Góc nhìn

Nghe lén điện thoại: Niềm tin trong gia đình chao đảo dữ dội

"Có lẽ chưa bao giờ niềm tin về con người, niềm tin về xã hội đang bị thách thức, lung lay nhiều đến thế. Và trong cái bối cảnh đó, niềm tin trong từng gia đình cũng đang trở nên chao đảo dữ dội".

 PGS.TS Trịnh Hòa Bình

Đó là một thực trạng đáng buồn về niềm tin của con người trong xã hội hiện nay được chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình nói đến liên quan đến việc hơn 14.000 điện thoại ở Việt Nam bị nghe lén vừa được phát hiện gần đây. Dưới đây là cuộc trao đổi của PV với ông Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam) về vấn đề này: 
 
Gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 14.000 điện thoại ở Việt Nam đang bị nghe lén, ông có thể cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
 
Xung quanh vụ việc này, có lẽ đây là lần đầu tiên trên hệ thống thông tin chính thức, chúng ta được nghe nói về một hoạt động trái pháp luật có tính chất xâm phạm đến đời tư của người khác. Nhưng việc sử dụng công nghệ thông tin, cài đặt các phần mềm ứng dụng để theo dõi, truy nhập, khai thác… để nghe lén, tôi cho rằng không chỉ dừng lại ở việc khai thác thông tin nhằm giúp cho việc theo dõi, kiểm soát đảm bảo yên ổn trong gia đình.
 
Được biết, mới nghe thử 40 ca thì thấy rằng phần lớn liên quan đến đời tư. Chính điểm này này mà tôi nghĩ rằng có thể có những tồn nghi. Vì sao họ lại phải gióng lên hồi chuông là không kiểm soát được và nghe thì nghe không xuể, chỉ thử với 40 ca? Cho nên số thông tin ấy e là có vấn đề. 
 
Vì sao mà có một nửa đã xóa thông tin? Tất nhiên không phải nói trách nhiệm hoàn toàn thuộc về lực lượng chức năng nhưng theo tôi, những thông tin đó rất có thể là không kiểm soát được. Một khi câu chuyện vượt quá tầm với của cơ quan chức năng thì đấy là cả một vấn đề. Điều này cho thấy sự bất lực, không theo kịp tình hình của cơ quan có trách nhiệm, bất cập trong việc kiểm soát thông tin mạng, an toàn thông tin không chỉ là đời tư.
 
Có gì đảm bảo những ca khác sẽ không nhằm vào mục tiêu gia đình, không loại trừ những thông tin thất thiệt cho quốc gia? Vì vậy sự việc này thật sự rất đáng quan ngại.
 
Xét riêng về mặt xã hội, ông đánh giá như thế nào về chuyện nghe lén nhau?
 
Nghe lén vẫn tồn tại và vẫn thỏa mãn nhu cầu của một bộ phận và trên thực tế thì xã hội nào cũng có hoạt động này, thậm chí là đầy rẫy. Nhưng điều quan trọng là nó đã đặt xã hội vào trong một trạng thái mất an toàn, các thông tin một khi không được bảo mật thì sẽ trở thành những phương tiện nguy hiểm để đe dọa, uy hiếp lẫn nhau.
 
Và từ những thông tin trong gia đình sẽ có thể những thông tin đe dọa về nền kinh tế, an ninh,… Đừng nghĩ rằng những thông tin đời tư của gia đình thuần túy liên quan chuyện bên trong gia đình.
 
Tôi không quan tâm đến việc 40 trường hợp mà cơ quan chức năng nghe thử đã được chọn bằng phương pháp nào. Nhưng nếu chỉ bình luận trên cơ sở 40 ca đó đều chỉ là liên quan về an toàn gia đình, theo tôi sẽ liên quan đánh ghen, thậm chí có cả thừa kế, thì để thấy rằng nhu cầu kiểm soát lẫn nhau của con người trong thế giới hiện đại là rất lớn, đặc biệt về độ an toàn. 
 
Nếu chúng ta giả định 40 ca đó được chọn một cách ngẫu nhiên, phần lớn hướng tới mục tiêu gia đình, thì càng chứng minh gia đình đang là trung tâm của xã hội hiện đại hơn bao giờ hết. 
 
Ngày nay, mối liên kết trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, các chức năng cơ bản của gia đình cũng đang bị giảm thiểu. Nhưng thay vì tìm cách củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình thì người ta lại dùng các biện pháp có tính chất can thiệp về mặt công nghệ để kiểm soát lẫn nhau.
 
Vậy thưa ông, phải chăng niềm tin của con người trong xã hội dành cho nhau đang có vấn đề?
 
Thực tế riêng trong hệ thống chính trị, các cơ quan đoàn thể của chúng ta cũng đang tìm cách cũng cố lại niềm tin. Có lẽ chưa bao giờ niềm tin về con người, niềm tin về xã hội đang bị thách thức, lung lay nhiều đến thế. Và trong cái bối cảnh đó, niềm tin trong từng gia đình cũng đang trở nên chao đảo dữ dội. 
 
Tôi cho rằng khủng hoảng niềm tin có nguyên do của nó. Hầu hết những gia đình mà có hiện tượng nghe lén thì chỉ liên quan đến những vấn đề tình cảm, tiền bạc và thừa kế. 
 
Tôi không tán thành với những quan điểm bình thường hóa cho rằng đời nào cũng diễn ra việc nghe lén. Nhưng có lẽ trong giai đoạn hiện nay khi con người có đủ khả năng, đủ tầm với thì xu hướng đổ vỡ bên trong gia đình càng mong manh nên việc này sẽ càng nhiều.
 
Tính trên bình diện của xã hội thì cuộc chơi nào cũng có luật của nó. Theo bình diện pháp luật, hôn nhân về bản chất cũng là một cuộc chơi có luật, mặc dù nói như thế hơi “trần trụi” khi nói về tâm hồn và tinh thần giữa những con người với nhau. Vậy nếu đã tham gia cuộc chơi, thì nếu anh nghe lén cũng là vô đạo đức. 
 
Cần phải tôn trọng sự sòng phẳng là không ai nghe lén ai. Và khi nghe lén mà đã phải cầu cứu lực lượng bên ngoài thì đã thể hiện sự bất lực của người muốn nghe lén.
 
Theo ông, có nên công bố danh tính của những người bị nghe lén, bởi đằng sau đấy sẽ có rất nhiều câu chuyện “có vấn đề”?
 
Nếu đứng trên bình diện một cuộc chơi chung lành mạnh thì công bố cũng chẳng sao. Nhưng chúng ta hãy nhìn những câu chuyện khác kể cả những trường hợp bị bắt quả tang chuyện tế nhị nhưng rồi nhà chức trách vẫn nói không công bố để bảo vệ hạnh phúc gia đình, nên chắc chắn trên bình diện xã hội rồi cũng sẽ xử sự như thế thôi. 
 
Nhưng vì cứ như vậy nên không phân biệt được vàng thau, không biết đâu là giới hạn dừng lại của những chiêu trò nghe lén như thế. Điều này thực sự nguy hiểm. 
 
Tuy nhiên, nếu công bố danh tính thì hình ảnh của người bị nghe lén sẽ bị “cháy rụi”, bởi anh có làm sao thì mới bị nghe lén. Như vậy, người bị nghe lén sẽ bị ảnh hưởng nhất, thiệt hại sẽ rất nhiều.
 
Việc ngăn chặn là quan trọng nhất, nhưng có cấm được những hình thức nghe lén này là cả một câu chuyện. Theo tôi, đối với những tổ chức, công ty có chức vụ đặc biệt nhạy cảm như vậy, cần quản lý đăng ký, kiểm soát chặt chẽ và không thể thiếu hoạt động hậu kiểm. Bởi nếu không, thì các công ty kiểu như thế sẽ “gạch nối” từ hoạt động đăng ký này sang hoạt động khác một cách đơn giản. 

Xin cảm ơn ông!
Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo