Phân tích

Người giàu làm cho xã hội tốt đẹp hơn

Câu thành ngữ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” cho thấy thái độ tôn vinh, ca ngợi người giầu ở nước ta đã có từ xa xưa trong lịch sử. Ngày nay, đường lối xây dựng đất nước của Đảng và Nhà nước đã đặt “dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh” thành mục tiêu quan trọng nhất. Trên hành tinh của chúng ta, ở bất cứ nước nào đi theo nền kinh tế thị trường, người giầu cũng có vị thế cao trong cộng đồng. Forber công bố Việt Nam có 4 tỷ phú đô la có tác động thế nào với dư luận xã hội, chúng ta cùng luận bàn đôi điều sau sự kiện này.

Phát triển doanh nghiệp và tạo ra cạnh tranh là hai mặt đối lập biện chứng của kinh doanh. Kinh tế thị trường trên toàn cầu luôn đi liền với cạnh tranh và phá sản. Đó là điều tất yếu và phải coi đó là thách thức cơ bản của thị trường. Cho nên không có cách nào khác là chấp nhận cạnh tranh, cái cốt của thị trường là phải cạnh tranh, phải nắm bắt xu hướng và phải sàng lọc. Bởi thế, kinh tế thị trường luôn tạo ra sự phân hóa, nhiều người giầu và cả không ít người nghèo.

Hoạt động trong thị trường đầy giông gió, doanh nhân luôn phải đổi mặt với hai yêu cầu có tính mâu thuẫn: hiệu quả cao và an toàn. Nếu mải mê chạy theo hiệu quả cao - lãi lớn – mà không giữ được an toàn thì lợi nhuận bao nhiêu cũng không đủ bù đắp được tổn thất – thậm chí “mất nghiệp”, trở thành kẻ “vô gia cư”, như thường thấy ở thị trường nước Mỹ hay các nước châu Âu. Ngay tại Việt Nam, hàng ngày trên mặt báo cũng thường xuất hiện thông tin về các doanh nhân, doanh nghiệp rơi vào nợ nần chồng chất, ngừng hoạt động, phá sản.

Người giàu là người giỏi kinh doanh

Người giầu là người hội đủ bốn tố chất đặc trưng: Có nhiều vốn để đầu tư, kinh doanh; Có khả năng tập hợp một cộng đồng để làm tăng giá trị của họ so với giá trị riêng lẻ; Có thể đưa ra quyết định đầu tư, kinh doanh ngay khi chưa hội đủ các thông tin và trong điều kiện thị trường còn chứa đựng các yếu tố bất ổn (cơ hội - mạo hiểm); Có thể là chủ thể định hình văn hoá công ty.

Trong đó, tố chất sẵn sàng chịu đựng rủi ro là đặc trưng riêng có của doanh nhân, đúng như câu thành ngữ: “Có gan làm giầu”. Đồng thời, doanh nhân luôn đam mê và có quyết tâm cao, phải hội đủ các kiến thức và kỹ năng thiết yếu: về ngành hàng kinh doanh, quản lý kinh doanh, ra quyết định, chấp nhận rủi ro, giữ chữ tín… Họ có đủ tầm để vừa lãnh đạo, vừa quản lý công ty. Công việc cần quản lý, con người cần lãnh đạo - nhà lãnh đạo tập trung vào các yếu tố con người trong khi nhà quản lý cần tối ưu hóa công việc. “Người giầu” biết rõ nguyên tắc này và biết phối kết hợp một cách hài hòa hai mặt đó, làm cho doanh nghiệp ổn định và có cơ hội phát triển bền vững, trường tồn.

Người giàu luôn tạo ra nhiều việc làm

Người giầu là người có phẩm chất đam mê và quyết liệt làm kinh doanh. Một phần thành công của họ trong kinh doanh là nhờ phong cách đam mê và quyết liệt này. Phong cách đó khiến họ “say” công việc kinh doanh, làm không kể thời gian, đến mức mỗi ngày làm việc từ 10 tới 12 tiếng, thậm chí quên giữ gìn sức khỏe, để có người ngày ngày phải uống hàng vốc thuốc các loại tại trụ sở doanh nghiệp. Người giầu phải chịu đựng nhiều thứ mà người khác không chịu nổi, như chịu rủi ro với các khoản tiền mình bỏ vào doanh nghiệp; lo lắng về các khoản nợ, tiền lương cho công nhân; thời gian làm việc có thể kéo dài cả ngày, đêm, có khi quên cả ngày nghỉ; ít thời gian dành cho gia đình, bạn bè. Người giầu coi việc kinh doanh là một nghiệp, với vô vàn đòi hỏi, thách thức và bị cuốn hút theo sự đam mê của “nghiệp doanh nhân” suốt ngày, suốt tháng, năm, và suốt cả cuộc đời – đúng như Nguyễn Du viết: “Đã mang lấy nghiệp vào thân”. Và do đó, họ luôn luôn trăn trở, tìm cách mở rộng kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Ở đâu cũng thấy, thất nghiệp giảm là do có nhiều người giầu mở thêm công ty, làm thêm dự án, đầu tư những công trình mới.

Vì sao người giàu ngày càng giàu hơn?

Người không giầu thì không có nhiều tiền nên thường vội mua ngay khi có nhu cầu tiêu dùng, dù trị trường lúc đó giá đang cao. Người giầu có nhiều tiền nên có điều kiện cân nhắc, tính toán xem khi nào thì nên mua, vì họ chẳng có gì là vội vàng cả và họ chỉ mua khi giá thị trường xuống thấp. Hơn nữa, người giầu từng trải trên thị trường và có đầu óc kinh doanh nên họ luôn biết cách “điều khiển” đồng tiền của minh sao cho nó sinh lợi nhiều nhất. Nhiều người biết qui luật cung cầu của thị trường, nhưng người giầu có nhiều tiền hơn nên họ chủ động “chơi” theo qui luật cung cầu để làm cho mình ngày càng giầu hơn.

Trọng tiền bạc là đặc điểm nổi bật ở người Do Thái. Họ coi đó là phương tiện tốt nhất để bảo vệ mình và bảo vệ dân tộc họ. Quả vậy, không có tiền thì họ làm sao tồn tại nổi ở những quốc gia và địa phương họ sống nhờ ở đợ, nơi chính quyền và dân bản địa luôn chèn ép, gây khó khăn. Hoàn cảnh ấy khiến họ sáng tạo ra nhiều biện pháp làm giàu rất khôn ngoan. Thí dụ cửa hiệu cầm đồ và cho vay lãi là sáng tạo độc đáo của người Do Thái cổ đại – về sau gọi là hệ thống ngân hàng. Buôn bán cũng là một biện pháp tồn tại khi trong tay không có tài sản cố định nào. Người ta nói dân Do Thái có hai bản năng: thứ nhất là bản năng kiếm tiền; thứ hai là bản năng làm cho tiền đẻ ra tiền - họ là cha đẻ của học thuyết lưu thông tiền tệ ngày nay chúng ta đều áp dụng với quy mô lớn (còn ai kiếm tiền dễ hơn ngành ngân hàng?).

Người giàu có tâm thức và điều kiện làm cho xã hội tốt đẹp hơn

Người giầu khi đã giầu thì có điều kiện “thảnh thơi” để nghĩ được nhiều ý tưởng thúc đẩy xã hội phát triển. Đó cũng là tâm thức của họ về mở rộng kinh doanh, phát triển thị trường để làm cho “tiền đẻ ra tiền”. Bởi vậy, họ luôn luôn trăn trở để có những phát kiến, có ý tưởng kinh doanh mới. Đó là một phong cách đẹp của doanh nhân người Việt, nhất là ở các doanh nhân trẻ trong thế kỷ 21 này. Phong cách này đã làm nẩy sinh những sản phẩm mới, đôi khi như chuyện không tưởng, đáp ứng kịp thời những nhu cầu đa dạng, phong phú của thị trường hiện nay. Một doanh nhân trẻ ở TP Hồ Chí Minh nhận thấy nhiều người dân nuôi một số con vật trong nhà, lâu dần coi chúng như người thân và khi chúng “lâm chung” rất muốn làm tang lễ trang trọng để tiễn đưa chúng về “chầu trời”. Anh đã đăng ký kinh doanh Công ty mai táng vật nuôi trong nhà và qua mấy năm Công ty của anh đã trở nên một “thương hiệu” được nhiều người biết đến.

Một số doanh nhân trẻ ở miền Bắc đã có những phát kiến tạo ra một số ngành kinh doanh rất hiệu quả, như kinh doanh côn trùng. Lâm Ngọc Kiên, sinh năm 1988 (Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) được mệnh danh là “vua côn trùng” miền Bắc nhờ sở hữu trang trại rộng lớn với gần chục giống côn trùng các loại từ cà cuống, bọ cạp, dế, tắc kè, rắn, mối đến rết, cào cào… Trung bình mỗi tháng cơ sở của Kiên xuất ra thị trường khoảng 4 tấn côn trùng, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng.

Một phong cách đáng trân trọng của doanh nhân người Việt là luôn có ý thức và hành vi hướng thiện, góp sức xây dựng cộng đồng. Nhiều bạn trẻ hiện nay, sau khi tốt nghiệp đại học một số chuyên ngành khác, nhưng đã trở về quê xây dựng cơ sở sản xuất - thành lập doanh nghiệp do mình làm chủ. Dù cho, khi bắt đầu khởi nghiệp, tất cả đều rất khó khăn và không chắc chắn, mọi thứ luôn rất mơ hồ. Khi đó, phần lớn họ phải đi vay vốn từ người thân, gia đình, bạn bè, thiếu thốn về kinh nghiệm, nhân sự, quy trình làm việc,  nguồn khách hàng ổn định, sản phẩm chưa hoàn thiện….

Nhiều doanh nhân đã tích cực tham gia hoạt động từ thiện, giúp đỡ học sinh nghèo, cư dân vùng bị thiên tai tàn phá. Có những doanh nhân đã gửi giúp dân cư vùng bị thiên tai gây hại số tiền rất lớn, hàng tỷ đồng.

Ca ngợi người giàu để đất nước thoát nghèo

Do xuất thân từ nền kinh tế tiểu nông tư hữu và trải qua những năm tháng chiến tranh triền miên và nền kinh tế bao cấp sau chiến tranh, ca ngợi sự nghèo khó và phê phán sự giầu có đã ăn sâu trong tiềm thức mỗi người. Thậm chí còn phiến diện coi sự giầu có là do tham tàn, bóc lột mà có. Tư duy đó đã làm thoái chí những người giầu và làm cho chúng ta khó thoát nghèo.

May mắn thay, gần đây, với việc kiên trì đường lối cởi mở và hội nhập, chúng ta đã quen dần với ý thức tôn vinh người giầu. Và lần đầu tiên, thế giới đã ghi danh bốn tỷ phú đô la người Việt Nam trên diễn dàn quốc tế. Bảng xếp hạng tỷ phú đô la thế giới được Forbes công bố định kỳ hàng năm đã vinh danh thêm 2 tỷ phú đô la mới đến từ Việt Nam, nâng số tỷ phú đô la Việt lên con số 4. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Việt Nam có thêm 2 tỷ phú đô la nằm trong danh sách của Forbes cho thấy, người Việt không quá thua kém người nước ngoài.

Số người siêu giàu Việt Nam tăng nhanh cho thấy đang có xu hướng phát triển bắt nhịp với nền kinh tế khu vực và thế giới. Đó là điều rất đáng mừng và khiến chúng ta không thể không nhắc đến đường lối đổi mới đất nước và những người lãnh đạo đã hết lòng, tận tụy suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp dân giầu, nước mạnh, trong đó cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong suốt chặng đường 6 năm ở cương vị Phó Thủ tướng và 9 năm ở cương vị Thủ tướng, ông là người luôn tận tụy, hết lòng vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, luôn quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân và chú trọng lãnh đạo đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng. Ông được tưởng nhớ đến như môt nhà lãnh đạo kỹ trị, đổi mới, tận tụy, vì dân, vì nước. Đặc biệt, cố Thủ tướng với những nỗ lực, đóng góp to lớn, góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng tài chính châu Á, thúc đẩy phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng với các dấu mốc lịch sử như ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Từ đó có thể thấy, con đường hội nhập quốc tế về kinh tế của đất nước luôn gắn với sự phồn vinh của đất nước, sự giầu có của dân tộc.

Ông Bùi Văn Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, việc có thêm các tỷ phú rất đáng mừng, và rất ủng hộ, họ đều gắn các thương hiệu lớn đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước. Theo danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất năm 2016, do Tổng cục Thuế công bố mới đây, các doanh nghiệp gắn với tên 4 tỷ phú USD của Việt Nam đều có mặt.

Để có thêm nhiều người giàu hơn nữa, các chuyên gia cũng cho rằng, nhà nước cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, từ đó trao cơ hội và khát vọng làm giàu cho tất cả mọi người. Đồng thời, hệ thống pháp luật cũng cần tiệm cận tiêu chuẩn thế giới, để làm giàu chính đáng, không phải giàu lên bằng chộp giật, quan hệ, tham nhũng...

Gần đây, tại Singgapor vì trong 3 ứng cử viên chức vụ Tổng thống thì có 2 vị sở hữu không đủ tài sản 500 triệu đô la nên không đủ điều kiện và chỉ duy nhất 1 ứng cử viên đủ điều kiện sở hữu tài sản từ 500 triệu đô la trở lên nên đương nhiên là Tổng thống và người dân đã không phải đi bầu Tổng thống

Khoảng cách giàu nghèo của chúng ta hiện nay đang có xu hướng là rộng ra, giữa các khu vực, giữa nông thôn rồi thành thị, giữa các nhóm, các ngành nghề khác nhau đang ngày càng có khoảng cách rộng. Có những nhóm người thì giàu lên rất nhanh, nhưng cũng có người thì vẫn ở một trình độ phát triển hết sức thấp, đời sống rất nhiều khó khăn. Nhìn chung trong cơ chế thị trường thì không tránh khỏi sự phân hóa, nhưng mà mức độ phân hóa như thế nào đó để chấp nhận được thì chúng ta cần quan tâm đến việc đó. Cũng phải nhìn nhận sự giàu lên của một nhóm người ở hai mặt. Một mặt nó tạo ra một cái khoảng cách chênh lệch, nhưng mặt khác thì những người giàu người ta cũng có nhiều đóng góp, thông qua đóng góp về thuế, đóng góp về mặt từ thiện, xã hội… Những cái đó cũng giúp cải thiện đời sống của người nghèo.

Xét về lâu dài, về mặt định hướng chính sách, thì chúng ta cũng phải có cơ chế chính sách thế nào đó để tạo cơ hội cho mọi người dân làm giàu và cải thiện cuộc sống của mình, đó mới là cái quan trọng. Điều đó giúp chúng ta làm thế nào để tăng trưởng trong công bằng, tăng trưởng cùng chia sẻ. Khi nền kinh tế tăng trưởng thì mỗi người dân đều cảm thấy mình có phần đóng góp trong đấy và mình được thụ hưởng thành tựu của sự tăng trưởng đó.

Ca ngợi người giầu, khuyến khích làm giầu là tư duy mới mà chúng ta mong muốn và cái chúng ta cần phải hướng tới để có sự phát triển bền vững về kinh tế và xã hội trong chặng đường hội nhập với rất nhiều cơ hội và thách thức hiện nay.

Nên đọc
Văn Tân (Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo