Doanh nhân

Năm tuổi của người giàu nhất Việt Nam

Sinh năm Mậu Thân (1968), tỷ phú Phạm Nhật Vượng là người xô đổ nhiều kỷ lục về tài sản trên bảng xếp hạng người giàu. Nhân vật này thường được mô tả là Donald Trump của Việt Nam.

Năm 2016 đánh dấu tuổi 48 của tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam - ông chủ Vingroup Phạm Nhật Vượng. Hiện tại, khối tài sản trên sàn của nhân vật này ước đạt hơn 25.000 tỷ đồng, gấp 5 lần người đứng tiếp theo, và đã tăng hơn 1.000 tỷ đồng chỉ trong vòng 1 tháng qua.

Doanh nhân 48 tuổi cũng là người trẻ nhất từng giữ vị trí giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam vào năm 2010, khi mới 42 tuổi. Phần lớn tài sản của ông đến từ cổ phiếu của Vingroup, công ty sắp có tài sản đạt mốc 6 tỷ USD, sau nhiều năm phát triển trong ngành bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, bán lẻ...

Sinh năm 1968 (Mậu Thân), ông Vượng là con một gia đình ở Hà Nội, có cha từng phục vụ trong lực lượng phòng không của quân đội nhân dân Việt Nam. Nhờ khả năng toán học thần đồng, ông giành được học bổng ngành kinh tế khai thác tại Viện địa chất Moscow, Nga. Ông kết thúc khóa học, và cùng người bạn đời chuyển tới Ukraine cũng vào một năm Thân (1992).

Phạm Nhật Vượng

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thăng hạng nhanh chóng trên bảng xếp hạng người giàu thế giới của Forbes. Ảnh: Forbes Vietnam.

Khởi nghiệp năm 1993, ông Vượng mở Công ty Technocom chuyên sản xuất mỳ ăn liền. Sự thành công của Technocom lớn đến nỗi ông được mệnh danh là ông vua chế biến thực phẩm của Ukraine, trước khi dịch chuyển dần hoạt động về nước và bán lại công ty này với giá 150 triệu USD.

Năm 2001, Công ty TNHH Du lịch và thương mại Hòn Tre là doanh nghiệp đầu tiên của ông được mở tại Nha Trang. Một năm sau, Vincom ra đời. Năm 2004, năm Giáp Thân, tập đoàn của ông Vượng lần đầu tiên khánh thành một công trình tại Hà Nội là Vincom Bà Triệu, một trong những trung tâm thương mại và văn phòng hiện đại nhất vào thời điểm đó.

Sau này, danh sách những dự án lớn của tỷ phú này tại Hà Nội nối dài với Times City, Royal City, Vincom Village...

Bên cạnh dấu ấn về những công trình tiếp tục phá kỷ lục tại Việt Nam như The Landmark 81, tòa nhà dự kiến cao nhất Việt Nam, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng cũng nhảy vào mảng miếng bán lẻ thông qua hàng loạt thương vụ M&A đình đám.

Thậm chí có những thương vụ, bên bán chưa muốn chuyển nhượng, nhưng mức giá Vingroup đưa ra quá tốt, khiến họ không thể nói lời từ chối.

Kể từ năm 2014, tập đoàn này đã nắm trong tay hàng loạt thương hiệu như Ocean Mart, Trung tâm triển lãm Giảng Võ, Maximark, VinatexMart... nhằm thu về những mặt bằng đất vàng ở Hà Nội, TP HCM và thậm chí là cả ở miền Tây. Số tiền để chi cho hoạt động M&A (trong đó Vingroup là bên mua) ước tính đã vượt con số 1 tỷ USD.

Cùng với sự gia tăng nhanh chóng về tiền bạc, hình ảnh về Phạm Nhật Vượng cũng ngày càng trở nên nổi tiếng hơn. Tuy vậy, suốt 6 năm ông Vượng giữ vị trí là người giàu nhất trên sàn chứng khoán, cùng vợ - bà Phạm Thu Hương, nữ doanh nhân giàu nhất - chưa từng để lộ một bức ảnh gia đình nào với giới truyền thông.

Trong những sự kiện hiếm hoi mà doanh nhân sinh năm Mậu Thân này làm khách mời, ông đều để lại ấn tượng là người đúng giờ, chỉn chu, lặng lẽ giấu mình sau những nhân vật chính và không tỏ ra thích thú khi phóng viên chụp ảnh.

Trước đó, giới truyền thông hầu như không có hình ảnh về vị tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam. Các phỏng vấn và chụp hình của ông này chỉ xuất hiện trên tạp chí Forbes.

Trong hầu hết các sự kiện của Vingroup, ông đều không phát biểu, chỉ âm thầm đứng bên lề theo dõi, thậm chí còn thích "gặm nhấm hạnh phúc một mình" trong văn phòng thay vì xuất hiện trước báo giới.

Theo danh sách tỷ phú thế giới của Forbes cập nhật vào ngày 30/1/2016, doanh nhân Phạm Nhật Vượng vẫn là người Việt Nam duy nhất có mặt trong bảng xếp hạng, với tổng tài sản là 1,9 tỷ USD. Hiện ông giữ vị trí là người giàu thứ 927 thế giới, vượt gần 100 bậc so với tháng 3/2015.

Cafebiz/Zing

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo