Góc nhìn

Nghỉ lễ dài ngày: 'Ngưng lại ngày nào thì thiệt hại lớn ngày đó'

Các doanh nghiệp cho rằng có thể kéo dài kỳ nghỉ tết thêm vài ngày nhưng giảm số ngày nghỉ lễ trong năm.

 

Sau khi nghe thông tin nghỉ lễ dịp 30-4, 1-5 kéo dài sáu ngày, ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình, cho biết doanh nghiệp (DN) đã dự tính kết quả năng suất lao động sẽ giảm sút, chi phí cho việc lưu hàng, lưu kho… sẽ tăng. Nhiều DN sản xuất cũng cho rằng nghỉ lễ dài ngày khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ bị chậm lại, doanh thu giảm mạnh.

 

Bị đội thêm chi phí

 

Theo ông Bình, vừa nghỉ tết chín ngày xong, DN mới ổn định hoạt động được một thời gian không lâu, lại tiếp kỳ nghỉ lễ sáu ngày nữa, DN sẽ gặp khó. Bởi việc sản xuất kinh doanh của DN phải vận hành liên tục. Song nghỉ lễ dài ngày, tất cả hoạt động sản xuất, giao dịch, xuất, nhập khẩu sẽ bị đình trệ khi các cơ quan hành chính, ngân hàng… nghỉ lễ.

 

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, ví von: “Con người cần mạch máu để nuôi sống cơ thể, mạch máu bị tắc nghẽn thì ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

 

DN cũng vậy, hoạt động ngưng lại ngày nào thì thiệt hại lớn ngày đó. Nghỉ lễ dài ngày, khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm, chứng nhận sản phẩm, giấy kiểm dịch, làm thủ tục giao dịch xuất khẩu… cũng bị ảnh hưởng. Hàng hóa xuất khẩu, DN phải trả phí lưu kho, nhập khẩu thì chịu phí lưu container, lưu bãi ngoài cảng, chi phí điện… Ngoài ra, DN cũng gặp khó trong giao dịch vì các ngân hàng cũng nghỉ lễ.

 

Ông Quang cho hay ở các nước cùng khu vực Đông Nam Á, tết truyền thống chỉ nghỉ ba ngày, lễ họ cũng chỉ nghỉ đúng ngày lễ, không nghỉ bù ngày lễ rơi vào thứ Bảy, Chủ nhật.

 

Theo một chuyên gia kinh tế, việc nghỉ tết, lễ dài ngày kéo theo nhiều tác động tiêu cực, làm giảm năng suất lao động, nhiều ngành sản xuất thiệt hại. Trong khi cả thế giới vẫn làm việc thì Việt Nam lại nghỉ kéo dài trên dưới một tuần lễ, DN Việt Nam sẽ giảm sức cạnh tranh so với DN nước ngoài. Chưa kể điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của các DN nước ngoài vào Việt Nam vì họ lo về những thiệt hại do quá nhiều ngày nghỉ lễ.

 

Vị chuyên gia này phân tích, nghỉ lễ dài ngày buộc DN phải tăng chi phí trả lương phụ trợ (300%) cho lao động, chi phí thưởng... Việt Nam nên giảm số ngày nghỉ lễ như các nước phương Tây.

 

 Thông quan nhưng DN ngại

 

Trao đổi về những khó khăn trên của DN, ông Nguyễn Quốc Toản, Phòng Thuế xuất nhập khẩu - Cục Hải quan TP.HCM, cho biết dù cuối tuần, ngày lễ hay ngày tết thì các đơn vị hải quan vẫn tổ chức lực lượng xử lý thông quan hàng cho DN, đáp ứng đủ nhu cầu, không tắc nghẽn.

 

Ngay cả vấn đề tiền thuế thì Bộ Tài chính cũng có các chỉ đạo giải quyết. Ví dụ tết vừa qua, Bộ Tài chính chỉ đạo nhân viên ở các chi cục hải quan phải đảm nhận luôn việc thu thuế nộp kho bạc. Tổng kết kỳ nghỉ tết vừa qua không hề có trường hợp nào bị vướng mắc, tắc nghẽn vì nghỉ tết, nghỉ lễ cả.

 

Ông Toản cũng cho biết vấn đề chính là các DN cũng nghỉ tết, nghỉ lễ nên lượng thông quan cũng giảm. Đợt tết vừa qua tổng số thuế nộp kho bạc không nhiều, chủ yếu là ở sân bay vì xuất nhập cảnh du lịch tết, về thăm quê..., chứ ở các chi cục khác thì không nhiều.

 

Bà Trần Thị Lệ Nga, Cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho rằng đợt nghỉ lễ sắp tới không trùng vào thời điểm làm thủ tục thuế định kỳ. Cao điểm là quyết toán thuế năm thì cũng đã xong vào cuối tháng 3. Thuế tháng cũng rơi vào các ngày 18-20 hằng tháng. Vì vậy kỳ nghỉ dài 30-4, 1-5 sắp tới vẫn không ảnh hưởng đến DN.

 

Tuy nhiên, đại diện một DN xuất khẩu chia sẻ DN thường lo thủ tục, giấy tờ trước kỳ nghỉ lễ. Hầu như các DN không “dám” làm thủ tục vào những ngày nghỉ lễ. Thủ tục có thể vẫn bình thường cho DN nhưng các chi phí “cà phê, cà pháo ngày lễ” còn gấp nhiều lần. Ngoài ra, về tâm lý, DN không dám “làm phiền” các cơ quan hành chính vào những ngày nghỉ lễ.

 

Không để hồ sơ dồn sau lễ

Theo văn phòng Sở TN&MT TP.HCM, kỳ nghỉ lễ sáu ngày tới đây không ảnh hưởng nhiều đến công việc tại Sở cũng như giao dịch với người dân và DN.

Bà Trần Thị Hòa, Phó Chánh văn phòng Sở, cho biết Sở đã yêu cầu các bộ phận và phòng ban xem xét giải quyết nhanh các hồ sơ để tránh trường hợp “ách” hồ sơ sau lễ.

Còn tại quận 1, ông Lê Trương Hải Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận, thông tin những tháng đầu năm, người dân đến quận giao dịch còn khá ít. Thêm vào đó, do áp dụng mô hình văn phòng điện tử nên tất cả giao dịch đều có quy định về thời gian rất chặt chẽ. “Tất cả cán bộ, công chức đều phải hoàn thành đúng tiến độ, không để xảy ra tình trạng hồ sơ bị dồn sau lễ” - ông Hiếu nói.

Theo lãnh đạo UBND nhiều phường trên địa bàn TP, việc giải quyết thủ tục hành chính của người dân tại phường đa phần là sao y, chứng thực, khai sinh, khai tử, xin phép sửa chữa nhà cửa… Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Phó Chủ tịch UBND phường 10, quận Gò Vấp, cho biết giao dịch của người dân liên quan đến đất đai, xây dựng được thực hiện chủ yếu ở quận. Phường chỉ thực hiện khâu xác minh nguồn gốc và đều đã được quận tính toán thời gian hoàn thành theo quy định (đã trừ ngày nghỉ và ngày lễ). Những trường hợp gấp gáp và phải làm ngay kể cả trong ngày nghỉ và ngày lễ (như trường hợp khai tử) thì phường đã phân công lãnh đạo và cán bộ trực để thực hiện ngay cho dân.

VIỆT HOA

Việc nghỉ lễ dài ngày nhằm kích cầu du lịch. Tuy nhiên, do đợt nghỉ lễ dịp 30-4 quá gần với dịp nghỉ tết Nguyên đán, thời gian cũng khá dài nên tôi e rằng sẽ có ảnh hưởng phần nào đến tâm lý làm việc của cán bộ công chức cũng như tiến độ giải quyết công việc. Giả sử hồ sơ theo quy định chỉ hai tuần làm việc nhưng nếu rơi vào đợt nghỉ lễ này thì phải cộng thêm sáu ngày nữa. Dịp tết âm lịch vừa rồi được nghỉ chín ngày thì hợp lý vì cả năm mới có một lần để thu xếp dọn dẹp nhà cửa, nghỉ ngơi… Còn những dịp lễ khác tôi nghĩ rằng cần cân nhắc. Theo tôi, dịp lễ rơi vào ngày nào thì nghỉ ngày đó, không nghỉ bù. Thiết nghĩ Bộ LĐ-TB&XH cũng nên nghiên cứu thêm vấn đề này, đặc biệt khi hai dịp nghỉ gần nhau.

Ông TRẦN TRỌNG TUẤN - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM

Theo PL TPHCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo