Ngành chăn nuôi gia cầm: Cố "bám" nội địa
"Các DN chăn nuôi Việt Nam đừng nghĩ chuyện xuất khẩu mà phải giữ thị trường nội địa. Nếu chăn nuôi được đầu tư bài bản trên quy mô lớn, quy trình khép kín, áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến thì hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ”. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch - Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Hùng Vương đã khẳng định như vậy tại Diễn đàn kinh tế "Đầu tư nông nghiệp thời TPP".
Buổi sáng trên đồng - Ảnh: Trần Văn Túy
Theo ông Minh, thế mạnh của DN Việt Nam vẫn là thị trường nội địa. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất cho ngành chăn nuôi gia cầm là làm sao giảm giá thành sản phẩm, đạt chất lượng để cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Vậy nên, nếu các DN cùng liên kết sản xuất, hỗ trợ nhau về công nghệ thì sẽ hạ được giá thành, giúp cạnh tranh với nông sản của các nước phát triển.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho rằng, sản lượng heo đủ cung cấp cho nội địa, nhưng giá của Việt Nam cao hơn khu vực châu Á khoảng 25%, hơn châu Âu, Bắc Mỹ là 30%. Đây là một nguy cơ rất lớn, khi Việt Nam thực thi các FTA, thịt nhập khẩu sẽ tăng lên so với sản xuất trong nước.
Theo ông Võ Trường Sơn - Tổng giám đốc HAGL cho biết, nguyên nhân giá thịt gia súc, gia cầm cao là do đất đai sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, trong khi Úc và New Zealand có trang trại hàng nghìn và hàng chục ha nên giá thành rẻ.
Ngoài ra, DN Việt Nam cũng phải chịu nhiều chi phí chăn nuôi cao hơn, trong đó có chi phí không chính thức.
"Do đó, HAGL đã phải chọn con đường phù hợp là đầu tư sang Lào và Campuchia để có diện tích đất đủ rộng, triển khai cơ giới hóa và tự động hóa, tạo liên kết chuỗi", ông Sơn cho biết.
Không cho rằng ngành chăn nuôi sẽ bị thiệt hại khi TPP có hiệu lực, ông Dương Ngọc Minh nhận định, ngành chăn nuôi còn dư địa phát triển trong 10 năm nữa.
Trong năm 2015, riêng các tập đoàn nước ngoài đã đầu tư trên 10 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, cụ thể cho lợn. "Tại sao giá thành sản phẩm chăn nuôi của chúng ta cao?
Vì lĩnh vực thức ăn chăn nuôi do các DN nước ngoài điều tiết. Trong khi lợi nhuận về mảng thức ăn chăn nuôi, đặc biệt thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm cực kỳ lớn", ông Minh nhận định.
Ông Phạm Đức Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, khuyến cáo: "Điểm yếu nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam là chất lượng con giống và năng suất. Chỉ có nâng cao chất lượng con giống bằng cách khuyến khích nhập ngoại giống chất lượng cao thì mới nhanh chóng tăng năng suất để giảm giá thành và cạnh tranh.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những biện pháp thật cụ thể để phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như trồng bắp, đậu nành nhằm giảm giá thành và giảm lượng nhập khẩu".
Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng, hiện nay, một bộ phận người chăn nuôi đã ý thức được "điểm yếu" nên bắt tay vào cải tổ, mở rộng quy mô sản xuất.
Nhiều trang trại lớn đã đầu tư nhập khẩu giống ngoại, thiết bị, quy trình chăn nuôi của các nước tiên tiến, để qua đó giảm giá thành, nâng chất lượng sản phẩm, nâng tỷ lệ thành công trong chăn nuôi.
Minh chứng điều này, ông Dương Ngọc Minh chia sẻ: "Với mô hình đầu tư chăn nuôi khép kín, chúng tôi khẳng định thịt heo của Hùng Vương sẽ được truy xuất nguồn gốc, kiểm soát an toàn đến người dùng, có giá cạnh tranh, dự kiến sau 2 năm, Hùng Vương có thể thu hồi vốn.
Có thể, năm 2017, người tiêu dùng sẽ thấy thương hiệu heo của chúng tôi trên thị trường. Kế hoạch đến năm 2018, Hùng Vương có 100.000 con heo giống bố mẹ, nhân đàn ra khoảng 3 triệu con heo thương phẩm. Riêng sản lượng thức ăn gia súc sẽ đạt 1,5 triệu tấn, góp phần nâng tổng sản lượng thức ăn lên 3 triệu tấn".
Công ty CP Chăn nuôi Miền Bắc từng điêu đứng nửa năm nay với giống gà trắng vì giá thịt gà nhập khẩu rẻ hơn gà do Công ty chế biến.
Công ty đã phải phân bổ sang làm gà màu một nửa để duy trì hoạt động với hy vọng một ngày nào đó giá thịt gà trắng sẽ trở lại, kéo theo giá giống tăng lên.
Đại diện của Công ty kiến nghị: "Thay vì bảo hộ, Nhà nước nên có những "hàng rào kỹ thuật" để bảo vệ chăn nuôi trong nước. Từng đi tham quan nhiều trang trại chăn nuôi gà trắng của Mỹ, EU, Trung Quốc, tôi thấy, nếu bán gà nguyên con thì chăn nuôi gà trắng trong nước không thua kém gà trắng nuôi tại quốc gia khác".
Chưa kể, các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan, có chính sách đầu tư cho chăn nuôi khá bài bản, doanh nghiệp tự chủ thức ăn, các chất phụ gia, khoáng chất... chứ không phải nhập khẩu nhiều như Việt Nam.
Thái Lan còn có lợi thế về vốn vay rẻ, không phải chịu thuế VAT thức ăn đầu vào và có chính sách hỗ trợ chăn nuôi từ phía chính phủ nên giá thành sản phẩm thấp hơn Việt Nam ít nhất 15 - 20%.
Với sản lượng gà cung ứng ra thị trường gần 65 tấn mỗi ngày, bà Phạm Thị Ngọc Hà - Giám đốc Công ty TNHH San Hà, tự tin nói: "Thịt gà ta "Ngọc Hà”, gà ta "Thảo mộc San Hà” của chúng tôi vẫn tiêu thụ tốt. Tôi vẫn cho rằng nếu chúng ta nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng thì thị trường vẫn mở rộng cho nhà sản xuất trong nước".
Ông Phạm Thanh Hùng - Phó giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cũng tự tin: "Cách đây 3 năm, chúng tôi đã đầu tư 300 tỷ đồng để xây dựng trang trại gà quy mô 18ha ở Bình Dương với tổng đàn một triệu con. Đầu năm 2015 tiếp tục khách thành nhà máy chế biến thực phẩm 5 ha ở Long An. Như vậy, với việc đầu tư quy mô lớn, chăn nuôi kỹ thuật cao, sẽ có giá thành cạnh tranh. Đơn cử nhà máy của chúng tôi chỉ gần 100 công nhân nên giảm thiểu chi phí. Bên cạnh đó, hãy biết tận dụng thế mạnh sân nhà để chọn sản phẩm đặc thù. Ví dụ, trứng là sản phẩm nước ngoài khó thể nhập về cạnh tranh do khó vận chuyển và bảo quản".
Ông Văn Đức Mười cũng cho biết, chiến lược của Vissan là giữ thị trường nội địa. Hiện nay, Vissan mới chủ động được 20% nguyên liệu nên tiếp tục mở thêm nhiều trang trại heo, kể cả mua lại trang trại chăn nuôi muốn bán (nếu có).
Bởi theo xu hướng tiêu dùng, sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc. Muốn vậy, phải mở rộng chăn nuôi theo chuỗi và theo tiêu chuẩn VietGAP.
Lưu Ý Nhi/Doanhnhansaigon
End of content
Không có tin nào tiếp theo