Năm của cải cách thể chế
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế năm 2013?
- TS Lê Đăng Doanh: Tôi cho rằng năm 2013 đã ghi nhận một số tiến bộ cho thấy nền kinh tế bắt đầu vượt qua đáy. Thể hiện ở những dấu hiệu rất rõ như tốc độ tăng trưởng cao hơn, lạm phát được giữ ổn định, xuất khẩu tăng, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng vượt bậc…
Điều mà năm 2013 chưa làm được là những tăng trưởng đó dựa chủ yếu vào FDI và xuất khẩu, còn hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trong nước chưa được phát huy. Đặc biệt là nhiệm vụ tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng chưa giải quyết xong; tái cơ cấu đầu tư công chưa có dự án, tái cấu trúc DN nhà nước chưa có tiến triển rõ rệt...
Cụ thể là nợ xấu, đến nay các giải pháp của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) mới chỉ là mua nợ xấu tích cực, chưa rõ giải quyết thế nào, bán cho ai. Những vấn đề về sở hữu chéo của ngân hàng (NH) thương mại vẫn chưa được thuyết phục. NH Nhà nước đã sáp nhập các NH yếu kém để tái cấu trúc hệ thống nhưng chưa hiệu quả vì sáp nhập nhiều NH bé, NH kém lại với nhau có tạo ra được NH mạnh hay không?
Một ông què đi phải chống nạng, nay ghép 2 ông què cõng nhau liệu có thể đi nhanh hơn được không? Về bất động sản, có một số tiến bộ nhưng gói tín dụng 30.000 tỉ đồng thực hiện quá chậm chứng tỏ việc thiết kế và thực hiện gói này có vấn đề, cần phải được rút kinh nghiệm.
Tôi cho rằng 2013 là năm đã có chuyển hướng bước đầu một cách chậm và thận trọng nhưng chưa nên quá lạc quan, đòi hỏi phải có những nỗ lực vượt bậc để có thể thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng một cách bền vững.
Theo ghi nhận của giới chuyên môn thì dù sao năm 2013, công tác điều hành trong một số lĩnh vực có tiến bộ như Thống đốc NH Nhà nước đã gần như tuyên chiến với các nhóm lợi ích khi tiến hành sáp nhập các NH yếu kém, giảm sở hữu chéo, lập lại trật tự thị trường vàng. Dường như ông có cái nhìn kém lạc quan hơn?
- Tôi cho rằng những tiến bộ trong điều hành của nhà nước năm qua có tiến bộ nhưng chưa theo hướng phát huy cơ chế thị trường. Ví dụ như trong vấn đề công khai, minh bạch, trong năm 2013, giá điện, giá xăng dầu tăng nhiều lần, mỗi lần tăng giá đều nói thua lỗ nhưng cuối năm, DN công bố lãi khủng.
Người dân không biết cơ cấu giá thành như thế nào, tại sao lãi, tại sao lỗ. Tất cả điều này đến nay không có câu trả lời. Các biện pháp can thiệp của nhà nước quá nhiều vào thị trường, đặc biệt là can thiệp rất cụ thể về giá, ưu đãi thuế tại KCX - KCN, cửa khẩu… Mọi thứ làm cho mặt bằng môi trường kinh doanh trở nên hết sức gồ ghề. Đáng lưu ý là trên lĩnh vực cạnh tranh và kiểm soát độc quyền không thấy có tiến bộ gì. Đây là những điều cần cải thiện trong thời gian tới để hướng tới cơ chế thị trường.
Thủ tướng Chính phủ vừa có thông điệp về cải cách DN nhà nước, đó là giao Bộ Tài chính dự thảo nghị quyết và có cơ chế cho DN bán vốn lỗ để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Ông đánh giá gì về giải pháp này?
- Việc cổ phần hóa là trách nhiệm của chủ sở hữu, không phải trách nhiệm của giám đốc. Giám đốc chỉ là người làm thuê nên chậm cổ phần hóa phải nói đến trách nhiệm của chủ sở hữu là nhà nước. Kinh nghiệm thế giới mỗi khi cần tái cấu trúc một DN tư nhân hay DN nhà nước, họ đều thuê đội ngũ tư vấn độc lập vào chẩn bệnh.
Một bệnh nhân không thể chẩn bệnh rồi tự chữa cho mình được. DN nhà nước cũng thế, không nên yêu cầu và hy vọng những người đã gây ra đống nợ, dựng ra bao nhiêu sân sau, bổ nhiệm con cháu vào đấy bây giờ tự nguyện phá vỡ lợi ích của mình... Theo tôi, cần phải thay đổi tư duy này thì cải cách DN nhà nước theo yêu cầu của Chính phủ mới nhanh được.
Là một chuyên gia kinh tế, ông có dự cảm gì về năm 2014?
- Chắc chắn Chính phủ sẽ tiếp tục chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và dự kiến lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Nếu không có nỗ lực để tăng cường cải cách thì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế không thể cao được.
Tôi cho rằng nền kinh tế đã có biểu hiện trầm cảm vì lạm phát giảm nhưng sức mua không tăng, lãi suất giảm nhiều nhưng tín dụng không tăng tức là nền kinh tế đang tắc về vốn. Một nền kinh tế mà vốn bị chôn trong NH thì không thể tăng trưởng cao được. Đó là những điều tôi hy vọng năm 2014 sẽ có cải cách mạnh mẽ.
Điều quan trọng nhất mà người dân hy vọng là 2014 phải là một năm cải cách thể chế, từ thể chế bộ máy nhà nước đến thể chế thị trường để giảm bớt tham nhũng, giảm bớt lãng phí và có đề án tái cấu trúc đầu tư công, làm cho bộ máy và sử dụng ngân sách có hiệu quả hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo