Người thu nhập thấp lấy đâu ra tài sản để thế chấp?
Con số 350 trường hợp được vay sau hơn 3 tháng triển khai gói tín dụng 30 nghìn tỷ là con số quá ít ỏi so với kỳ vọng ban đầu.
“Nhu cầu nhiều nhưng cơ hội tiếp cận là vô cùng thấp” - đó là câu trả lời của hầu hết các đối tượng khách hàng đã và đang làm thủ tục để được vay. Điều này cũng nói lên một thực tế mâu thuẫn đó là: Tinh thần của gói 30 nghìn tỷ là hỗ trợ người mua nhà, nhưng ngược lại chính những người khó khăn về nhà ở lại không thể nào lại đáp ứng được các điều kiện cho vay của ngân hàng (phải có xác nhận của địa phương về tình trạng nhà ở, xác nhận của cơ quan công tác, chứng minh thu nhập, chờ sự hợp tác giữa ngân hàng và chủ đầu tư dự án...).
Theo phản ánh của những người có nhu cầu vay, việc chứng minh thu nhập và xác nhận nhà ở là khó khăn lớn nhất hiện nay. Khi người dân cầm hồ sơ tới ngân hàng thì ngân hàng bắt phải về địa phương cư trú xác nhận là chưa có nhà ở. Nhưng nghịch lý ở chỗ, các địa phương chỉ đồng ý xác nhận là có cư trú chứ không dám xác nhận chưa có nhà ở, vì có thể người xin xác nhận không có nhà tại địa phương đang cư trú, nhưng có thể có nhà ở nơi khác.
Chính quyền địa phương và ngân hàng cứ đẩy qua đẩy lại cho nhau như vậy thì chẳng biết đến khi nào thủ tục mới hoàn thiện. Còn về việc chứng mình có thu nhập thấp, hầu hết các ngân hàng đều yêu cầu chứng minh thu nhập phải trên 10 triệu đồng/tháng để đảm bảo trả nợ. Nhưng oái oăm ở chỗ, nếu được 10 triệu/ tháng thì đâu còn được công nhận là người thu nhập thấp nữa?
Còn đối với doanh nghiệp, muốn được hưởng hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng phải hội đủ 3 yếu tố là dự án được Bộ Xây dựng chấp thuận, hồ sơ đủ điều kiện pháp lý và được 1 trong 5 ngân hàng đồng ý cho vay. Thực tế thì dự án nào cũng đạt 2 yêu cầu đầu tiên, nhưng cái cuối cùng mới là mấu chốt của vấn đề. Đây chỉ là chương trình hỗ trợ lãi suất chứ không phải ưu đãi nên ngân hàng cho vay vẫn tuân thủ theo tiêu chuẩn cho vay như dự án nhà thương mại, với đòi hỏi tài sản thế chấp, vốn đối ứng, hiệu quả của dự án…
“Tại Hà Nội, rất ít các dự án đã hoàn thiện thủ tục chuyển đổi, thậm chí hoàn thiện xong rồi cũng không dễ để vay tiền. Trong khi đó, đất xây dựng nhà ở xã hội được Nhà nước giao không thu tiền và cũng không được cấp sổ đỏ. Mà không có sổ đỏ thì không thể dùng làm tài sản thế chấp ngân hàng. Trong khi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp nợ xấu, nếu bản thân họ đảm bảo được tài chính thì cũng không vất vả chạy vạy xin tiền làm gì” - lãnh đạo một dự án phát biểu.
Con số 30.000 tỷ đồng đối với nền kinh tế nói chung, đối với thị trường BĐS nói riêng không quá lớn. Nhưng trong bối cảnh kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt thấp thì số tiền 30.000 tỷ đồng mang ý nghĩa rất lớn. Dùng số tiền này như thế nào cho đúng và trúng, đó là câu hỏi cơ quan thực thi phải cân nhắc kỹ phương thức triển khai trong 15 tháng còn lại của gói tín dụng này.
Thêm vào đó, trong khi nhu cầu vay vốn có ưu đãi lãi suất để tạo lập chỗ ở của xã hội là rất lớn thì sự minh bạch và thống nhất về thủ tục, điều kiện để được vay mua nhà ở các địa phương lại mỗi nơi mỗi kiểu.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thành lập chương trình nhà ở giá rẻ thay cho nhà xã hội, có sự ưu đãi của Nhà nước về việc giao đất nhưng thu tiền với giá rẻ và giá đất được trừ vào giá thành sản phẩm sẽ giúp tháo gỡ được nghịch lý đất dự án nhà xã hội không có sổ đỏ nên không có giá trị thế chấp tại ngân hàng. Bên cạnh việc kiểm tra, giám sát nghiêm túc các dự án thì việc quản lý và hỗ trợ một cách linh hoạt cũng giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn hơn.
Đối với cá nhân người mua nhà, đa số họ không có nhà để ở nên mới nhờ đến chính sách hỗ trợ của nhà nước thì lấy đâu tài sản để thế chấp. Vậy nên, cần xem xét điều chỉnh lại thông tư 11 để có thể cho khách hàng dùng chính ngôi nhà họ đang mua để làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng. Như thế sẽ đảm bảo chính sách được đến với người dân một cách hợp tình hợp lý và đáp ứng đúng hoàn cảnh thực tế.
Như Trâm (Thực hiện)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo