Doanh nhân

Người lao động Việt Nam được bảo vệ đến đâu?

Gần đây một loạt động thái khá mạnh mẽ được phát đi từ phía Chính phủ, các bộ ban ngành về việc tái cơ cấu DNNN mở ra một cái nhìn có phần lạc quan hơn. Hiệu quả hoạt động của DNNN nhờ vậy “biết đâu” lại được cải thiện đáng kể.

 

Công nhân than với công việc lao động được xếp mức độc hại cao.

Tuy nhiên, câu chuyện sâu xa trong công cuộc tái cơ cấu không phải là những vụ chuyển nhượng, cổ phần hóa, thay đổi nhân sự… mà chính là năng suất lao động. Chính năng suất lao động chứ không phải điều gì khác, sẽ làm nên sức bật của một doanh nghiệp nói chung, DNNN nói riêng.

Còn nhớ câu chuyện lùm xùm năm 2013 liên quan đến lĩnh vực mía đường. Hiệp hội mía đường vẫn một mực khẳng định việc tạm nhập tái xuất 30.000 tấn đường của Hoàng Anh Gia Lai sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến thị trường đường trong nước, khi tồn kho ngành đường lên tới 500.000 tấn. Quan trọng hơn cả, trực tiếp đe dọa cuộc sống của hàng ngàn hộ dân trồng mía.

Trên thực tế, các Bộ ban ngành đã chính thức đồng ý việc tạm nhập tái xuất của HAGL với yêu cầu “không để thẩm lậu vào thị trường nội địa”. Đó cũng là một cách giảm bớt tổn hại cho Hiệp hội mía đường, nếu có.

Tuy nhiên, đó không phải là cách có lợi nhất cho người tiêu dùng. Có nghĩa là người tiêu dùng không được tiếp cận sản phẩm mía đường giá rẻ, mà vẫn tiếp tục phải mua đường với giá xấp xỉ 20.000 đồng/kg.

Trong khi Hiệp hội mía đường tuyên bố các nhà máy chế biến đường ở Việt Nam phải chấp nhận mua mía với giá từ 45 – 50 USD/tấn với chất lượng mía 9 – 10 CCS (các quốc gia khác chỉ mua mía nguyên liệu với giá thấp hơn nhiều, ở mức 30 – 35 USD/tấn) nhằm đảm bảo đời sống
cho nông dân trồng mía, thì không ít hộ dân trồng mía vùng ĐBSCL lên tiếng kêu cứu vì giá bán thấp khiến họ thua lỗ liên tục. Thậm chí, có người còn…xin đi tù vì thua lỗ. Thực sự thì đời sống của người nông dân trồng mía đã và đang được “đảm bảo” đến mức nào?

Việc bảo vệ người nông dân trồng mía và giá đường trở thành chuyện con gà quả trứng, không biết quẩn quanh đến bao giờ mới có hướng giải quyết.

Trong một cuộc họp báo gần đây của Tập đoàn Thanh khoáng sản Vinacomin, đại diện tập đoàn này cho biết hiện nay năng suất lao động của CBCNV Tập đoàn chỉ ở mức 50% so với các nước tiên tiến. Hiện tại, việc tái cơ cấu Tập đoàn phải đi kèm với giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 50 – 60 nghìn người. Có nghĩa là, nếu năng suất lao động được cải thiện tương ứng, tập đoàn sẽ thừa hẳn 50 – 60 nghìn lao động. Đó là một thách thức đối với Vinacomin trong quá trình tái cơ cấu toàn bộ Tập đoàn.

Câu hỏi đặt ra là, nếu Vinacomin là một doanh nghiệp tư nhân, liệu việc cải cách, tái cơ cấu và tăng năng suất lao động có dễ dàng hơn không, khi họ không nhất thiết phải lo công ăn việc làm cho lao động dôi dư?

Đã đến lúc cần nhìn nhận việc tái cơ cấu các DNNN, đề ra những chính sách đối với thị trường…. phải thực sự dựa trên quyền lợi của các cổ đông, của người tiêu dùng. Vì đó mới đích thực là những đối tượng có số lượng đông đảo nhất. Quyền lợi người lao động sẽ thực sự được bảo vệ một cách hiệu quả khi năng suất lao động được cải thiện.

Quyền lợi người lao động, đôi lúc, cũng chỉ là cái cớ để người ta biện minh cho những gì chưa làm được.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo