Phân tích

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng việc lãi suất cho vay tiêu dùng cao

(DNVN) - "Đặc thù của loại hình cho vay tiêu dùng là có rủi ro và chi phí cao nên theo nguyên tắc kinh tế, để bù đắp rủi ro các TCTD thường áp dụng lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn lãi suất cho vay thông thường", ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết.

Trước việc cho vay tiêu dùng bị phản ứng là cho vay với lãi suất quá cao, đặc biệt tại các công ty tài chính (CTTC), Bùi Quốc Dũng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) đã lên tiếng về vấn đề này.

Trả lời báo chí, ông Dũng cho biêt, theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14/4/2010 của NHNN hướng dẫn TCTD cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trong đó có các CTTC) được phép thỏa thuận lãi suất cho vay đối với khách hàng vay trên cơ sở cung cầu vốn, mức độ tín nhiệm của khách hàng, rủi ro, mục đích của khoản vay, chi phí vốn đầu vào...

Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đến tháng 9/2015 tăng 31,49% so với cuối năm 31/12/2014. Ảnh minh họa.

Cũng theo vị này, đặc thù của loại hình cho vay tiêu dùng là có rủi ro và chi phí cao nên theo nguyên tắc kinh tế, để bù đắp rủi ro các TCTD thường áp dụng lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn lãi suất cho vay thông thường. Dưới góc độ đánh giá rủi ro cho vay, đối tượng khách hàng cho vay tiêu dùng chủ yếu là người thu nhập trung bình và thấp, khó xác định chắc chắn tình hình tài chính và thu nhập để đánh giá khả năng trả nợ, xếp hạng tín nhiệm thấp, không có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, vay tín chấp hoặc thế chấp nhưng giá trị tài sản thấp, khấu hao nhanh.

Trong khi đó, chi phí cho vay tiêu dùng lại cao do các chi phí quản lý, vận hành mạng lưới hoạt động cao, nhiều khoản vay nhỏ lẻ, có giá trị thấp, thời hạn cho vay ngắn, thủ tục xét duyệt đơn giản, nhanh chóng, nhiều trường hợp cán bộ tín dụng phải đến tận nơi của khách hàng để làm thủ tục cho vay... vô hình chung làm tăng chi phí quản lý.

Ông Dũng cũng cho biết, về nguồn vốn, nhiều CTTC cho vay tiêu dùng có chi phí vốn cao do theo quy định tại Luật các TCTD thì CTTC không được huy động từ dân cư, mà chỉ được huy động từ các tổ chức kinh tế, vay vốn nước ngoài, sử dụng vốn chủ sở hữu hoặc vay từ TCTD khác với nguồn vốn chủ yếu là vốn trung - dài hạn có mức lãi suất cao.

Bên cạnh đó, cho vay tiêu dùng chủ yếu là các món vay nhỏ (chỉ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng), thời hạn vay rất ngắn (từ vài ngày đến vài tuần) nên việc trả lãi vài chục nghìn đồng/ngày đến vài trăm nghìn đồng/tuần cũng có thể phản ánh thành mức lãi suất niêm yết rất cao (vài chục phần trăm/năm) so với lãi suất cho vay thông thường, do đó phản ánh không chính xác yêu cầu trả nợ thực sự của khách hàng đối với từng khoản vay cụ thể. 

Do đó, theo báo cáo của các TCTD gửi theo quy định tại Thông tư 31/2013/TT-NHNN, đến tháng 9/2015, lãi suất cho vay phục vụ đời sống của các CTTC áp dụng đối với khách hàng phổ biến ở mức 20-35%/năm, cao hơn lãi suất cho vay thông thường. Tuy nhiên, dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 8,02%/tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống).

 

"Từ những đặc thù nói trên khiến không chỉ riêng Việt Nam, lãi suất cho vay tiêu dùng tại các nước trên thế giới cũng thường cao gấp nhiều lần với lãi suất cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, về việc một số công ty tài chính tiêu dùng được phản ánh cho vay với lãi suất cao, NHNN đã làm việc và chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng rà soát lại các khoản cho vay, tiết kiệm chi phí, cam kết có giải pháp quản trị rủi ro để đảm bảo an toàn tín dụng và giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về chi phí cho khách hàng vay vốn", ông Dũng cho biết.

Tín dung tiêu dùng tăng đột biến

 Ông Dũng cũng cho biết, hoạt động cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân, gia đình khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải nhu cầu, cho phép họ có thể tiêu dùng trước, chi trả sau dưới nhiều hình thức.

Do đó, cho vay tiêu dùng một mặt giúp đáp ứng nhu cầu của người dân chi tiêu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong những năm qua, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam phát triển khá mạnh, với sự tham gia tích cực của nhiều TCTD, đặc biệt là các công ty tài chính (CTTC). Dù còn ở mức khiêm tốn nhưng tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng và tỷ trọng tín dụng tiêu dùng so với tổng tín dụng đối với nền kinh tế đều đã tăng đáng kể. 

 

Thực tế, trong 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình 20%/năm. Về thị phần, dư nợ cho vay tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 8,02%/tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống cho thấy hoạt động này còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

Hơn nữa, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam được hưởng lợi từ mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, dân số trẻ, năng động, nhu cầu tiêu dùng lớn, hệ thống TCTD ngày càng phát triển, đa dạng hóa hoạt động theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo ông Dũng, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đến tháng 9/2015 tăng 31,49% so với cuối năm 31/12/2014 (9 tháng đầu năm 2014 tăng 13,14%) và chiếm tỷ trọng 8,02% so tổng với dư nợ tín dụng toàn hệ thống (9 tháng đầu năm 2014 là 6,31%); trong đó dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống tăng 32,41% so với cuối năm 2014 và chiếm tỷ trọng 96,27% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng tăng 11,41% so với cuối năm 2014 và chiếm tỷ trọng 3,73%.

Xét về nhu cầu cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, dư nợ cho vay đối với hầu hết các nhu cầu vốn cho vay tiêu dùng đều tăng, trong đó cho vay để mua, sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương tăng ở mức khá cao và chiếm tỷ trọng lớn nhất. Riêng dư nợ cho vay thấu chi qua tài khoản thanh toán của cá nhân giảm.

Đưa ra những phương án để thị trường cho vay tiêu dùng phát triển một cách lành mạnh, đúng hướng trong thời gian tới, ông Dũng cho biết, theo quy luật, khi kinh tế phát triển, tiêu dùng tăng thì hoạt động đi vay để phục vụ tiêu dùng của người dân cũng tăng phù hợp với xu thế chuyển dịch từ mô hình tăng trưởng dựa vào chi tiêu chính phủ và đầu tư sang dựa vào tiêu dùng tư nhân. 

 

Do đó, tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Với số lượng TCTD tham gia cho vay tiêu dùng ngày càng tăng, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ để cung cấp các sản phẩm tín dụng có lãi suất thấp hơn và có nhiều ưu đãi, kết nối khép kín chu trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Qua đó, người tiêu dùng có thể tiếp cận được khoản vay rẻ hơn, có nhiều ưu đãi hơn.

"Trong thời gian tới, việc quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng cần phải theo hướng đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy thị trường CVTD phát triển lành mạnh, tạo điều kiện cho các TCTD cung cấp các sản phẩm cho vay phù hợp với nhu cầu của khách hàng và mục tiêu giúp người tiêu", ông Dũng nhận định.


VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo