Phân tích

Ngăn chặn khan hàng, sốt giá đột biến

Ngày 16/6, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã có buổi làm việc với Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan về việc triển khai chương trình bình ổn giá trong năm 2015. Nhiều vấn đề liên quan đến vay vốn, dự trữ hàng hóa nhằm ngăn chặn tiểu thương, tư thương tăng giá đột biến đã được đưa ra.

 

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại Siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Huy Hùng
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại Siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Huy Hùng

Nhiều doanh nghiệp tham gia

Theo kế hoạch, trong năm nay, UBND TP Hà Nội sẽ trích từ Quỹ Dự trữ tài chính TP 236,070 tỷ đồng cho các DN tham gia chương trình vay với lãi suất 0% để dự trữ 6 mặt hàng gồm gạo tẻ, thịt lợn, gà, dầu ăn, rau củ, trứng gà... Số lượng hàng hóa này đáp ứng khoảng 10% nhu cầu thị trường trong một tháng đối với từng nhóm hàng. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách, TP còn phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho DN tham gia chương trình được vay vốn với lãi suất ưu đãi trong việc dự trữ hàng bình ổn giá. Nhằm xã hội hóa hoạt động bình ổn giá, ngành Công Thương còn khuyến khích DN thương mại, sản xuất cùng tham gia chương trình nhưng không nhận tạm ứng vốn mà sử dụng nguồn vốn tự có trong việc dự trữ hàng hóa.

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Những DN được ngành Công Thương lựa chọn tham gia chương trình phải là DN có quy mô lớn cả về vốn và hệ thống bán lẻ, hoạt động kinh doanh hiệu quả, không có nợ xấu, quá hạn trong thời gian gần đây. Đồng thời có lượng hàng hóa đủ cung ứng cho thị trường trong suốt quá trình thực hiện chương trình. Đặc biệt, Sở Công Thương còn khuyến khích các DN sản xuất thực phẩm, rau an toàn tham gia chương trình bình ổn giá năm 2015. Những DN tham gia chương trình còn phải cam kết hàng hóa hàng bình ổn giá 100% là hàng sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở cũng yêu cầu những DN này phải có phương án phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng hệ thống bán hàng bình ổn giá, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động tại các huyện, khu công nghiệp. Đồng thời phải đăng ký giá bán hàng bình ổn giá với Sở Tài chính, Công Thương với mức thấp hơn từ 5 - 10% so với thị trường.

Xây dựng tiêu chí cho vay cụ thể

 Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, nên cắt bỏ nguồn vốn vay ưu đãi trong hoạt động bình ổn giá, xã hội hóa nguồn vốn hoặc tập trung vào một đầu mối nhất định… qua đó tạo tính chủ động cho DN trong hoạt động này.

 

Đại biểu các sở, ngành đều cho rằng, năm 2014, mặc dù ngành Công Thương đã tạo cầu nối giữa DN với ngân hàng trong việc vay vốn dự trữ hàng bình ổn giá, nhưng do hạn mức tín dụng của gói vay này không nhiều, điều kiện cho vay khá ngặt nghèo nên việc tiếp cận không dễ dàng. Trong năm 2014, chỉ Tổng Công ty Thương mại Hà Nội vay được 10 tỷ đồng của ngân hàng Đông Á.

Vì vậy, nếu TP không cho DN vay vốn ưu đãi thì việc dự trữ hàng hóa cũng như đảm bảo giá bán cho chương trình bình ổn giá khó có thể đạt yêu cầu đề ra.

Thực tế cho thấy, nhằm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa nguồn vốn trong hoạt động bình ổn giá, trong thời gian qua, ngành Công Thương đã từng bước giảm dần nguồn vốn vay ưu đãi. Nếu như năm 2013, TP cho các DN tham gia chương trình vay 318 tỷ đồng thì năm 2014 chỉ còn 276 tỷ đồng và năm 2015 số tiền hỗ trợ DN dự trữ hàng bình ổn giá tiếp tục giảm thêm 40 tỷ đồng so với năm 2014. Tuy nhiên, hoạt động bình ổn giá sẽ khó quản lý nếu thiếu "bàn tay" chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước thông qua nguồn vốn vay ưu đãi.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Thông qua chương trình bình ổn giá, Hà Nội đã quản lý được giá cả thị trường, ngăn chặn tình trạng khan hàng "sốt giá" đột biến, điều đó cho thấy vai trò của cơ quan quản lý trong hoạt động điều phối chương trình. Phó Chủ tịch TP chỉ đạo Sở Công Thương kêu gọi thêm các DN sản xuất cùng tham gia chương trình. Cùng với đó, ngành ngân hàng nên xây dựng tiêu chí cụ thể khi xét duyệt cho DN tham gia chương trình tiếp cận nguồn vốn vay một cách thuận lợi.

Theo KTĐT
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo