Nghịch lý sữa tươi: Vì sao vừa thiếu vừa thừa?
Trong số các trang trại chăn nuôi bò sữa có quy mô lớn ở Việt Nam có Công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm TH quy mô hơn 40.000 con tại Nghĩa Đàn, Nghệ An.
Tốc độ tăng trưởng thị trường sữa VN hàng năm: Rất cao
Theo Bộ Công nghiệp và Thương mại, trong năm 2013, tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam đạt 18 lít/năm, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (34 lít/năm), Trung Quốc (25 lít/năm) và Anh (112 lít/năm).
Một nghiên cứu khác của Rabobank (báo cáo ngành sữa ở 6 nước Đông Nam Á) về tiêu thụ sữa ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippine và Việt Nam cũng chứng minh: Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ sữa hàng năm các nước này cao hơn trung bình toàn cầu. Trong đó, Indonesia và Việt Nam là hai nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) đánh giá, ngành sữa Việt Nam có giá trị giao dịch đạt 62,2 nghìn tỷ (2,9 triệu USD) trong năm 2013, là một trong những ngành tiêu dùng tăng trưởng mạnh nhất của Việt Nam, tương ứng với mức tăng 17% trong năm 2013 và tốc độ CAGR (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm) là 14%/năm từ năm 2010 đến năm 2013.
Euromonitor International ước tính: Giá trị thị trường sữa Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng 20% và 23% lần lượt trong năm 2014 và năm 2015.
Còn Cục Chăn nuôi Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 9%/năm và tiêu thụ 27 – 28 lít sữa/năm đến năm 2020.
Thực trạng đàn bò sữa ở VN: TH dẫn đầu
Trong khi ngành sữa có động lực tăng trưởng mạnh như vậy nhưng trên thực tế, số lượng bò sữa trong nước lại không đáp ứng đủ nhu cầu.
Báo cáo mới công bố của VPBS cho hay: Ngành sữa đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung do đàn bò sữa trong nước chỉ đạt 28% tổng nhu cầu cho sản xuất sữa của cả nước tính đến T8/2014.
Số liệu của Cục chăn nuôi cho biết: Tổng đàn bò sữa Việt Nam đến 1/10/2014 là 217,7 ngàn con.
Trong đó, một số trang trại chăn nuôi bò sữa có quy mô lớn ở Việt Nam hiện nay có: Công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm TH quy mô hơn 40.000 con tại Nghĩa Đàn, Nghệ An. Ngoài TH, nhiều doanh nghiệp sữa có đàn bò quy mô lớn như Vinamilk, Mộc Châu, sữa Đà Lạt, Future Milk...
Còn Nutifood, Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Hoàng Anh Gia Lai… theo thông tin từ Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, các công ty này đang trong quá trình chuẩn bị nuôi, hiện chưa có bò sữa.
Có thể nói, các doanh nghiệp trong nước đang cố gắng gia tăng đàn bò của mình bởi vì điều quan trọng để có thể cạnh tranh được trong mảng sữa nước là phải đảm bảo nguồn cung sữa tươi.
Chỉ 28% lượng sữa nước tiêu thụ trên thị trường là sữa tươi
Trong tổng lượng sữa nước tiêu thụ trên thị trường Việt Nam, có đến gần 72% là sữa bột pha lại (sữa hoàn nguyên) và chỉ có hơn 28% là từ sữa tươi.
Như vậy, có thể nói, VN vẫn thiếu sữa tươi nghiêm trọng vì theo PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, các nước như trên thế giới và ngay ở Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan 100% sữa nước đều từ sữa tươi. “Nước ta do chưa đủ sữa tươi nên mới phải dùng sữa hoàn nguyên (sữa bột pha lại)” – Ông Vang nói.
Cũng theo PGS.TS Vang, hiện nay có một bất cập là chưa có số liệu điều tra cụ thể về lượng sữa tươi bán ra thị trường của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam vì “không ai kiểm soát đâu là sữa hoàn nguyên, đâu là sữa tươi và trên bao bì cũng không ghi rõ ràng”.
Nhưng ông Vang khẳng định: “Các công ty sau đây, sữa nước mà họ bán ra là từ sữa tươi hoàn toàn: TH True MILK, Dalatmilk, Mộc Châu.
Còn các công ty khác, nếu trên bao bì sữa ghi “sữa tươi” thì về nguyên tắc là sữa tươi. Còn nếu ghi là “sữa công thức” hoặc không ghi là “sữa tươi” thì được hiểu là sữa hoàn nguyên từ sữa bột pha thành sữa nước”.
Báo cáo của VPBS cho thấy, trong số 20 nhà sản xuất sữa trong nước, chỉ có TH Milk có khả năng cung cấp 100% nguồn cung sữa nguyên liệu đầu vào với năng suất 400 tấn sữa tươi mỗi ngày.
Những nhà sản xuất khác chỉ có thể tự cung cấp một phần nguồn sữa đầu vào.
Vì sao nông dân vẫn phải đổ sữa tươi?
Theo các chuyên gia và nhà quản lý, có mấy nguyên nhân cơ bản khiến người dân phải đổ sữa tươi, cắn răng dùng sữa tươi nuôi lợn trong khi cả nước vẫn thiếu sữa tươi trầm trọng.
Nguyên nhân thứ nhất, được ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng lý giải, đó là tình trạng gia tăng đàn bò sữa một cách ồ ạt, tự phát, thiếu kiểm soát.
Nguyên nhân ông Minh đưa ra cũng giống như các phong trào trồng cà phê, hồ tiêu…một cách ồ ạt rồi cuối cùng lại phải chặt bỏ khi giá thu mua xuống thấp.
Nguyên nhân thứ 2, theo ông Ngô Minh Hải, TGĐ Dalatmilk, là tình trạng tối ưu hóa lợi nhuận của một số công ty không sản xuất 100% sản phẩm bằng sữa tươi. Ông Hải cho biết: “Giá sữa bột thế giới đang giảm rất mạnh, nên việc nhập sữa bột về để pha lại bán sẽ có lợi hơn mua sữa tươi của bà con. Đây chính là lý do quan trọng dẫn đến việc bà con thừa sữa tươi không bán được, trong khi cả nước vẫn thiếu sữa tươi trầm trọng”.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang nhận định: “Mỗi lít sữa nước được pha ra từ sữa bột, trong tường hợp chưa bổ sung gì giá đầu năm 2014 là 12.000 đồng/lít. Hiện nay giảm còn khoảng 6.300 đồng/lít. Giá mua sữa tươi trong nước của nông dân trong cả năm cơ bản vẫn khoảng 13.500 đồng/lít. Đứng trước sự lựa chọn đó, rõ ràng, doanh nghiệp thích mua sữa bột nguyên liệu về làm sữa hoàn nguyên hơn là sữa tươi của nông dân”.
Để tránh nghịch lý thừa sữa – thiếu sữa, theo ông Vang, cần minh bạch thị trường.
“Vai trò của cơ quan chức năng quản lý nhà nước lúc này là phải giúp phân biệt rõ đâu là sữa tươi, đâu là sữa bột hoàn nguyên trên bao bì sản phẩm. Nếu bao bì nào không ghi rõ được có nghĩa là không trung thực. Cần dựa vào Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kĩ thuật để bắt buộc phải ghi rõ nhãn mác trên bao bì” – Ông Vang kết luận.
Theo Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo