Góc nhìn

Năm động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam năm 2014

TS Nguyễn Minh Phong nhận định, mục tiêu tăng trưởng dù không còn là quan trọng nhất, mà phải đảm bảo sự hài hòa bền vững, tuy nhiên mức tăng trưởng năm 2014 rất có thể cao hơn mục tiêu đã đề ra là 5,8% bởi nhiều động lực rất cụ thể.

TS Nguyễn Minh Phong.

Thời gian gần đây đã có nhiều tranh luận xoay quanh con số dự kiến tăng trưởng của năm 2014 là 5,8% và năm 2015 là 6%. Vậy con số này có thấp so với tiềm năng của đất nước hay không?

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, trước hết phải khẳng định chỉ tiêu tăng trưởng không còn là mục tiêu quan trọng nhất của nước mình hiện nay nữa, mà phải là bình ổn, kiềm chế lạm phát, cũng như thúc đẩy được sự hài hòa bền vững. Do đó, chỉ tiêu tăng trưởng trong 3 năm gần đây không còn được đặt ra như là một điểm sáng chói lọi nữa.
 
“Vì vậy, con số mục tiêu 5,8% của năm 2014 so với 5,4% của năm 2013 hoàn toàn có thể đạt được bởi những động lực, quyết tâm sẽ cao hơn năm 2013. Do đó, tôi nghĩ rằng con số tăng trưởng 5,8% mà Chính phủ đề ra còn là có sự thận trọng, và hoàn toàn có thể đạt được mức cao hơn thế”, TS Phong nhận định.
 
Cũng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, năm 2014, nền kinh tế có nhiều động lực tăng trưởng hơn:
 
Thứ nhất, với đà phát triển của năm 2013 thì việc tăng trưởng thêm khoảng 0,5% không phải là khó, nhưng phải đi kèm với các điều kiện là nới lỏng hơn nữa các chính sách tài chính tín dụng (kể cả đầu tư công) trong năm nay. Đây là động lực rất tốt, sẽ tạo ra sự tăng trưởng.
 
Thứ hai, kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn theo tất cả các dự báo đã đưa ra. Như vậy, các đầu tàu kinh thế giới vượt qua khó khăn, họ cũng là những đối tác lớn của Việt Nam, điều đó tạo động lực cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như đầu tư vốn vào Việt Nam. Bên cạnh đó, những dự án mà nước ngoài đầu tư tại Việt Nam năm 2013 sẽ tiếp tục được thúc đẩy và gặt hái thành công.
 
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2014 tốc độ tăng trưởng của Việt Nam tốt hơn 2013
 
Thứ ba là môi trường đầu tư đã được cải thiện, thể hiện ở hai điểm: Thuế hạ xuống thấp chỉ còn 20%; Hoạt động mua bán nợ cũng được tạo điều kiện tốt hơn, vì thế chúng ta thấy thời gian qua rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài xếp hàng xin mua lại các khoản nợ từ VAMC. Có một điều hết sức quan trọng là Nghị định số 01 của Chính phủ vừa ban hành đầu năm 2014 cho phép nới room vốn ngoại lên tới 20% (trước kia chỉ là 15%) mà không cần phải xin ý kiến Thủ tướng, đồng thời Thủ tướng có thể quyết định mức cao hơn mà không bị giới hạn mức trần; Các thông tư xóa nợ có hiệu lực từ ngày 17/1 này giúp cải thiện bức tranh nợ nần, từ đó làm nhẹ đi cái mỏ neo kìm nén nền kinh tế.
 
Thứ tư là qua khảo sát của VCCI thì số doanh nghiệp lớn cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa đều tin tưởng vào sự đi lên của nền kinh tế, có tới 2/3 trong số này đã có kế hoạch mở rộng đầu tư, đấy chính là những nguồn bổ sung thêm trọng lực phát triển cho năm 2014.
 
Thứ năm là các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra yêu cầu các cơ quan nhà nước, các tập đoàn, các doanh nghiệp phải phối hợp thực hiện nghiêm túc. Chính phủ đang quyết tâm đẩy mạnh tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, thông qua phát biểu gần đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là sẽ cách chức những người đứng đầu ở các doanh nghiệp nhà nước nếu làm cản trở quá trình cổ phần hóa. Còn Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, đã có một kế hoạch chỉ còn giữ lại 600 doanh nghiệp nhà nước vào năm 2015, và tới năm 2020 thì chỉ còn 300 doanh nghiệp thôi. Rõ ràng, quyết tâm của Chính phủ rất mạnh, và đó chính là động lực cần thiết cho sự phát triển nền kinh tế vĩ mô năm 2014 và những năm tiếp theo.
 
Bên cạnh những tiền đề thuận lợi kể trên, TS Phong cũng cho rằng, vẫn còn nhiều nguy cơ kìm hãm nền kinh tế, mà trước hết phải kể tới nợ xấu.
 
“Hiện nay, chúng ta mới xử lý được ở mặt kỹ thuật thôi, còn thực trả nợ thì chưa nhiều. Thứ hai là thị trường nước ngoài có mở rộng tiêu thụ thì cũng chưa thể có ngay được, vì còn phụ thuộc vào doanh nghiệp, nếu sản xuất hàng không phù hợp với cơ cấu giá cả thì doanh nghiệp vẫn có thể “chết”. Thứ ba là tìm nguồn vốn ở đâu cho doanh nghiệp? Doanh nghiệp vay vốn và sử dụng thế nào để không bị nợ tiếp, điều này thì phụ thuộc vào quyết tâm và sự kiểm soát của tất cả các bên. Thứ tư là phụ thuộc vào hàng rào kỹ thuật, nếu các doanh nghiệp không cải thiện tốt thì cũng chẳng xuất khẩu thêm được bao nhiêu, nhất là với các doanh nghiệp trong nước, nếu động lực chính lại vẫn là các doanh nghiệp FDI thì không tốt lắm”, TS Phong cho biết.
 
Anh Dũng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo