Nghị sĩ Mỹ ra tuyên bố chung lên án Trung Quốc hành động hung hăng
Tàu Trung Quốc hung hăng phun vòi rồng vào tàu của Việt Nam.
"Việc Trung Quốc đưa một giàn khoan dầu, với sự hộ tống của các tàu quân sự và các tàu khác, vào Biển Đông ngoài khơi Việt Nam và các hành động hung hăng sau đó của các tàu Trung Quốc, trong đó có việc đâm vào các tàu Việt Nam, là rất đáng lo ngại", nhóm lưỡng đảng gồm 6 nghị sĩ cấp cao của Mỹ cho biết trong một tuyên bố hôm qua.
"Các hành động này đe dọa dòng chảy thương mại tự do toàn cầu tại một khu vực rất quan trọng", tuyên bố nói thêm.
Nhóm lưỡng đảng gồm 6 nghị sĩ, do Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thượng viện Robert Menendez đứng đầu, cũng là những người bảo trợ cho một nghị quyết được đưa ra hồi tháng 4, vốn lên án việc sử dụng vũ lực và ủng hộ cách giải quyết hòa bình thông qua con đường ngoại giao đối với các tranh chấp biển đảo và lãnh thổ.
Tuyên bố của các nghị sĩ Mỹ được đưa ra sau khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Không chỉ trái phép đưa giàn khoan trên vào vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc còn cử khoảng 80 tàu cùng nhiều máy bay hộ tống việc lắp đặt. Các tàu và máy bay của Trung Quốc còn hung hăng tấn công các tàu cảnh sát biển của Việt Nam khi bị ngăn cản hành động hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.
Trước đó, hôm 8/5, Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega, thành viên cao cấp của Tiểu ban các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã mạnh mẽ lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đồng thời đề nghị chính quyền của Tổng thống Barack Obama có phản ứng rõ ràng và quyết liệt hơn nữa đối với các hành động của Bắc Kinh.
Hôm 7/5, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain cũng đã ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc cố tình gây căng thẳng ở Biển Đông.
Ông McCain cho rằng quyết định của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam cùng với việc triển khai hàng chục tàu hải quân để hậu thuẫn cho hành động mang tính khiêu khích này là đáng quan ngại và chỉ nhằm leo thang căng thẳng ở Biển Đông.
Trung Quốc vướng vào tranh chấp chủ quyền với hàng loạt quốc gia châu Á, trong đó có Philippines, Việt Nam, Malaysia... ở Biển Đông và với Nhật Bản ở Hoa Đông.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông, vốn cũng bao gồm quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Hành động này đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ của Washington.
Các nghị sĩ Mỹ hôm qua cũng cảnh báo rằng ADIZ của Trung Quốc và việc Bắc Kinh "quấy rối các tàu Nhật Bản quanh khu vực do Nhật quản lý ở Hoa Đông đều gây ra những câu hỏi về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với an ninh khu vực".
Hôm qua, Bắc Kinh đã lên tiếng bảo vệ mình trước sự chỉ trích trước đó mà Trung Quốc gọi là "vô lý" của Mỹ về việc làm gia tăng căng thẳng với Việt Nam.
Phát biểu trong chuyến thăm Hà Nội ngày 7/5, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói rằng Washington phản đối "mọi hành động hăm dọa" tại các khu vực tranh chấp và hi vọng các vấn đề chủ quyền có thể được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
End of content
Không có tin nào tiếp theo