Ngân hàng GP.Bank sẽ bị mua lại giá 0 đồng?
Ngày 2/7/2015, Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần thứ 3.
Đại hội đương nhiên diễn ra không phụ thuộc vào số lượng cổ đông hay tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết tham dự.
Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, số cổ đông tới tham dự đạt tỷ lệ tới 85% - con số cao bất ngờ, so với tỷ lệ hơn 30% của 2 lần đại hội trước.
Trao đổi với VnExpress sau cuộc họp này, một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước cho biết đã thông báo đưa GPBank và diện kiểm soát đặc biệt. Ngoài ra, vị này cho biết, phương án mua lại GPBank với giá 0 đồng đã được đề cập với các cổ đông của ngân hàng.
Hiện ngân hàng này âm vốn chủ sở hữu khá lớn và buộc phải tăng vốn để đảm bảo mức vốn điều lệ theo quy định. Tuy nhiên, đề xuất bổ sung thêm vốn của Hội đồng quản trị đã không được các cổ đông thông qua tại Đại hội. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định sẽ mua lại GPBank với giá 0 đồng nếu đến hạn chót 4/7 không huy động được thêm vốn.
Được biết, đại diện NHNN đã thông báo, đến thời hạn thực hiện yêu cầu của NHNN là ngày 4/7, nếu GP.Bank không thực hiện được tăng vốn thì NHNN sẽ tuyên bố mua lại bắt buộc giá 0 đồng.
NHNN cũng tuyên bố sẽ đảm bảo toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Trước đó, trong các thư mời dự đại hội, HĐQT GP.Bank cũng đã lưu ý cổ đông rằng phương án bổ sung vốn điều lệ phải được thực hiện trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày 04/6/2015 nếu không NHNN sẽ thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ở cả hai lần họp cổ đông thứ nhất và thứ hai, số cổ đông đến tham dự của GPBank đều không đại diện đủ cho số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định. Hiện ngân hàng vẫn khuyết vị trí chủ tịch. Bà Trần Thị Lệ Nga, nguyên trưởng ban kiểm soát Ngân hàng Công Thương (VietinBank) đã được điều động làm đại diện cho GPBank sau khi một loạt lãnh đạo của nhà băng này bị đình chỉ chức vụ.
GPBank là một trong 9 trường hợp ngân hàng yếu kém được xác định trong đợt đầu tiên. Nhưng sau hơn 3 năm, phương án xử lý GPBank vẫn chưa được chốt. Trước đó, một trong những lựa chọn là giao GPBank cho Ngân hàng United Overseas (UOB) của Singapore mua lại và sở hữu 100% vốn đã được tính đến, nhưng bất thành.
Trước đó, đã có 2 trường hợp là OceanBank và VNCB không tăng nổi vốn điều lệ đảm bảo mức vốn pháp định là 3.000 tỷ đồng, nên NHNN đã mua lại bắt buộc giá 0 đồng.
Đến nay, cả hai ngân hàng đều là ngân hàng thuộc sở hữu 100% của NHNN. VNCB sau một thời gian củng cố, tái cơ cấu, từ ngày 1/7 vừa qua đã hoạt động trở lại với diện mạo mới và thương hiệu hoàn toàn mới.
Ở VNCB, Vietcombank hiện nay đang tham gia hỗ trợ quản lý, trong khi đó OceanBank được VietinBank hỗ trợ. GP.Bank cũng có nhân sự đến từ VietinBank đang đại diện.
End of content
Không có tin nào tiếp theo