Bất động sản

Nên đưa ra thời hạn sử dụng cho nhà chung cư

Biết rằng tâm lý người Việt là muốn sở hữu nhà ở từ đời này qua đời khác, nhưng đối với nhà chung cư để vừa đảm bảo mỹ quan đô thi, vừa đảm bảo tính thị trường, vừa đảm bảo giá trị sử dụng thì nên đưa ra một lộ trình nhất định.

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch liên minh BĐS G5

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch liên minh BĐS G5 về quy đinh thời hạn sử dụng chung cư 70 năm trong dự thảo luật Nhà ở vừa được Bộ Xây Dựng đưa ra.

 
PV: Với việc đưa ra dự thảo quy định sử dụng chung cư 70 năm của Bộ Xây Dựng, là người am hiểu về việc xây dựng chung cư theo ông thời hạn sử dụng chung cư 70 năm ở Việt Nam có quá dài không? Và những bất cập có thể xảy ra sau khi áp dụng quy định này?
 
Ông Nguyễn Quốc Khánh: Chu kỳ của một ngôi nhà nó phải phù hợp với điều kiện sống từng giai đoạn. Ở một số nước hiện nay chỉ áp dụng đến 50 năm. Còn ở Việt Nam thì thứ nhất do tâm lý muốn sở hữu lâu dài, thứ hai là do điều kiện kinh tế còn eo hẹp cho nên kéo dài lên 70 năm. Với chất lượng nhà ở, dịch vụ, vật liệu như hiện nay thì có thể đảm bảo được theo như cách tính toán của các nhà thầu xây dựng. 
 
Tuy nhiên không được kéo dài quá lâu vì hai yếu tố: một là độ bền vật liệu, và vấn đề khí hậu, môi trường của Việt Nam nếu để quá lâu sẽ không đảm bảo an toàn. Thứ hai là về văn hóa, các đặc điểm sinh hoạt, ví dụ những ngôi nhà của những năm 60 – 70 của thế kỷ trước thì hiện tại đã không phù hợp với điều kiện sinh hoạt hiện nay. Vấn đề nữa là một ngôi nhà để ở thì tần suất sử dụng rất lớn khiến cho ngôi nhà sẽ bị lão hóa rất nhanh. 
 
Cũng có một số ý kiến cho rằng tại sao ở Việt Nam không còn những công trình cổ, công trình để lưu niệm. Điều này chỉ đúng với những công trình công cộng như viện bảo tang hoặc thư viện … còn nhà ở thì không nên giữ lâu, có chăng chỉ một vài cái tiêu biểu để ghi lại dấu ấn của lịch sử. 
 
Biết rằng tâm lý người Việt là muốn sở hữu từ đời này qua đời khác, nhưng đối với nhà chung cư để vừa đảm bảo mỹ quan đô thi, vừa đảm bảo tính thị trường, vừa đảm bảo giá trị sử dụng thì nên đưa ra một lộ trình nhất định. 
 
PV: Theo như ông nói tâm lý người Việt là muốn sở hữu nhà lâu dài, vậy quy định sở hữu chung cư 70 năm có ảnh hưởng đến thị trường không? Và làm thế nào để ổn định tâm lý thị trường?
 
Ông Nguyễn Quốc Khánh: Theo tôi sau khi đưa ra quy định này thì cần phải có một khoảng thời gian để áp dụng, ví dụ, nghị định đó phải được áp dụng vào cuối 2015 để thị trường không bị một cú sốc, trong quá trình đó phải thông tin tuyên truyền cho người dân hiểu là nên mua nhà chung cư 70 năm vì những lợi ích gì. 
 
Ngoài ra khi mua chung cư 70 năm nhà nước phải giảm thuế sử dụng đất, vì trước đây đóng thuế sử dụng vĩnh viễn thì bây giờ chỉ đóng thuế 70 năm. Từ giảm giá đất thì sẽ ra giá thành sản phẩm rẻ hơn. Như vậy vừa có giá rẻ, vừa có sự tuyên truyền để người dân hiểu thì thị trường vẫn đảm bảo tính thanh khoản, vẫn đảm bảo tâm lý khách hàng và đảm bảo cảnh quan kiến trúc. 
 
PV: Đối với người dân thì chắt bóp cả đời mới có một khoản tiền để mua nhà, liệu sau khi sử dụng 70 năm thì người ta có bị mất trắng ngôi nhà hay được đền bù bằng hình thức khác?
 
Ông Nguyễn Quốc Khánh: Ở các nước phát triển họ có một vài cách giải quyết: khi người ta phá khu chung cư cũ để xây lại thì họ ưu tiên những người trong khu chung cư ấy mua trước với giá ưu đãi hơn. Tuy nhiên nó phải theo giá thị trường thời điểm hiện tại vì sau khi sử dụng hết 70 năm thì người mua đã hết quyền. 
 
Ngoài ra có thể đưa ra nhiều lựa chọn: để thỏa mãn những người muốn sở hữu vĩnh viễn thì giá phải cao hơn và sau khi hết 70 năm phải xây chung cư mới với giá trị tương tương hoặc có các biện pháp đền bù. Còn nếu muốn sở hữu 50 năm hay 70 năm thì giá tiền phải rẻ hơn và vẫn đảm bảo cho người mua nhà khả năng thanh khoản. 
 
PV: Có quan điểm cho rằng “nếu mua nhà 70 năm thà đi thuê còn hơn”, ông đánh giá thế nào về quan điểm này?
 
Ông Nguyễn Quốc Khánh: Giữa thuê nhà và mua nhà có thời hạn nó có sự khác nhau, đòi hỏi sự hỗ trợ của nhà nước hoặc sự đồng thuận của xã hội. Đối với chủ đầu tư, để xây nhà và bán 70 năm thì họ còn có thể hoàn vốn được. 
 
Nhưng hiện tại ở Việt Nam nhà cho thuê chưa phát triển, thứ nhất là do quỹ đất eo hẹp, và giá thành giao đất cho các nhà đầu tư lại rất cao khiến cho các nhà đầu tư không mặn mà với việc xây nhà để cho thuê lâu dài. Thứ hai, ở Việt Nam ai cũng mong muốn sở hữu một ngôi nhà ổn định nhưng đối với một xã hội phát triển thì không nhất thiết phải làm cả đời để mua cho được một ngôi nhà mới đảm bảo cuộc sống. 
 
Làm sao để có thu nhập, có khoản tiền thuê vừa phải để thuê nhà thì cuộc sống vẫn ổn định. Nếu có tiền thì để tiết kiệm hoặc sử dụng vào những việc khác chứ không cần thiết phải cố sống cố chết vay tiền mua nhà. Và ngôi nhà mình mua chưa chắc đã tốt trong khi đi thuê thì một gian sau nếu không phù hợp mình có thể chuyển đến nơi ở mới tốt hơn, đẹp hơn, phù hợp với điều kiện công việc, gia đình, con cái. Đây là giải pháp cần phải có sự kết hợp giữa nhà đầu tư, nhà nước, người dân. Để người dân nhận thức được rằng không nên đi theo một tư tưởng qua lạc hậu ăn sâu vào tiềm thức. Hiện nay nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư Việt Kiều và một số nhà đầu tư trong nước họ cũng có ý định xây nhà cho thuê nhưng qua khảo sát thị trường thì không có người thuê. Vì vậy, theo tôi nhà nước cần có chính sách phát triển nhà cho thuê sẽ giải quyết được một số vấn đề về tình trạng thiếu nhà ở hiện nay.
 
Xin cảm ơn ông!
Như Trâm (Thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo