Nghề tay trái chỉ ưu ái người đam mê
Doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo
Người làm nội thất thì mở thêm nhà hàng; người đang kinh doanh địa ốc lại chuyển hướng làm du lịch tâm linh; lại có doanh nhân kinh doanh thời trang mở thêm du lịch sinh thái, bảo tàng… Đối với những doanh nhân này, nghề tay trái vừa như một cuộc chơi, vừa là một cuộc thể nghiệm, tìm tòi, khám phá…
Doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo: Cát Tường Quân – Nơi nương náu của “thân” và “tâm”
Sau nhiều năm hoạt động trong ngành địa ốc, từ giữa năm 2013, tôi chuyển qua lĩnh vực du lịch tâm linh với việc mở ra “Cát Tường Quân”. Có nhiều định nghĩa về “tâm linh”, nhưng tôi thích định nghĩa của Ohso vì nó phù hợp với triết lý kinh doanh của Tịnh cư Cát Tường Quân: “Tâm linh là cuộc sống theo chiều sâu, trong chiều sâu tối thượng, mình định tâm tại chính bản thể mình”. Khi xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh phục vụ cho du khách, tôi bám theo những định nghĩa về du lịch tâm linh để Cát Tường Quân không bị chệch hướng. Ngài Zoltan Somogyi, Phó Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới cho rằng, “Du lịch tâm linh” là sự trao đổi văn hóa giữa các vùng miền, các dân tộc, các quốc gia”. Còn ngài Tep Vong, Đức Tăng thống Phật giáo Campuchia chỉ ra rằng, “Du lịch tâm linh giúp chúng ta tháo gỡ được cảm xúc khổ đau, vun bồi tâm trí và tinh thần minh triết”.
Từ số liệu nghiên cứu tôi nhận thấy, tầng lớp trung và thượng lưu hiện nay có nhu cầu về du lịch tâm linh. Ở Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Myanmar, Campuchia… du lịch tâm linh góp phần rất lớn vào thu nhập quốc dân. Số liệu nghiên cứu đã mách nhỏ với tôi rằng, một khách du lịch tâm linh sẽ tạo ra việc làm cho 5 người địa phương, thế thì Cát Tường Quân, tại sao không?
Và tôi nghĩ, Việt Nam vốn dĩ là một đất nước có bề dày lịch sử, đời sống tinh thần của người Việt Nam phong phú, mật độ chùa chiền dầy đặc, đạo Phật từng là Quốc đạo nhiều triều đại. Việt Nam còn có một vị Vua là Phật Hoàng Trần Nhân Tông; tại sao chúng ta không chọn thị trường du lịch tâm linh để làm đẹp hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè?
Tịnh cư Cát Tường Quân tạm hiểu là “ngôi nhà thanh tịnh mang tên Cát Tường Quân. Nơi này “bán” sự thanh tịnh và du khách tìm đến Cát Tường Quân để “mua” sự thanh tịnh ấy. Nếu không thu tiền rất cao thì khách tham quan sẽ rất đông, lúc ấy tịnh cư không còn gì để bán, nhóm khách chiến lược cũng không còn gì “mua”; và cuộc sống của tôi mất cả sự thanh vắng mà tôi vốn ưa thích. Giá cả là “cây đũa thần” trong tay doanh nhân, nó giúp tôi phân nhóm khách hàng và điều tiết lượng khách nhiều hay ít.
Với tôi, kinh doanh du lịch tâm linh là thể hiện một phần trách nhiệm xã hội của doanh nhân. Tạo ra sản phẩm mới, tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy vòng quay đồng tiền, đào tạo đội ngũ kế thừa, quảng bá tinh hoa dân tộc, tôn vinh văn hóa địa phương, trợ duyên để khách quý tìm lại sự phúc lạc của thân và tâm, chia sẻ sự an lành của mình cho người… Nếu không là trách nhiệm xã hội của doanh nhân thì là gì, thưa bạn?
Doanh nhân Dương Quốc Nam: Kinh doanh không phải là đặt cược
Cách đây 2 năm, khi mở quán Con Gà Trống cũng có người cho rằng, tôi đang đầu tư lệch hướng. Nhưng thực ra tập đoàn Hoàng Nam Group của chúng tôi có rất nhiều thương hiệu. Khi kinh tế khó khăn, không phải chỉ nội thất mà tất cả các ngành kinh doanh đều khó khăn cả. Và ý tưởng xây dựng Con gà trống đã có trong kế hoạch của chúng tôi cách đó 5 năm. Quan điểm kinh doanh của tôi là nhắm tới thị trường chưa ai quan tâm hoặc còn bỏ ngỏ. Thế nên, với Con Gà Trống, tôi chọn dòng ẩm thực Khơ Me Việt Nam.
Ẩm thực là lĩnh vực khá phức tạp, để thành công thực sự không dễ. Muốn làm được trước tiên cần phải có tiềm lực tài chính tốt. Và khi đã kinh doanh thì cần có sự nghiên cứu, nắm rõ và am hiểu nó. Chúng tôi mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ càng về tất cả mọi thứ, lấy ý kiến trên mấy trăm người (đều là những chuyên gia, người thân, bạn bè, người quen biết… sành ẩm thực) để cho ra một danh sách các món ăn thể hiện được tinh thần của quán mình. Tôi chỉ là người vẽ ra ý tưởng và kết nối những cộng sự giỏi ở từng bộ phận lại với nhau tạo nên một sức mạnh.
Trong ăn uống sự ngon dở thể hiện ngay tức thì. Khó khăn đầu tiên chính là đầu bếp và thiết kế. Người sáng tạo có thể bảo thủ, cực đoan, còn người kinh doanh muốn thành công phải biết vượt qua cái tôi của mình. Tôi không để mình lệ thuộc vào người đầu bếp vì họ rất nghệ sĩ, vui thì làm buồn bỏ đi. Đó là lý do đòi hỏi phải có công nghệ. Khi có công nghệ phải làm ra được định lượng, từ định lượng đó cho ra giá, từ giá mới tính giá thành bán bao nhiêu là có lời.
Người xưa có câu “hữu xạ tự nhiên hương”, anh bán thức ăn ngon thì nằm trong hẻm người ta cũng tìm đến, nhưng bây giờ câu đó không đúng nữa. Nếu không nhờ truyền thông, quảng cáo thì ai biết anh là ai. Nên chúng tôi xác định, trong 2 năm đầu sẽ dành 40% ngân sách từ lợi nhuận cho phần PR. Xa hơn, trong vòng 2 năm tới, tôi sẽ mang mô hình này franchise ra nước ngoài. Hiện nay một số đối tác từ Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia đã đặt vấn đề với chúng tôi rồi, nhưng chúng tôi muốn hoàn thiện thêm phần công nghệ trước khi xúc tiến các chiến lược xa hơn.
Với tôi, gây dựng một thương hiệu mới không khó, nhưng để duy trì được nó là một thách thức. Làm ẩm thực cũng cho tôi nhiều kinh nghiệm thú vị không thua kém gì khi làm nội thất. Ví dụ tôi từng phải đối mặt với tình huống khách ăn gần hết, lén bỏ sâu vào thức ăn… Thực sự kinh doanh ở mọi lĩnh vực nếu biết quan sát, học hỏi đều học được rất nhiều từ khách hàng.
Họa sĩ Sĩ Hoàng: “Sĩ Hoàng đi bán móc khóa cũng chẳng sao”
Tôi làm nhiều nghề trong một – là giảng viên mỹ thuật, họa sĩ, nhà thiết kế, làm tranh thảm, vẽ trên gốm, tạo dựng nhà vườn, diễn giả, diễn viên… Thực ra chỉ là những hình thức khác nhau của công việc sáng tạo ra cái đẹp hữu ích. Cái đáng sợ nhất của một nghệ sĩ sáng tạo là bằng lòng với những gì đã làm, vì thế tôi luôn luôn đặt mình ở vạch xuất phát. Có người coi việc mở nhà vườn Long Thuận trên diện tích lớn tới 20.000 m như cuộc chơi với nghề tay trái của tôi. Nhưng thực ra nơi chốn này đã kết tinh những tâm huyết và quy tụ những sáng tạo trong suốt quá trình lao động nghệ thuật từ năm 2002 của tôi.
Tôi không làm nhà vườn để sản xuất hay trồng trọt mà muốn tạo dựng một không gian văn hóa đậm chất Việt Nam, cụ thể là văn hóa mặc với nét đặc trưng chính là tà áo dài. Như vậy lĩnh vực đầu tư nằm trong khả năng chuyên môn, kinh nghiệm trong suốt 24 năm qua khi tôi bắt đầu thiết kế áo dài, cộng với trải nghiệm của nhiều công việc sáng tạo khác có liên quan. Để dung hòa tốt công việc vừa chất cảm tính vừa lý tính của mình, tôi theo học các khóa quản trị kinh doanh và nhân sự. Quan điểm của tôi là cung ứng cái khách hàng cần chứ không phải cái mình có.
Thực tế, tôi thấy nhiều người thích áo dài, nhưng không phải ai cũng mặc áo dài và sẵn sàng mua một chiếc. Đó là lý do để “tình yêu áo dài” chuyển hóa thành nhiều sản phẩm khác, vật phẩm trang trí chẳng hạn, dễ dàng mua được như móc khóa, búp bê mặc áo dài…
Bây giờ có ai bảo: “Sĩ Hoàng đi bán móc khóa” tôi thấy cũng chẳng sao, nếu những sản phẩm đó tạo ra công ăn việc làm, thu nhập và hơn hết có ý nghĩa lớn trong việc mang hình ảnh áo dài đi khắp nơi trên thế giới một cách dễ dàng và đơn giản nhất!
Từ nhà vườn Long Thuận, tôi tiếp tục nghiên cứu mô hình bảo tàng ở các nước phát triển để theo đuổi dự án tạo nên một bảo tàng áo dài thật phong phú các hạng mục. Sẽ có khu trưng bày hiện vật cố định, triển lãm theo chủ đề; khu trải nghiệm cho du khách hay thử may một chiếc áo dài với sự hướng dẫn của người thợ; phòng xem phim tư liệu về áo dài; sân khấu tổ chức show trình diễn áo dài xưa và nay; thư viện để tra cứu thông tin về văn-thơ-nhạc-họa-nhiếp ảnh; khu vui chơi cắm trại thư giãn, bán đồ lưu niệm và khu ẩm thực…
Bảo tàng áo dài sẽ chính thức khánh thành vào ngày 22/1/2014, mở cửa hoạt động đủ 365 ngày trong năm. Tôi có dự cảm, Bảo tàng áo dài sẽ thu hút được du khách trong và ngoài nước. Với nguồn thu từ đây, tôi có thêm kinh phí cho việc tiếp tục sưu tầm những hiện vật, tranh ảnh có giá trị cao để bảo tàng luôn là nơi có sức thu hút lớn với không chỉ những người có tấm lòng yêu quý văn hóa Việt.
Nói đến nghệ thuật mà gắn với vấn đề tiền bạc, thường hay “bị cho” là thực dụng. Nhưng nếu không có tiền thì không thể thực hiện được những mơ ước, mong muốn của mình. Cho nên, là một nghệ sĩ tôi có thể bay bổng hay cảm tính trong ý tưởng sáng tạo, nhưng khi đã kinh doanh là phải có tầm nhìn chiến lược, tính toán kế hoạch khả thi và phải xem nghề là nghiệp. Có như thế mới theo đuổi mục tiêu đến cùng, dù thất bại cũng không thể bỏ ngang.
End of content
Không có tin nào tiếp theo