư từ Nhật, Việt Nam cần làm gì?

Việt Nam phải nắm bắt cơ hội để mở rộng thu hút đầu tư từ Nhật sang Việt Nam trong tình hình quan hệ cấp nhà nước đang trở nên tốt đẹp.

Việt Nam phải nắm bắt cơ hội để mở rộng thu hút đầu tư từ Nhật sang Việt Nam trong tình hình quan hệ cấp nhà nước đang trở nên tốt đẹp

PGS TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội nêu quan điểm trước thông tin 30% doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư ra nước ngoài đang xem Việt Nam là lựa chọn hàng đầu trong khi tại Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2014 vốn đầu tư của Nhật Bản đã sụt giảm đến 42,2%.

Nắm bắt cơ hội
 
Cụ thể, theo PGS TS Đặng Đình Đào trong tình hình quan hệ cấp nhà nước Việt Nam - Nhật Bản đang tốt đẹp việc dòng vốn của Nhật Bản đến Việt Nam thời gian tới sẽ thuận lợi hơn nhiều.
 
Song cũng theo PGS TS Đặng Đình Đào, mặc dù phía đối tác Nhật Bản đánh giá khá cao thị trường của Việt Nam nhưng các nhà đầu tư Nhật Bản cũng cho biết nhiều điểm Viêt Nam cần điều chỉnh để phù hợp hơn.
 
Theo đó, Việt Nam phải khẩn trương hoàn thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài.
 
“Đồng thời, các chính sách phải minh bạch hóa để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam và quan trọng là chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp nước ngoài hiện nay Việt Nam đang thiếu”, PGS TS Đặng Đình Đào nói.
 
PGS TS Đặng Đình Đào cũng nhấn mạnh, điểm quan trọng khác là cơ sở hạ tầng phải được nâng cấp, khắc phục khả năng kết nối các loại hình vận tải, hệ thống giao thông để giảm chi phí vận chuyển, chi phí logistics, nâng cao hiệu quả vì hiện chi phí để dành cho việc này quá lớn.
 
Thậm chí các dự án đầu tư vào Việt Nam có những tiêu cực ảnh hưởng nhưng hiện cũng đang cải thiện để các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam.
 
Đánh giá dòng vốn đầu tư của Nhật theo PGS TS Đặng Đình Đào là khá hiệu quả, tương đối tốt so với dòng vốn ở nhiều khu vực, quốc gia khác vì đây là nước có nền công nghiệp phát triển, làm ăn theo quy tắc thị trường đúng đắn.
 
Về các chính sách đối với nhà đầu tư từ Nhật Bản, theo PGS TS Đặng Đình Đào, chúng vẫn tuân thủ theo chính sách chung dành cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào đầu tư tại Việt Nam tuy nhiên khi các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam trong định hướng, ưu tiên vẫn phải có quan điểm rõ ràng quan trọng là phải công bằng và minh bạch.
 
“Trong vấn đề thu hút nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung người thực thi phải hiểu và không gây cản trở, không tạo nên những barie cản trở sự phát triển, đóng góp của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam”, PGS TS Đặng Đình Đào nói.
 
Gấp rút thu hút đầu tư
 
Làn sóng đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam không những được kỳ vọng ở những tỉnh thành vốn dĩ đã có sự tham gia của các nhà đầu tư Nhật Bản ở các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp sạch mà ở những địa phương là cứ điểm của các nhà đầu tư nước ngoài khác như Hàn Quốc, Đài Loan… cũng chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đón dòng đầu tư của Nhật Bản.
 
Trao đổi với PV Đất Việt chiều 23/7, ông Nguyễn Quốc Chung – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh không quá nhiều và thường tham gia ở lĩnh vực điện tử do địa phương có nhà máy Samsung của Hàn Quốc.
 
“Đây là các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử và công nghiệp phụ trợ liên quan đến những nhà máy Samsung, Nokia, Canon…”, ông Nguyễn Quốc Chung nói.
 
Theo ông Nguyễn Quốc Chung, mặc dù cũng có quan hệ nhất định với những nhà đầu tư Nhật Bản, nhà đầu tư Nhật Bản cũng nhiều nhưng không phải thế mạnh nhất của Bắc Ninh song thời gian vừa qua Bắc Ninh cũng đã có những phương án cụ thể, chi tiết nhằm thu hút dòng vốn đầu tư và sự tham gia của nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
 
Còn tại Bình Phước, ông Vũ Thành Nam – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đang tiến hành việc thăm dò là chủ yếu ở những lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
 
“Phía Nhật Bản đã nêu ý định sẽ đầu tư tại địa phương nhưng hiện vẫn còn đang trong quá trình thăm dò, đặt vấn đề đầu tư hạ tầng khu công nghiệp”, ông Vũ Thành Nam nói.
 
Mặc dù có kỳ vọng vào các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ đầu tư vào địa phương tuy nhiên, ông Vũ Thành Nam cũng nhìn nhận, vấn đề cơ sở hạ tầng như có gần sân bay, bến cảng hay không… đang là rào cản nhất định đối với Bình Phước.
 
“Hiện nay tại địa phương chiếm tỷ trọng lớn nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc trong các lĩnh vực và thế mạnh là điện tử và các sản xuất khác, nếu Nhật Bản đầu tư địa phương sẽ có cơ chế thu hút, hiện các cơ chế chính sách ưu đãi nhất trong khu vực nhưng vấn đề họ có tới hay không lại là vấn đề khác”, ông Vũ Thành Nam nói.
 
Trước đó, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Quang Khang - chuyên viên phòng Ngoại vụ UBND tỉnh Hà Nam từng cho biết Hà Nam có 10 cam kết với các nhà đầu tư như vấn đề cung cấp đủ điện, chuẩn bị cơ sở hạ tầng đến tận hàng rào doanh nghiệp, chuẩn bị những dịch vụ trong khu công nghiệp, viễn thông, ngân hàng...
 
Nhật Bản tránh Trung Quốc: Việt Nam đã trải thảm đỏ!
 
Nếu doanh nghiệp cần sẽ cấp đất sạch miễn phí cho nhà đầu tư để nhà đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Tạo điều kiện thủ tục nhanh gọn, đối với doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc cấp giấy phép đầu tư lâu nhất là 3 ngày và nhanh chỉ trong 1 ngày có thể bàn bạc và Chủ tịch UBND tỉnh ký chứng nhận chủ trương đầu tư luôn.
 
Phía tỉnh cũng đứng ra tuyển lao động thay cho doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ cần báo với tỉnh cần bao nhiêu tỉnh sẽ đứng ra tuyển dụng doanh nghiệp không cần trực tiếp làm còn máy móc, công nghệ, dây chuyền sản xuất sẽ do phía nhà đầu tư Nhật Bản chuẩn bị.
 
Thậm chí, tỉnh còn thành lập Ban hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản, đường dây nóng của Chủ tịch tỉnh để các doanh nghiệp có thể liên lạc với Chủ tịch tỉnh bằng tiếng Anh và tiếng Nhật.
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo