Bất động sản

Nghịch lý nhà thu nhập thấp giá cao

Rất ít người nghèo tiếp cận được loại hình nhà ở này, phần vì không đủ tiêu chuẩn, phần vì giá nhà vẫn cao “ngất ngưởng”.

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 67/2009/QĐ-TTg về việc áp dụng chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp xây nhà ở cho người thu nhập thấp, hàng ngàn người nghèo ở Hà Nội đã khấp khởi mừng thầm, với hy vọng có được căn nhà với giá cả hợp lý.

 

Tuy nhiên, cho đến nay, rất ít người tiếp cận được loại hình nhà ở này, phần vì không đủ tiêu chuẩn, phần vì giá nhà nói là cho người thu nhập thấp nhưng vẫn cao “ngất ngưởng”. Chính Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã từng nói, nếu chỉ trông vào lương, người nghèo đừng nghĩ đến nhà thu nhập thấp, vì "lương cỡ Bộ trưởng cũng phải 40 năm mới đủ tiền mua".
 
 
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Xây dựng thì tính đến nay mới chỉ có hơn 815 căn hộ thuộc dạng nhà ở xã hội dạng cho thuê được xây dựng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 3.260 người. Tuy nhiên, hiện tại cũng chỉ có 269 hộ gia đình đủ điều kiện thuê đã được ký và hợp đồng thuê và bàn giao nhà, 178 hộ gia đình đã được Thành phố duyệt thuê mua nhà.
 
 
Trong khi đó, 8 dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp với khoảng 6.734 căn hộ, đáp ứng khoảng 22.436 người. Tuy nhiên, hiện cũng chỉ chưa đến một nửa trong số đó (khoảng 3000 căn hộ) đã ký hợp đồng mua bán và bàn giao nhà.
 
 
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, quyết định 67/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định, chủ đầu tư được áp thuế giá trị gia tăng VAT bằng 0, được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ tín dụng đầu tư từ ngân hàng đầu tư. Trong khi dư luận đang đổ dồn mọi trách cứ vào nhà đầu tư, cho rằng họ bán giá quá cao thì theo Sở Xây dựng, đến nay các chính sách này đều chưa được áp dụng, hay nói đúng hơn là chỉ có một trường hợp dự án nhà thu nhập thấp tại Đặng Xá – Gia Lâm được vay vốn của Ngân hàng Đầu tư Phát triển, nhưng tiến đội giải ngân cũng rất chậm.
 
 
"Chính vì khó tiếp cận với vốn vay ưu đãi nên giá thành của nhà thu nhập thấp giảm rất ít so với nhà thương mại. Phần giảm ít ỏi này là do doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất" - Báo cáo của Sở Xây dựng do Phó Giám đốc Sở Nguyễn Quốc Tuấn ký, ghi rõ.
 
 
Ngoài ra, theo Sở Xây dựng Hà Nội, khi vay tiền để làm dự án nhà thu nhập thấp, doanh nghiệp vẫn phải có tài sản thế chấp, trong khi đó đất xây dựng nhà cho người thu nhập thấp được miễn tiền đất nên không thể làm tài sản đem đi thế chấp.
 
 
Một khó khăn nữa đối với nhà cho người thu nhập thấp, đó là hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết kế, công nghệ, quy mô tòa nhà đối với nhà ở cho người thu nhập thấp (ngoại trừ căn hộ không đến 70m2), vì vậy mỗi doanh nghiệp đầu tư với mức độ khác nhau và có giá bán khác nhau.
 
 
Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, các đối tượng mua nhà khó tiếp cận vì chưa có cơ chế chính sách cụ thể trong việc vay vốn để mua nhà và chỉ có đối tượng ở trong nội thành mới được xét mua.
 
 
Đối với nhà cho thuê, việc phát triển quỹ đất cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại về nguồn vốn, chế tài bảo hộ cho các nhà đầu tư khi người thuê nhà không có khả năng chi trả.
 
 
Đối với việc đầu tư xây nhà ở cho công nhân, các quyết định của Chính phủ đã xác định một số ưu đãi về đất đai, chính sách về thuế, ưu đãi tín dụng, cho phép doanh nghiệp xây nhà cho công nhân được tính chi phí nhà ở là chi phí hợp lý tính vào giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam hầu như không có.
 
 
Để giảm giá bán căn hộ cho người thu nhập thấp, Sở Xây dựng đề nghị Thành phố tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư xây dựng được hưởng ưu đãi theo như quyết định 67/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
 
 
Đối với nhà ở cho công nhân, Sở Xây dựng đề nghị Thành phố tìm kiếm nguồn vốn dài hạn trong và ngoài nước để cho vay đầu tư, đồng thời cho phép chủ đầu tư được áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp trong khu công nghiệp theo thời hạn giấy phép đầu tư để sớm thu hồi, quay vòng vốn phát triển quỹ nhà, Khi nào hết thời hạn đầu tư sẽ thu hồi lại quỹ nhà này.
 
 
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đề nghị Thành phố nghiên cứu, ban hành chế tài bắt buộc các chủ sử dụng lao động có trách nhiệm, nghĩa vụ về nơi ở đối với người lao động của mình. Đồng thời, thành phố cũng cho phép các doanh nghiệp không nằm trong khu công nghiệp có nhu cầu xây dựng nhà ở cho người lao động cũng được áp dụng cơ chế chính sách như đối với chủ đầu tư xây dựng nhà cho công nhân khu công nghiệp.
 
 
Theo GĐ&XH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo