Góc nhìn

Nếu kinh tế Trung Quốc đứng đầu thế giới, Việt Nam có lợi gì?

“Nếu Trung Quốc là nền kinh tế đứng đầu thế giới, thì Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng không đáng kể, thậm chí ảnh hưởng này là một chiều hướng tốt”.
TS. Lê Duy Hiếu, Viện kinh tế Việt Nam
 
TS. Lê Duy Hiếu, Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ quan điểm với chúng tôi về quan hệ kinh tế Việt Nam và Trung Quốc. 
 
PV: Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới. Ông có nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
 
Ông Lê Duy Hiếu: Việc đồn đoán nền kinh tế Trung Quốc vượt mặt Mỹ để trở thành nên kinh tế lớn nhất thế giới không phải là lần đầu tiên mà nó đã xảy gần chục năm nay rồi. Tuy nhiên, trong suốt một thập kỷ qua, những dấu hiệu để chứng tỏ rằng nền kinh tế Trung Quốc vượt qua Mỹ thì vẫn còn rất mơ hồ. 
 
Nền kinh tế Trung Quốc sau một thời gian tăng trưởng kéo dài 30 năm. Theo nguyên tắc chung thì bất kỳ một sự phát triển nào đến một lúc nào đó sẽ chuyển sang giai đoạn suy thoái. Cho nên nền kinh tế Trung Quốc sẽ không tiếp tục trơn tru vận hành với tốc độ cứ tăng trưởng bình quân khoảng hơn 10% như trước đây nữa. Minh chứng là hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ còn 7,7% và còn có thể sẽ phải giảm hơn nữa.
 
Tốc độ tăng trưởng giảm đồng nghĩa với việc bản thân  kinh tế Trung Quốc cũng đang có nhiều vấn đề. Hơn nữa, chính sách đối ngoại, sự bành trướng về biển Đông dẫn đến tình trạng Trung Quốc gần như bị cô lập trước dư luận thế giới. Điều này một phần làm cho tình trạng nguồn đầu tư nước ngoài vào  nền kinh tế nước này đang dần sụt giảm.  Thậm chí còn có tình trạng rút vốn, mà mới đây Nhật Bản ồ ạt rút vốn khỏi Trung Quốc là một bằng chứng. 
 
Một điểm nữa là Trung Quốc vẫn dựa vào các doanh nghiệp Nhà nước để thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy xuất khẩu. Như chúng ta thấy, tất các doanh nghiệp nhà nước trên thế giới đều mắc một căn bệnh cố hữu là căn bệnh kém hiệu quả. Vì vậy, nền kinh tế Trung Quốc sớm muộn cũng sẽ bị trả giá cho chuyện dựa vào các doanh nghiệp này.
 
Theo tôi dự đoán, kinh tế Trung Quốc lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính là chuyện của năm 2016, 2017 chứ không còn xa xôi gì nữa. 
 
Còn với Mỹ, hiện  vẫn là nước có nền kinh tế lớn, chiểm khoảng 1/3 tổng GDP toàn thế giới. Nền kinh tế này là nền kinh tế tăng trưởng dựa vào công nghệ cao, dựa vào lao động có chất lượng cao và công nghệ mới. Đặc biệt, Mỹ có một nền kinh tế ở giai đoạn hậu công nghiệp từ lâu rồi, bây giờ chuyển sang thời kỳ công nghệ, dịch vụ, nên  tăng trưởng  mang tính chất bền vững.
 
Mặc dù, tốc độ tăng trưởng của Mỹ thấp, nhưng nên nhớ rằng sự tăng trưởng  theo  thực chất  và mang tính chất bền vững. Nước Mỹ có một thể chế thị trường rất tân tiến, hiện đại. Điều này đảm bảo cho việc vận hành nền kinh tế rất trôi chảy.
 
Hơn nữa, nước Mỹ có nền kinh tế thị trường truyền thống từ lâu đời rồi. Còn nền kinh tế thị trường Trung Quốc mới bắt đầu từ khi đổi mới đến nay. Với một nền kinh tế thị trường ở Mỹ như vậy thì nó tích luỹ một đội ngũ con người có thực lực về tài năng, được đặt vào vị trí sự phân công lao động thực tế. Tức là làm cho các nhân tài của đất nước được đặt vào vị trí tương xứng. Cho nên toàn bộ bộ máy hành chính cũng như kể cả trong khu vực Nhà nước được vận hành tương đối trơn tru và hiệu quả. Điểm này hơn hẳn so với Trung Quốc. 
 
PV: Kinh tế Trung Quốc hiện còn thua Mỹ ở những điểm nào thưa ông?
 
Ông Lê Duy Hiếu: Nếu xét về mặt quy mô kinh tế, tức là tổng sản phẩm quốc nội thì Trung Quốc có thể dần dần tiệm cận với Mỹ. Nhưng nếu nói kinh tế Trung Quốc có thể vượt Mỹ trong thời gian tới thì nó hơi hoang đường. 
 
Xét về thu nhập bình quân đầu người, hiện tại Trung Quốc vẫn còn kém quá xa so với Mỹ. Quy mô kinh tế xếp theo hai nghĩa, nó không đơn thuần chỉ qua GDP toàn thể. Trung Quốc là một nước có đông dân số như vậy, nếu cộng lại đương nhiên GDP sẽ phải lớn.
 
PV: Nếu đặt giả thiết kinh tế Trung Quốc đứng đầu thì có tác động như thế nào tới tế Việt Nam, thưa ông?
 
Ông Lê Duy Hiếu: Về mặt lâu dài thì hoàn toàn có lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Nhưng xét về trước mắt thì chúng ta có thể bị thiệt hại một chút. Tất nhiên, trong nền kinh tế thị trường thì không có cái gì chỉ có lợi mà không có hại, và ngược lại.
 
Kinh tế Việt Nam xưa nay phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, mà nói chung là phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế nước ngoài,  chưa có tính độc lập. Việc kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nền kinh tế nước ngoài là chuyện bình thường. Nhưng riêng phụ thuộc vào Trung Quốc thì kéo dài nhiều thế hệ nay rồi. Đến nay, 90% tiêu dùng ở Việt Nam vẫn dùng hàng Trung Quốc. 
 
Trong suốt thời gian qua, xuất siêu ở Việt Nam luôn ở các thị trường lớn như, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản với lượng rất lớn, khoảng 12 tỷ USD/năm. Nhưng chúng ta xuất siêu được bao nhiêu thì chỉ để bù đắp lại  nhập siêu từ Trung Quốc. 
 
Trong kinh tế có khái niệm là nhập siêu và xuất siêu. Cần phải lưu ý rằng, nếu chừng nào chúng ta còn nhập siêu từ Trung Quốc thì chúng ta đang bị thua lỗ và thua thiệt.
 
PV: Vậy chúng ta nên làm gì?
 
Ông Lê Duy Hiếu: Để nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc thì đó làm điều không thể không làm. Thậm chí có thể nói những cái đó bây giờ đang là cơ hội để có thể làm được ngay. Nhưng vấn đề còn phải tuỳ thuộc vào chính sách và thể chế của mình. 
 
Có hai điều rất quan trọng để Việt Nam thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Thứ nhất là phải thông suốt về mặt tư tưởng, vì nếu chúng ta vẫn cứ tiếp tục lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc thì nền kinh tế của Việt Nam sẽ rất khó phát triển. Phải thoát khỏi tư tưởng đấy chứ đừng sợ bây giờ 90% hàng tiêu dùng là của Trung Quốc, rồi nhiều thứ của Trung Quốc thì chúng ta sẽ không phát triển được. Chúng ta phải giải phóng được tư tưởng ấy. 
 
Thứ hai là phải thống nhất được tư tưởng của cả toàn Đảng toàn dân. Bên cạnh đó, Nhà nước phải đảm bảo được chính sách cho tư tưởng ấy vận hành. Nếu chúng ta không làm được hai điều đó thì khó có thể cân bằng trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 

 

Như Trâm (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo