Ngân hàng sống nhờ ngân sách: Tội gì không làm!
Chỉ khi nguồn vốn được bơm đúng mục tiêu khi đó dòng tiền đi ra mới có ý nghĩa lan tỏa, thúc đẩy nền kinh tế phát triển - Th.S Bùi Ngọc Sơn.
PV: Thưa ông, phải bình luận thế nào từ số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngân hàng cho DNNN vay và mua trái phiếu nên có tăng trưởng tín dụng?
Th.S Bùi Ngọc Sơn: Tôi không lạ việc các ngân hàng kiếm lời dựa vào đầu tư trái phiếu của Chính phủ và cho DNNN vay. Trong bối cảnh kinh tế đầy rủi ro, doanh nghiệp vừa và nhỏ chết hàng loạt, không có khả năng trả nợ thì cho nhà nước và các tập đoàn kinh tế, DNNN vay là ổn định nhất. Đó là kết quả tất yếu của mục tiêu tồn tại và có tăng trưởng của các ngân hàng.
Hay nói cách khác, cho nhà nước vay thông qua hình thức phát hành trái phiếu tức là hệ thống ngân hàng đang được nuôi dưỡng bởi chính tiền ngân sách. Tiền không mất, lãi ngân hàng vẫn hưởng như vậy thì tội gì không làm.
PV: Nhưng về nguyên tắc ngân hàng mua trái phiếu là phải bơm tiền cho nền kinh tế. Xong khu vực kinh tế sản xuất thì chết do các doanh nghiệp tư nhân không tiếp cận hoặc tiếp cận được với vốn nhưng không biết làm gì. Tăng trưởng tín dụng lại tăng cho khu vực kinh tế nhà nước, đang nợ nần chồng chất, vậy phải hiểu giá trị tăng trưởng trong trường hợp này thế nào, thưa ông?
Th.S Bùi Ngọc Sơn: Rõ ràng phải thừa nhận, con số tăng trưởng đó không thể nói là tăng trưởng lành mạnh. Các ngân hàng bơm vốn cho khu vực kinh tế nhà nước trong bối cảnh khu vực này đang rất ốm yếu, hoạt động kém hiệu quả, dư nợ nhiều, BĐS nằm chết thực chất là đồng vốn đang bị quay ngược lại Chính phủ. Hay nói cách khác là đồng vốn đáng bị xoay vòng để đáo nợ tín dụng cho khu vực này mà không hề có ý nghĩa kích cầu cho nền kinh tế.
Thứ hai, tôi cho rằng, tiền đang đổ vào đống BĐS nằm chết đó mà ai cũng thò chân vào nhưng không rút ra được.
Cụ thể, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước lại cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, toàn hệ thống tổ chức tín dụng mua 200 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và tín phiếu Kho bạc Nhà nước, tương ứng khoảng 90% giá trị trái phiếu và tín phiếu do Chính phủ phát hành trong 6 tháng đầu năm.
Điều này lý giải vì sao, tín dụng tháng 3 tăng dương trở lại ở mức 1,35%, nghĩa là tín dụng tăng trưởng nhưng đều ở khu vực kinh tế nhà nước (1,09% là vốn dành cho trái phiếu Chính phủ). Mặc dù, khu vực này được cho là đang làm ăn không hiệu quả (127 Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước, công ty mẹ – con có tổng số nợ phải trả là 1.348.752 tỉ đồng, tương đương 62 – 63 tỉ USD, xấp xỉ 50% GDP của Việt Nam năm 2012 là 136 tỉ USD). Tức là, dù làm ăn thua lỗ các NHTMNN vẫn phải dồn tiền cho khu vực này, chấp nhận lợi nhuận thấp hơn nhưng vì an toàn và cũng vì chỉ tiêu, trách nhiệm.
Tuy nhiên, việc ngân hàng đẩy tiền vào khu vực nhà nước nhằm mục tiêu đạt tăng trưởng thực tế không có ý nghĩa nhiều với sự tăng trưởng nền kinh tế. Bởi trong bối cảnh, khoảng 400.000 doanh nghiệp hiện đang hoạt động thì có tới 70% không có lãi; 50% DN FDI báo lỗ; khoảng 2/3 số DN vừa và nhỏ đang ở tình trạng hết sức khó khăn về nợ xấu, điều kiện tiếp cận vốn kinh doanh. Tức là nền kinh tế không có dấu hiệu phục hồi, hay nói cách khác nền kinh tế đang bị đình trệ.
Như vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng này hoàn toàn không có ý nghĩa, mà để đánh giá được nền kinh tế có thực sự hoạt động hay không phải là chỉ tiêu tăng trưởng GDP, quan trọng hơn cả là tăng trưởng đó từ khu vực nào, từ cách thức tăng trưởng đẻ ra.
Chứ không phải chạy theo mục tiêu tăng trưởng mà bơm tiền vô tội vạ dù biết chắc chắn khu vực đó làm ăn không có lãi, thậm chí đang thua lỗ nặng để nhận lấy cái vỗ tay khen thưởng vì thành tích thì quả là một mối nguy cho nền kinh tế. Nhất là khi đồng vốn sử dụng không hiệu quả, nợ xấu tăng lên không kiểm soát được
Đó là điều rất kỳ quặc, nó không thể hiện sự tăng trưởng ổn định, bền vững của nền kinh tế. Đồng thời nó cũng chính là kẽ hở nuôi dưỡng hoạt động không hiệu quả và tham nhũng trong các khu vực kinh tế nhà nước.
Tôi cho rằng, có hai khu vực kinh tế sản xuất Chính phủ cần đầu tư, thứ nhất là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ; thứ hai là khu vực sản xuất - xuất khẩu, đó là hai khu vực được coi là có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP hiện nay. Khi vẫn còn ưu đãi cho khu vực DNNN thì sẽ không có được sự đột phá.
PV: Trong bối cảnh nợ công VN đang tăng cao (20 triệu/ người), thì khối doanh nghiệp tư nhân được cho là động lực phát triển kinh tế lại đang hấp hối, không thể tiếp cận được vốn hoặc không dám vay vốn. Vốn ngân hàng đổ vào khối DNNN được cho là đang rơi vào cảnh nợ nần, thua lỗ (tổng nợ của 127 tập đoàn năm 2012 là 1.348.752 tỉ đồng) và doanh nghiệp FDI, nghĩa là nợ sẽ chồng lên nợ. Như vậy nền kinh tế sẽ đi tới đâu, thưa ông?
Th.S Bùi Ngọc Sơn: Nếu cứ tiếp tục bơm tiền như vậy thì có thể sẽ phải gánh cái hậu quả nợ xấu tăng nhanh trong tương lai và đương nhiên nền kinh tế sẽ chẳng đi đến đâu, còn hậu quả thì ai cũng thấy.
Nó sẽ gây ra ách tắc cho toàn bộ nền kinh tế và người dân chính là người gánh nợ cho sai lầm của toàn hệ thống.
Tóm lại, nền kinh tế hiện nay đang đi chệch hướng. Lẽ ra phải loại bỏ những doanh nghiệp không hiệu quả, phải cổ phần hóa DNNN, không thể thực hiện CPH nửa vời nhà nước ngồi ôm cả khối nợ, NH không biết đưa vốn đi đâu ngoài khu vực nhà nước thì rõ ràng nền kinh tế sẽ bị kìm kẹp không thể phát triển được.
Chỉ khi nguồn vốn được bơm đúng mục tiêu khi đó dòng tiền đi ra mới có ý nghĩa và có sức lan tỏa thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Để làm được như vậy, không cách nào khác là phải loại bỏ DNNN, còn DNNN còn sự phân biệt đối xử với doanh nghiệp tư nhân. Khu vực kinh tế nhà nước cũng được coi là khu vực có nhiều quyền lợi nhất do đó, chỉ tư nhân hóa mới tạo ra sự cạnh tranh, thúc đẩy được nền kinh tế phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo