Bất động sản

Năm tai tiếng của đại gia môi giới CenGroup

Nếu phải kể ra một xếp hạng đơn vị môi giới nhiều tai tiếng nhất trong năm 2013, thì CenGroup dường như sẽ chiếm ngôi quán quân.

Đệ nhất tai tiếng

Trong năm 2013, CenGroup liên quan đến hàng loạt tranh chấp đình đám và triền miên bị khách hàng khiếu nại.

Mới đây, trụ sở của CenGroup, 137 Nguyễn Ngọc Vũ (quận Cầu Giấy) đã bị hàng chục khách hàng bao vây, với băng rôn tố đơn vị này lừa đảo trong việc huy động và chiếm dụng vốn tại Dự án chung cư Binh đoàn 12 (xã Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) qua Công ty TNHH Quản lý bất động sản Thế Kỷ.

Khách hàng Dự án Chung cư Binh đoàn 12 tố CenGroup lừa đảo, nhưng công ty này phủ nhận liên quan

Trước đó, đơn vị này cũng bị tố gây khó cho khách hàng trong việc rút vốn tại Dự án MeKông Plaza tại Khu đô thị Lê Trọng Tấn (huyện Hoài Đức), do dự án này không hề được triển khai trên thực tế. Tuy nhiên, những khiếu nại của khách hàng đã bị CenGroup phủ nhận vì cho rằng, Công ty TNHH Quản lý bất động sản Thế Kỷ có pháp nhân riêng và không thuộc CenGroup.

Mặc dù CenGroup ra sức chứng minh “vô can”, thậm chí còn xúi khách hàng kiện Công ty TNHH Quản lý Bất động sản Thế Kỷ, song sự gần gũi về thương hiệu, văn phòng làm việc, đặc biệt là quan hệ vợ - chồng giữa đại diện pháp nhân 2 công ty này vẫn khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi: Có hay không việc CenGroup đã “phủi” hết trách nhiệm tại các dự án này qua “công ty con”?

“Chí phèo” gắn mác đại gia

Ngoài các dự án tai tiếng trên, CenGroup còn là đại diện phân phối của hàng loạt dự án dính tai tiếng trong năm 2013 như Dự án 52 Lĩnh Nam, Dự án CT2 Tân Tây Đô, Văn Phú Victoria….

Trong khi Dự án 52 Lĩnh Nam đã xong phần thô, chủ đầu tư hết tiền triển khai nên “đắp chiếu”, thì Dự án CT2 Tân Tây Đô cũng là dự án “chết đi sống lại”. Và dù được quảng cáo sẽ đẩy nhanh tiến độ, nhưng nhiều khách hàng vẫn rất nghi ngại việc chủ đầu tư dự án này là CTCP Hải Phát đang trong cảnh “cháy túi”, liên tục phải lùi thời hạn bàn giao nhà tại một dự án khác là The Pride (quận Hà Đông), thì lấy đâu ra tiền để đẩy nhanh Dự án CT2 Tân Tây Đô.

Trong khi đó, không phải là một dự án đình đám tại thời điểm mở bán, song Dự án Văn Phú Victoria (quận Hà Đông) vẫn khiến nhiều nhà đầu tư và người có nhu cầu chấp nhận mất tiền chênh từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi căn hộ để mua nhà.Một trong những nguyên nhân khiến căn hộ Văn Phú Victoria thu hút được sự quan tâm của khách hàng khi ấy vì các “chiêu” kích giá của các đơn vị thứ cấp.

Phần lớn căn hộ dự án này đã được “chia năm xẻ bảy”, bán lại cho hàng loạt đơn vị thứ cấp như Tập đoàn CenGroup, CTCP Đầu tư xây dựng bất động sản Landmark, Tập đoàn Đông Thiên Phú… Các đơn vị thứ cấp này sau đó tung nhiều chiêu nâng giá bán để kiếm tiền chênh.

Dù bán căn hộ và thu phần lớn tiền của khách hàng, nhưng đơn vị thứ cấp lại không nộp đủ cho chủ đầu tư khiến tranh chấp tại Dự án Văn Phú Victoria bùng phát.

Tranh chấp căng thẳng đến nỗi, trong năm 2013, chủ đầu tư Văn Phú Invest đã không dưới một lần phải ra văn bản đình chỉ hợp đồng với một số đơn vị thứ cấp vì không chịu nộp tiền.

Việc đình chỉ hợp đồng với đơn vị thứ cấp của chủ đầu tư khiến khách mua nhà đã nộp cho các đơn vị thứ cấp số tiền lên đến 70 - 90% giá trị căn hộ đối diện nguy cơ trắng tay, vì hợp đồng mua nhà bỗng dưng không có giá trị. Song việc đòi quyền lợi của khách hàng qua các đơn vị thứ cấp trên đã bị các đơn vị này chây ì và phủi tay. Thậm chí, một đại diện của Tập đoàn Đông Thiên Phú còn thách thức khách mua nhà khởi kiện.

Quá thất vọng và không còn niềm tin với nhà đầu tư thứ cấp, mới đây, nhiều khách hàng Văn Phú Victoria đã chấp nhận thiệt thòi để chuyển sang ký hợp đồng trực tiếp với chủ dự án, nhằm bảo đảm được quyền lợi mua nhà tốt hơn.

Theo Đầu Tư Chứng Khoán
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo