Phân tích

Nâng cao năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp nữ Việt Nam

Tăng cường hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp Phần Lan và Việt Nam; thúc đẩy mối quan tâm và quan hệ đối tác lâu dài giữa doanh nghiệp CNTT Việt Nam và Phần Lan; tăng cường trao đổi thông tin về ngành công nghệ thông tin giữa hai bên;…là những mục tiêu chính của tiểu dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp nữ nhỏ và vừa phát triển hợp tác; xúc tiến thương mại và phát triển kinh doanh thông qua ứng dụng thông tin” do bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội làm trưởng dự án

Dự án nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận sâu rộng hơn với công nghệ thông tin

Tiếp cận sâu rộng với công nghệ thông tin

Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội được thành lập từ năm 1994, qua 17 năm hoạt động đến này Hội đã thu hút được gần 2000 hội viên tham gia sinh hoạt ở 2 cấp thành phố , quận huyện và các làng nghề truyền thống, 90% là các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất hàng hóa, đa ngành nghề như: May mặc, da giầy, thêu zen, dệt len, lụa tơ tằm, gốm sứ, thủ công mỹ nghệ, tranh thêu, tranh đá quý, chế biến thực phẩm, chế tác vàng bạc, in ấn, bao bì, điện – điện tử, cơ khí, đồ gỗ mỹ nghệ, nội thất, hóa mỹ phẩm…hàng năm giải quyết việc làm cho trên 150 nghìn lao động, trong có 15% các doanh nghiệp xuất khẩu và 5% các ngành hàng dịch vụ như: du học, tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực, tài chính, ngân hàng, pháp luật du lịch,…

Được biết, hội viên của Hội là những nữ chủ doanh nghiệp, vừa phải quản lý điều hành kinh doanh vừa phải làm tròn trách nhiệm của người vợ, người mẹ. Rất nhiều người trong số họ, đặc biệt là những nữ doanh nhân điều hành doanh nghiệp ở qui mô nhỏ và siêu nhỏ, đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước. Chính vì vậy, họ rất cần được dự các lớp học, các ngày tư vấn chuyên đề về các lĩnh vực trong quản lý và điều hành doanh nghiệp, tham gia Hội chợ để giới thiệu hàng, quảng bá thương hiệu, các chuyến đi xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để khảo sát thị trường, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh vượt qua khó khăn để giữ vững và phát triển doanh nghiệp.

Trước thực tế đó, trong thời gian qua, được sự hỗ trợ của Chương trình đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP), bà Mai Thị Thùy, Giám đốc Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội và các cộng sự đã triển khai dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp nữ nhỏ và vừa phát triển hợp tác; xúc tiến thương mại và phát triển kinh doanh thông qua ứng dụng thông tin”.

Tiểu dự án triển khai nhằm hướng tới tăng cường hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp Phần Lan và Việt Nam; thúc đẩy mối quan tâm và quan hệ đối tác lâu dài giữa doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam và Phần Lan; tăng cường trao đổi thông tin về ngành công nghệ thông tin giữa hai bên; Nâng cao năng lực phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam; Giới thiệu ngành công nghiệp CNTT và năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Phần Lan. Giới thiệu thông tin về thị trường Phần Lan cho các công ty Việt Nam và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và Giới thiệu các hoạt động công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Mục tiêu dài hạn của tiểu dự án là hỗ trợ hội viên nâng cao năng lực để phát triển bền vững, đẩy mạnh khả năng cạnh tranh, phát triển sản xuất, mở ra các cơ hội kinh doanh, thúc đảy xuất khẩu.

Tiểu dự án nhằm triển khai 5 hoạt động chính như thiết lập và vận hành Trung tâm tư vấn đào tạo; Tổ chức chuyến đi Khảo sát và Xúc Tiến Thương mại tại thị trường Phần Lan; Tổ chức 01 Hội chợ thương mại; Thuê văn phòng và mua trang thiết bị của dự án và tổ chức 01 Hội thảo bên lề Hội chợ để thúc đẩy kinh doanh.

Bà Mai Thị Thùy cho biết, kết quả dự kiến của tiểu dự án đạt 384 giờ tư vấn cho khoảng 480 lượt hội viên, tương đương 48 ngày tư vấn; hoàn thành 9 khóa đào tạo kỹ năng mềm trong 3 ngày/khóa cho từ 20-30 người/ khóa cho 270 người học được học thực hành về các phương thức kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Kết quả của tiểu dự án còn hướng tới là xúc tiến thương mại ở Phần Lan; Tổ chức Hội chợ cho các doanh nghiệp Hội viên; Mua thiết bị dự án và thuê văn phòng; Hội thảo thúc đẩy kinh doanh; Hỗ trợ quảng bá dự án.

Bên cạnh đó còn có các hoạt động khác như ra mắt Dự án FLC10-03 và Thành lập Trung tâm tư vấn đào tạo; Hỗ trợ quảng bá dự án;…

Qua một thời gian thực hiện, tiểu dự án đã mang lại kết quả như mong đợi, nhiều doanh nghiệp nữ đã tăng cao hiệu quả kinh doanh của mình từ việc tham gia các hoạt động của tiểu dự án.

Nâng cao hiệu quả kinh doanh

Có thể kể đến một số kết quả nổi bật như tổ chức các chuyến đi xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước. Hội đã tổ chức cho các doanh nghiệp đi giao lưu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước. Nhằm mục đích giúp hội viên tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác, bạn hàng, quảng bá thương hiệu, qua đó nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tăng hiệu quả các hoạt động của dự án. Nhiều chuyến thăm, xúc tiến thương mại đã mang lại hiệu ứng tốt đối với các doanh nghiệp như chuyến thăm tại Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh… đồng thời tổ chức các buổi gặp mặt các đoàn doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Yên Bái, Nam Định, Hội nữ doanh nghiệp nhật Bản, Hội doanh nghiệp Việt Kiều campuchia,…

Theo đánh giá của các doanh nghiệp tham gia chuyến đi thì đây còn là cơ hội để hội viên có thể áp dụng các kỹ năng mềm, các kiến thức thu thập được từ dự án FLC.10-03, đồng thời để lại trong lòng bạn bè các tỉnh thành phố trên khắp cả nước về sự hỗ trợ nhiệt tình, quý báu của Đại sứ quán Phần Lan đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh với hoạt động tại hội chợ, Hội tổ chức Hội thảo nội dung “Các biện pháp giữ vững và phát triển thị trường trong và ngoài nước” cho 150 doanh nghiệp tham dự tại Hà Nội có sự tham gia của các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Qua Hội thảo các doanh nghiệp định hướng được các xu hướng của thị trường bán lẻ trong nước, tìm hiểu về chiến lược kinh doanh hợp lý, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu phù hợp.

Với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam và bảo trợ của Bộ Công thương, UBND Thành phố, Sở Công Thương, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, Hội đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần Triển lãm và Hội chợ quốc tế VINEXPO đã tổ chức thành công Hội chợ Xúc tiến Thương mại và Hội nhập quốc tế.

Hội chợ đã đạt nhiều thành công trong việc là cầu nối xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp biết được nhu cầu của khách hàng, người tiêu dùng,để thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng với nhu cầu thị trường để hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam và tiến tới xuất khẩu trong tiến trình hội nhập.

Tuy đạt được nhiều kết quả ấn tượng nhưng trong quá trình triển khai tiểu dự án, Hội cũng đã gặp không ít khó khăn. Đó là ảnh hưởng từ kinh tế suy thoái toàn cầu nhu cầu mua hàng tiêu dùng của thị trường Bắc Âu giảm nhiều, ảnh hưởng đến khâu tiêu thụ hàng của các doanh nghiệp tại Phần Lan nên các doanh nghiệp Phần Lan nhập hàng rất hạn chế.
Hàng hóa của Việt Nam có mặt tại thị trường Phần Lan nhiều như: May mặc, gốm sứ, da giầy song việc ký hợp đồng xuất khẩu hàng trực tiếp với các doanh nghiệp Phần Lan chưa thuận lợi nên các doanh nghiệp trong đoàn vẫn đang hợp đồng với các doanh nghiệp từ nước Đức sau đó từ Đức chuyển sang Phần Lan.

Từ đó, bà Mai Thị Thùy cho rằng, xuất phát từ nhu cầu của Hội viên, Hội đề xuất Ngài Đại sứ, Sứ quán Phần Lan tại Việt Nam cho Hội được thực hiện dự án giai đoạn 2 gồm các hoạt động như tổ chức các lớp đào tạo, các ngày tư vấn về các chuyên đề như kỹ năng đàm phán để ký kết hợp đồng kinh tế, Marketing, hệ thống sổ sách kế toán, thuế, quản lý doanh nghiệp theo phương pháp 5s của Nhật, quản lý nguồn nhân lực, kỹ năng lãnh đạo, quản trị nguồn nhân lực,…

Tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo mời các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế tại Phần Lan hoặc các chuyên gia của Phần Lan đang làm việc tại Việt Nam, hoặc các chuyên gia kinh tế cao cấp của Việt Nam để tư vấn cho các doanh nghiệp về chất lượng hàng hóa, cải tiến mẫu mã sản phẩm, môi trường xanh, công nghệ sạch, các tiêu chuẩn hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu. Tăng cường kết nối kinh doanh và với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo IPP
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo