Nghịch lý bán căn hộ giá rẻ bị cho là...phá giá
Câu chuyện dự án Đại Thanh bán nhà giá 10 triệu đồng/m2 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp bất động sản làm dự án ở Hà Nội không khỏi trạnh lòng. Nhiều doanh nghiệp đã lớn tiếng chỉ trích chủ đầu tư đã phá giá, cắt giảm vật liệu, thiết bị phục vụ....thì mới có thể đưa ra được mức giá bán rẻ như vậy.
Tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp của Bộ Xây dựng, ông Đoàn Châu Phong, đại diện Vinaconex cho rằng, thị trường bất động sản gặp khó khăn, nhiều đơn vị không đủ kiên trì đã tìm mọi cách thoát khỏi cuộc chơi bằng cách phá giá thị trường bất động sản. Điều này khiến thị trường tiếp tục trầm lắng do tâm lý người mua rơi vào trạng thái chờ đợi. Người dân cho rằng, một đơn vị bán phá giá sẽ kéo 2-3 doanh nghiệp khác làm theo.
Theo ông Phong, ngay cả những dự án nhà thu nhập thấp cũng bị ảnh hưởng. Hiện nay, hầu hết các dự án đều gặp khó khăn do thiếu vốn; sau khi hạ giá, một số căn hộ còn bán giá thấp hơn cả nhà thu nhập thấp sẽ dẫn tới sự so sánh trong dân.
Ông Phong kiến nghị, Bộ Xây dựng phải đưa ra chính sách chống bán phá giá. Bộ cần kiểm soát chặt chẽ về giá thành, giá bán và lý do bán thấp như vậy để tránh ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khác.
Đồng quan điểm, đại diện Vinaconex Xuân Mai, ông Đặng Hoàng Huy, chia sẻ, khi nhà ở xã hội còn đắt hơn nhà ở thương mại, người dân sẽ so sánh và chờ đợi mua nhà giá rẻ chứ không quan tâm tới nhà ở xã hội.
Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư dầu khí Toàn cầu (GP Invest), ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, với kinh nghiệm của một người làm trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản 40 năm nay, không thể nào doanh nghiệp có thể làm dự án mà bán ra với giá 8 - 10 triệu đồng/m2 được. Theo ông, nếu nhà được bán với giá đó chỉ có thể là doanh nghiệp ăn bớt nguyên, vật liệu.
Tuy nhiên, nếu nhìn cục diện chung của thị trường có thể thấy, việc giảm giá bán là hoàn toàn bình thường nhất là trong bối cảnh thị trường khó khăn về thanh khoản. Không chỉ có chung cư giá rẻ hạ xuống mức 10 triệu đồng/m2 mà cả những dự án cao cấp cũng chấp nhận hạ giá, giảm lợi nhuận để giảm giá cho khách hàng từ 7-10 triệu đồng/m2. Đơn cử như dự án chung cư cao cấp Madarin (Hoàng Minh Giám, Hà Nội) giảm từ mức 42 triệu đồng/m2 xuống 28-30 triệu đồng/m2, dự án chung cư Golden Palace (Mễ Trì, Hà Nội) giảm giá 34-36 triệu đồng/m2 xuống mức 22 triệu đồng/m2....
Mặc dù có những nghi ngại về căn hộ 10 triệu đồng/m2 nhưng thị trường vẫn đón nhận qua số lượng căn hộ chào bán đều được đông đảo người mua. Nhiều chuyên gia nhận định, mức giá này phù hợp với đông đảo người có nhu cầu mua nhà thu nhập thấp và cần được nhân rộng ra nếu dự án thành công.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - giám đốc công ty Bemes – chủ đầu tư dự án Đại Thanh cho biết, mặc dù dự án không được ưu đãi, giá bán thấp nhưng chất lượng công trình đảm bảo và doanh nghiệp hoàn toàn có lãi.
"Sở dĩ giá bán thấp vì chúng tôi biết cắt giảm tối đa nhân viên, phí quản lý (thông thường chiếm tới 30% tổng mức đầu tư), lược giản hóa về ban quản lý, khu lán trại, quản lý sản phẩm tại dự án chặt chẽ... "- ông Sơn lý giải.
Ông Sơn cũng đưa ra dẫn chứng, tại Nghệ An, xí nghiệp ông đầu tư xây dựng dự án chung cư 13 tầng (150 căn hộ) với giá bán chỉ 5,5 triệu đồng/m2, nhưng vẫn có lãi. Không chỉ có ở Hà Nội, mà nhiều thành phố khác như Thành phố Hồ Chí MInh, Đà Nẵng nhiều doanh nghiệp cũng xây dựng và chào bán nhà với mức giá 6-11 triệu đồng/m2.
Đại diện doanh nghiệp bất động sản cho rằng, nếu một doanh nghiệp bất động sản công bố xây nhà bán với giá 10 triệu đồng/m2 và họ vẫn có lãi thì có nghĩa rằng, đó là sự thực và doanh nghiệp đó đã làm được. Và trong khi hầu hết các dự án khác đều đang ế ẩm không bán được hàng thì thay vì phản đối, lẽ ra các doanh nghiệp bất động sản khác phải tìm hiểu và tiếp cận cách làm của doanh nghiệp này để trước mắt vừa tự cứu mình, vừa chia sẻ với khách hàng.
“Thị trường bất động sản vốn đã còn nhiều điều thiếu minh bạch, nay các doanh nghiệp dù đang ngấp nghé phá sản vẫn mong muốn kiếm lãi nhiều từ các dự án thì đó là một điều hoang tưởng. Tôi quan sát thấy nhiều doanh nghiệp tư nhân, cổ phần họ rất linh động trong việc tự gỡ khó cho mình, trong khi không ít các doanh nghiệp có vốn nhà nước vẫn gần như bình chân như vại, khư khư với mục tiêu siêu lợi nhuận...”, vị này nói.
Hồng Lĩnh (Theo VnMedia)
End of content
Không có tin nào tiếp theo