Ngăn chặn nhà thầu Trung Quốc yếu kém: Chọn kỹ thuật trước khi chọn giá
Để giảm phụ thuộc nhà thầu Trung Quốc và tránh những hệ lụy, yêu cầu bắt buộc nhà thầu của Việt Nam phải lớn lên, cả về kinh nghiệm, năng lực tới vốn...
Nhiều nhà thầu không đạt yêu cầu vẫn trúng thầu
Theo số liệu từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách (Quốc hội), tính đến năm 2010, có tới 90% các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Những dự án lớn có mặt nhà thầu Trung Quốc có thể kể ra đây như: Nhà máy bauxite Tân Rai, Nhân Cơ; cao tốc Hạ Long - Móng Cái tổng mức đầu tư gần 53.000 tỷ đồng; cao tốc Nội Bài (Hà Nội) - Lào Cai; đường sắt trên cao tuyến số 1 Hà Nội (Cát Linh - Hà Đông); dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và khu đầu mối Hà Nội với tổng mức đầu tư 3.511 tỷ đồng…
Còn theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có 20 dự án năng lượng, trong đó 15 dự án do tổng thầu Trung Quốc thực hiện, như: Nhiệt điện Hải Phòng, nhiệt điện Quảng Ninh, nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhiệt điện Duyên Hải 1…
Tuy nhiên, các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện thường gặp nhiều vấn đề về tiến độ, chất lượng, tăng vốn đầu tư… Như nhà máy bauxite Tân Rai, Nhân Cơ do nhà thầu Chalieco của Trung Quốc làm tổng thầu thi công, tổng mức đầu tư bị đội lên lần lượt hơn 15.400 tỷ đồng và 16.800 tỷ đồng (tăng tương ứng 3.800 tỷ đồng và 4.300 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu). Gần đây nhất là dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông, đội giá lên hơn 7 nghìn tỷ đồng…
Theo kết quả xếp hạng năng lực các nhà thầu xây lắp giao thông được Bộ GTVT công bố cuối tháng 4, có 4 nhà thầu Trung Quốc nằm trong danh sách không đạt yêu cầu, gồm: Cty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc; Cty Xây dựng Quảng Tây; Tổng Cty cầu đường Trung Quốc; Cty cổ phần hữu hạn viễn thông Trung Hưng (ZTE - Trung Quốc).
PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn cầu đường (Đại học GTVT Hà Nội) - có nhiều năm làm việc với nhà thầu Trung Quốc tại các dự án giao thông lớn của Việt Nam, cho biết nhà thầu Trung Quốc trúng thầu các dự án lớn do ngoài đáp ứng được các điều kiện, họ thường bỏ thầu giá thấp hơn các nhà thầu nước khác. Nhà thầu các nước khác không thể cạnh tranh về giá như nhà thầu Trung Quốc, còn nhà thầu trong nước không đáp ứng được, nên chỉ làm nhà thầu phụ.
Có thực tế, khi phê duyệt dự án chúng ta thường dự toán kinh phí không đúng thực tế, khi triển khai mới xin tăng vốn. Các nhà thầu Trung Quốc cũng vậy, bỏ giá thấp để trúng thầu, khi đang triển khai dự án dở dang thì xin điều chỉnh tổng mức đầu tư, thế đã rồi, chủ đầu tư phải đồng ý cho bổ sung thêm vốn mới mong hoàn thành dự án.
Theo TS Toản, do kỷ luật của Việt Nam không nghiêm về tiến độ, tăng vốn vẫn có thể điều chỉnh, nhà thầu lợi dụng để kéo dài thời gian. Khi đó nhà thầu sẽ được điều chỉnh tăng vốn theo biến độ tỷ giá, giá thành vật tư, nhân công… “Ngay cả tư vấn, đến đại diện chủ đầu tư cũng muốn dự án chậm, như vậy mới có lợi”, TS Toản nói.
Chọn kỹ thuật trước khi chọn giá
TS Nguyễn Quang Toản cho rằng, để giảm phụ thuộc nhà thầu Trung Quốc và tránh những hệ lụy, yêu cầu bắt buộc nhà thầu của Việt Nam phải lớn lên, cả về kinh nghiệm, năng lực tới vốn. Muốn lớn, trước tiên phải minh bạch, nghiêm túc của cả nhà thầu và chủ đầu tư, lúc đó mới có đơn vị ngang tầm nước ngoài.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, Luật Đấu thầu 2013 (có hiệu lực từ 1/7 tới) đã đưa ra những giải pháp để loại nhà thầu có năng lực yếu nhưng chào giá thấp để trúng thầu. Với cải tiến phương pháp đấu thầu, cho áp dụng phương thức “một giai đoạn hai túi hồ sơ” - các nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu vào 2 túi riêng, một túi đựng hồ sơ đề xuất kỹ thuật và một túi đựng đề xuất tài chính.
Khi xét thầu, túi hồ sơ kỹ thuật sẽ được đánh giá trước, nhà thầu nào đáp ứng về năng lực kỹ thuật thì mới được bóc túi hồ sơ về tài chính ra để chọn thầu. Lúc này nhà thầu nào bỏ giá thấp mới được tính tới. Như vậy, chúng ta sẽ loại ra được nhà thầu yếu, năng lực kém.
Theo ông Tăng, trước đây mở đồng thời túi kỹ thuật và tài chính. Do vậy, trong một số trường hợp nhà thầu yếu nhưng họ chào với giá thấp, khiến chủ đầu tư lúng túng trong việc đánh giá.
“Không bóc túi tài chính nên chủ đầu tư không bị tác động bởi giá bỏ thầu, chỉ khi đạt về năng lực, kinh nghiệm, chuyên môn mới được mở túi đề xuất giá và lúc đó mới tới lựa chọn nhà thầu bỏ giá thấp. Còn nhà thầu không đạt về kỹ thuật sẽ bị loại ngay từ đầu, không cần biết giá thế nào”, ông Tăng nói. Cùng với đó, ràng buộc trách nhiệm của tổ chấm thầu, do đã cho quyền lựa chọn nhà thầu có năng lực chuyên môn tốt trước rồi mới tới giá, nếu vẫn chọn nhà thầu yếu là lỗi tại anh cố tình chọn, và sẽ bị xử lý.
“Dù nhà thầu nước nào cũng vậy, nếu luật được áp dụng nghiêm sẽ loại bỏ được nhà thầu yếu kém. Nhưng vấn đề là có đủ dũng cảm để loại hay không, hay lại bị chi phối bởi nhiều vấn đề khác…”, ông Tăng nói.
Cùng với Luật Đấu thầu, việc đẩy mạnh đấu thầu qua mạng cũng được hy vọng sẽ giúp loại nhà thầu yếu kém, cạnh tranh bằng giá. Do đấu thầu qua mạng giúp công khai, minh bạch, nhà thầu ở bất kể nước nào cũng có thể tham gia, qua đó nâng cao sức cạnh tranh, thêm lựa chọn cho chủ đầu tư.
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo