Người nông dân nghèo nuôi 8 con ăn học thành tài
Thay đổi số phận cho con
Trong căn nhà nhỏ cặp QL54 ở ấp Tân Lộc (xã Tân Lược), ông Cao Ngọc Hiệp hiện đang sống với người con trai thứ 5. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hiệp bồi hồi kể lại: Năm 1975, ông lập gia đình với bà Lê Thị Kim Tiếng (SN 1954). Lấy nhau được vài năm thì cha mẹ cho vợ chồng ông ra ở riêng với số vốn là 7 công đất. Hai vợ chồng làm lụng quanh năm vất vả, đầu tắt mặt tối nhưng cũng chỉ đủ ăn. Rồi những năm sau đó, mấy đứa con lần lượt ra đời khiến cuộc sống của gia đình ngày càng thêm khó khăn.
Ông Hiệp tâm sự, 2 vợ chồng ông bà người mới học hết cấp 1, người trình độ cấp 2, giờ làm ruộng lại đông con nên nghèo. Ông nói, hồi nhỏ, vợ chồng ông vốn ham học nhưng gia đình nghèo nên học chưa tới nơi tới chốn. Chính vì thế cứ quanh năm khổ cực với thửa ruộng, miếng vườn. Hai năm trúng mùa, một năm thất bát xem như thua lỗ, vì vậy nghèo vẫn hoàn nghèo. “Từ đó, tôi có suy nghĩ, mình đã nghèo thì không thể để các con nghèo khổ. Mà muốn đổi đời cho các con chỉ có cách là phải cho chúng đi học”- ông Hiệp quả quyết.
Cũng may, 8 đứa con của ông Hiệp ai cũng ham học. Khi đi học về, ngoài phụ giúp cha mẹ thì mấy anh em thi nhau học bài, đứa lớn dạy đứa nhỏ. Con cái học giỏi, vợ chồng ông Hiệp như được an ủi, tiếp thêm sức khỏe nên vợ chồng ông gia tăng trồng rau màu, làm vườn, làm thuê để có tiền nuôi các con ăn học.
Ông Cao Ngọc Hiệp (áo vest đen ở giữa) trong một lần ra Hà Nội và vinh dự được Chủ tịch nước tặng vật kỷ niệm Vì gia đình hiếu học.
Năm 1994, người con trai lớn là anh Cao Phước Ngoan (SN 1976) thi đậu ngành Tài chính tín dụng của Trường ĐH Cần Thơ. Đây là niềm vui lớn mà gia đình ông Hiệp nhận được và cũng khích lệ những người em của anh Ngoan học hành. Niềm vui chưa được tày gang thì gánh nặng lại đè lên vai hai vợ chồng ông Hiệp vì phải lo tiền trường, tiền ăn học. Suy đi tính lại, ông Hiệp đành cầm cố 5 công ruộng mà cha ông để lại để lo cho con.
Hai năm sau đó, con trai thứ hai của ông Hiệp là Cao Phước Đức (SN 1978) thi đậu vào ngành Tài chính tín dụng Trường ĐH Cửu Long. Rồi 2 năm nữa, người con tiếp là Cao Phước Thịnh (SN 1980) cũng nối gót các anh thi đậu ngành Kế toán Trường ĐH Cửu Long. Không còn cách nào khác, vợ chồng ông Hiệp buộc phải bán 5 công ruộng đã cầm cố để lo cho các con.
Khi anh Ngoan ra trường thì người con thứ tư là Cao Hảo Hớn (SN 1982) thi đậu vào Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long và con trai thứ năm Cao Hảo Tâm (SN 1984) trúng tuyển ngành Điện tử Trường ĐH Cần Thơ. “Lúc này, vợ tôi bị khối u trong bao tử, phải chạy vạy khắp nơi để có tiền chữa trị cho vợ và lo cho các con ăn học. Thằng Ngoan ra trường và có việc làm, có góp tiền để cùng lo nhưng cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Vì vậy, tôi bán luôn 1 công vườn để lo liệu”, ông Hiệp ngậm ngùi nhớ lại thời khắc khốn khó của gia đình.
Năm 2005, bà Tiếng mất khi mấy đứa con đang học ĐH, CĐ và 3 đứa đang học phổ thông. Trước tình hình này, ông Hiệp định cho 3 đứa con nghỉ học vì đã kiệt sức. Cũng vào năm này, người con thứ 6 là Cao Phước Thắng (SN 1988) thi đậu vào Trường ĐH Cần Thơ chuyên ngành Thủy sản. Ông Hiệp nghẹn ngào: “Tôi kêu thằng Thắng nghỉ đi, năm sau thi lại vì bây giờ nhà khó khăn quá. Nhưng nó bảo đợi 1 năm nữa lâu lắm ba ơi, đâu phải ai cũng đậu vào ĐH được. Nghe câu đó của con mà tôi rất đau lòng”. Thấy các con ham học và học rất giỏi nên ông Hiệp cũng không nỡ để các con nghỉ. Vì vậy, ông ra sức làm việc gấp đôi. Ngoài ra, những đứa con lớn của ông đã động viên các em vừa học vừa làm.
Ông Đinh Văn Lạc - Chủ tịch UBND xã Tân Lược, nói: “Gia đình ông Hiệp tuy khốn khó nhưng vẫn quyết cho 8 người con ăn học, rất đáng nể phục. Khi bà Tiếng mất, ông cũng không cho các con nghỉ học, ít ai làm được việc này”.
Ông Cao Ngọc Hiệp với Bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng gia đình ông.
Đền đáp xứng đáng
Các con lớn của ông Hiệp lần lượt ra trường và có việc làm ổn định, cùng gửi tiền phụ ông Hiệp lo cho các em ăn học. Khó khăn đùm bọc lẫn nhau, cứ như thế đứa lớn phụ giúp lo cho đứa nhỏ. Người con thứ bảy là Cao Phước Nhơn và con gái út Cao Thị Kim Xuyến rồi cũng đậu vào Trường ĐH Cần Thơ và cả hai hiện nay đã ra trường.
Các con ông Hiệp, hiện anh Ngoan và Đức đang làm tại 2 ngân hàng, anh Thịnh công tác tại Công ty CP Hoàng Quân Mekong chi nhánh Vĩnh Long, anh Hớn làm tại quỹ tín dụng xã Tân Lược, anh Tâm công tác tại Viettel chi nhánh Bình Tân, anh Thắng và Nhơn làm tại công ty thủy sản, còn cô con gái út do mới ra trường năm nay và đang xin việc.
Ông Hiệp tâm sự: “Nhờ sự nỗ lực của các con và gia đình tôi vượt khó nên việc học hành của các con mới tới nơi, tới chốn. Đến nay, ước mơ của vợ chồng tôi đã được thực hiện”. Không có sự đền đáp nào hơn bằng việc con nên người và thành tài. Giờ đây, ông Hiệp đã mãn nguyện khi ngày lễ Tết, các con, dâu, cháu về đầy đủ bên cạnh người cha tần tảo.
Ông Nguyễn Tấn Lên - Chủ tịch Hội khuyến học xã Tân Lược, khen ngợi: “Ở địa phương, gia đình ông Hiệp được xem là tấm gương của lòng hiếu học, luôn luôn coi học là chính. Các con ông Hiệp có ý chí rất lớn, dù khó khăn vẫn không bỏ học và ngày nay họ đã thành tài”.
Với ý nghĩ thay đổi số phận cho con, truyền thống hiếu học của gia đình ông Hiệp đã được các cấp chính quyền ở Vĩnh Long ghi nhận. Tháng 10 vừa qua, ông Hiệp cùng 5 gia đình hiếu học khác ở Vĩnh Long ra Hà Nội gặp Chủ tịch nước và được Trung ương Hội khuyến học Việt Nam, Bộ GD-ĐT tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học.
Ông Hiệp với công việc hàng ngày là Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật- trẻ mồ côi- bệnh nhân nghèo xã Tân Lược.
Tiếp nối truyền thống hiếu học của gia đình, các cháu trong gia đình ông Hiệp được giáo dục rất kỹ việc học và cũng học rất giỏi như cha, chú. Ông Hiệp tâm sự rằng, ông muốn “ngọn lửa” hiếu học tiếp nối từ đời này sang đời khác. Học không chỉ để thay đổi số phận mà còn mang kiến thức giúp ích cho đời.
Tuy các con đã thành đạt, có thể chu cấp và đảm bảo cuộc sống cho cha lúc tuổi già nhưng ông Hiệp vẫn muốn làm việc. Hiện ông đang là Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật - trẻ mồ côi - bệnh nhân nghèo của xã.
End of content
Không có tin nào tiếp theo