Người Nga đang nghĩ gì về Tổng thống Putin?
Trong một cuộc thăm dò dư luận do Levada Center tổ chức, với kết quả được công bố hôm 13/3, 72% người Nga được hỏi ủng hộ những việc mà ông Putin đang làm với tư cách Tổng thống. Minh họa: Time.
Theo hãng tin Bloomberg, tỷ lệ ủng hộ ông Putin, vốn đã được củng cố sau khi Nga đăng cai Thế vận hội mùa đông vào tháng trước, đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm khi Nga đưa quân vào Crimea. Cuộc đối đầu căng thẳng nhất giữa Nga với phương Tây kể từ sau thời chiến tranh lạnh hóa ra lại tốt cho uy tín của điện Kremlin trong mắt người dân xứ Bạch Dương.
“Ông Putin chỉ đang bảo vệ các lợi ích của quốc gia. Crimea có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với Nga, và đó là đất của Nga”, anh Yaroslav Batashev, 32 tuổi, một nhà kinh doanh hàng tiêu dùng ở Moscow, nhận xét. Anh Batashev cũng nói thêm rằng, anh không hẳn là một người hâm mộ Tổng thống Putin.
Dấu hiệu của sức mạnh
Kể từ khi vượt qua những cuộc biểu tình phản đối lớn nhất trong 14 năm lãnh đạo nước Nga để giành nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba vào năm 2012, ông Putin đã khẳng định quyền lực trong và ngoài nước. Bất chấp nguy cơ phải đối mặt với những lệnh trừng phạt có thể đẩy kinh tế Nga vào lần suy thoái thứ hai trong vòng 5 năm, người dân Nga vẫn xem thái độ cứng rắn của Tổng thống Putin trước phương Tây quanh vấn đề Ukraine như một dấu hiệu của sức mạnh.
Điều này củng cố hình ảnh của ông Putin như một nhà lãnh đạo tìm lại được sự vĩ đại của nước Nga kể từ sau khi Liên xô sụp đổ vào năm 1990.
Liên quan tới tình hình Crimea, sau cuộc bầu cử ngày 16/3 với tỷ lệ gần như tuyệt đối cử tri ủng hộ việc tách khỏi Ukraine và gia nhập Nga, lãnh đạo Crimea đã nhanh chóng tuyên bố độc lập và nộp đơn xin gia nhập Nga. Cùng với đó, Moscow cũng phát tín hiệu sẽ nhanh chóng để Crimea gia nhập vào Liên bang Nga.
“Chúng tôi sẽ quan tâm với phần việc của mình thật nhanh chóng và có trách nhiệm”, ông Sergei Naryshkhin, Chủ tịch Hạ viện Nga tuyên bố trước báo giới ngày 17/3.
Trong một cuộc thăm dò dư luận do Levada Center tổ chức, với kết quả được công bố hôm 13/3, 72% người Nga được hỏi ủng hộ những việc mà ông Putin đang làm với tư cách Tổng thống. Tương tự, trong cuộc thăm dò dư luận hôm 8-9/3 do trung tâm chuyên thăm dò ý kiến người dân Nga VTsIOM thực hiện, ông Putin cũng đạt tỷ lệ ủng hộ 72%.
“Việc nước Mỹ tham gia vào tình hình ở Ukriane vốn chẳng liên quan gì tới họ thật là khó chịu”, cô Ilya Knyazev, 31 tuổi, một giám đốc bán hàng ở Moscow, nhận xét. “Tôi ủng hộ Crimea gia nhập Nga, vì nếu không NATO sẽ vào Ukraine, ảnh hưởng xấu tới an ninh của Nga”.
Vai trò của truyền thông
Sự ủng hộ của người Nga đối với Tổng thống Putin một phần được đẩy lên cao bởi cuộc “tấn công” của truyền thông nước này vào những người bị cho là “phát xít” lên nắm quyền ở Ukraine sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ.
“Người dân Nga thực sự sửng sốt trước những hình ảnh mà họ nhìn thấy trên truyền hình về quảng trường Độc lập ở Kiev, nơi ngập tràn cảnh bạo lực và lửa”, ông Alexander Oslon, người đứng đầu tổ chức Public Opinion Fund thuộc Chính phủ Nga, nói. “Những hình ảnh đó dẫn đến nỗi lo sợ về những gì có thể xảy ra ở Crimea, nơi phần đông dân số là người dân tộc Nga. Giờ thì Tổng thống Putin đã có sự ủng hộ áp đảo của đại đa số người dân”.
Ông Putin lên nắm quyền ở Nga vào năm 1999, sau khi Tổng thống Boris Yeltsin rời ghế như một hậu quả của việc Nga vỡ nợ số tiền 40 tỷ USD. Trong hai nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Putin, kinh tế Nga đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm 7%, một phần nhờ giá dầu thô thế giới tăng vọt.
Ông Putin - một cựu điệp viên KGB đã tái khẳng định sự kiểm soát nhà nước đối với nền kinh tế và truyền thông Nga, cũng như giành sự ủng hộ cao của dân chúng, khi mạnh tay với giới tài phiệt Nga vốn là những người trở thành tỷ phú nhanh chóng nhờ thâu tóm những nguồn tài nguyên quý giá nhất của đất nước thông qua các vụ đấu giá bị thao túng. Tổng thống Putin đã bỏ tù một trong số các tài phiệt Nga là ông Mikhail Khodorkovsky.
Crimea là nơi Nga đặt hạm đội Biển Đen kể từ khi hạm đội này được nữ hoàng Catherine Đại đế thành lập năm 1783, sau khi đế chế Ottoman từ bỏ bán đảo này. Crimea là một phần của Nga cho tới khi nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tặng cho Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Ukraine vào năm 1954, khi ông Putin mới tròn 14 tuổi.
Sevastopol, nơi đặt Hạm đội Biển Đen, là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng Nga. Thành phố này đã nằm dưới sự kiểm soát của người Anh và người Pháp trong cuộc chiến tranh Crimea vào thập niên 1850, và tiếp đó là lực lượng Đức quốc xã vào năm 1942-1943.
Trọng tâm dịch chuyển
Ngay từ trước cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, ông Putin đã chuyển trọng tâm sang khu vực phía Đông Ukraine, nơi cũng có một số lượng lớn người nói tiếng Nga. Bộ Ngoại giao Nga nói hôm 15/3 rằng, 15 người ở phía Đông Ukraine đã lên tiếng xin được Nga bảo vệ sau một loạt vụ đụng độ chết người ở các thành phố Donetsk và Kharkiv.
Trên thực tế, nhiều người Nga có trình độ học vấn cao cảm thấy “không ổn” với chính sách của Putin về vấn đề Ukraine. Theo giớ truyền thông, các nhà tổ chức cuộc tuần hành hòa bình phản đối hành động của Nga ở Ukraine đã thu hút hàng chục nghìn người tham gia ở trung tâm Moscow hôm 15/3. Tuy nhiên, cảnh sát Nga nói rằng, số người tham gia cuộc tuần hành này chỉ là 3.000 người.
“Cuộc xâm lấn sang láng giềng gần của nước Nga đã trở thành sứ mệnh ý thức hệ để chống lại phương Tây. Điều này đã bỏ qua mọi cơ sở lý lẽ, phớt lờ tất cả mọi cái giá và hậu quả, bao gồm cả hậu quả đối với chính bản thân nước Nga”, ông Joerg Forbrig, một thành viên của quỹ German Marshall Fund tại Berlin, nhận xét.
Bloomberg đánh giá, Ukraine nói chung và Crimea nói riêng là bước đi mới nhất và quan trọng nhất của Tổng thống Putin trong chiến dịch nhằm ngăn chặn điều mà ông xem là sự xâm lấn không ngừng của phương Tây vào các lợi ích của Nga kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Hầu hết các bang vùng đệm giữa Nga và Đức, nơi hàng triệu người đã chết trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, đã lần lượt bị hút vào Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) kể từ sau khi Liên bang Xô viết tan rã vào năm 1991. Sevastopol, nơi đặt Hạm đội Biển Đen, là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng Nga. Thành phố này đã nằm dưới sự kiểm soát của người Anh và người Pháp trong cuộc chiến tranh Crimea vào thập niên 1850, và tiếp đó là lực lượng Đức quốc xã vào năm 1942-1943.
Niềm tự hào quốc gia
Trong vòng 1 năm qua, Tổng thống Putin đã củng cố vai trò của Nga ở Trung Đông bằng cách trung gian cho một thỏa thuận ngăn chặn Mỹ tấn công Syria và duy trì quyền lực cho Tổng thống nước này Bashar al-Assad - một đồng minh từ thời Liên Xô và là khách hàng mua vũ khí Nga. Ngoài ra, ông Putin cũng khuyến khích phương Tây nhượng bộ trong vấn đề hạt nhân của Iran, và giành một thỏa thuận vũ khí trị giá nhiều tỷ USD với chính quyền quân sự mới của Ai Cập sau khi Mỹ ngừng viện trợ cho nước này.
“Nước Nga đã suy sụp dưới thời Boris Yeltsin. Dù có nhược điểm, ông Putin là một nhà lãnh đạo cứng rắn và không nhượng bộ, một người đã đưa nước Nga tới một vị thế tốt đẹp hơn thời điểm cách đây 1 thập niên”, thương nhân Batashev ở Moscow nhận xét.
Với nhiệm kỳ Tổng thống Nga được kéo dài lên thành 6 năm từ 4 năm, ông Putin có thể nắm quyền cho tới tận năm 2024 nếu ông ra tranh cử và lại giành thắng lợi vào năm 2018.
Tuy nhiên, theo một số nguồn thân cận, trong nội bộ Chính phủ Nga, một số quan chức hy vọng ông Putin sẽ có cách phản ứng mềm hơn với cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Những người này ngại nói ra quan điểm của mình vì họ không muốn đi ngược lại những gì mà họ cho là một tiến trình đã được lựa chọn.
Một quan chức nói, việc Nga trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể quét sạch 10 năm thành quả chính sách tài chính và tiền tệ của nước này. Ngoài ra, một người khác cho rằng, sự leo thang khủng hoảng có thể khiến đồng Rúp mất 1/3 giá trị. Từ đầu năm tới nay, đồng tiền này đã mất giá 10%.
“Tôi không muốn Nga lại bị cô lập và đối đầu với cả thế giới”, cô Anatoly Kapralov, chủ một đại lý quảng cáo ở Moscow, phát biểu.
Tuy nhiên, những quan điểm như thế khó có thể lay chuyển được Putin. “Đối với nước Nga, quan trọng nhất là niềm tự hào quốc gia và văn hóa. Đó là điều thúc đẩy Tổng thống Putin đối chọi với phương Tây”, ông Nicholas Spiro, Giám đốc điều hành công ty Spiro Sovereign Strategy ở London, nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo