Người Việt cần cù: Chỉ quan tâm lượng mà quên mất chất!
"Cần cù là điều cần thiết nhưng mà chưa đủ, bởi nó còn cần có tố chất, đó là khả năng tư duy, vì ngoài cần cù còn cần khối óc".
TS. Nguyễn Hữu Sở - TS Kinh tế, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học QGHN bày tỏ quan điểm.
Cần cù phải đi kèm với khối óc
PV:- Vừa qua, theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường GCOMM, với sự tham gia của 1.005 sinh viên, du học sinh, trí thức trẻ (18-35 tuổi) trên cả nước, khi được hỏi về những đức tính của người Việt trong quá khứ và hiện tại, thì hầu hết đều chọn đức tính cần cù, tỷ lệ lên tới hơn 80%.
Theo ông, thời đại công nghiệp hóa, công nghệ hóa và toàn cầu hóa hiện nay, đức tính cần cù chịu thương chịu khó tự nó có đủ làm nên sức mạnh, hay nó phải bổ sung thêm những yêu cầu khác như tri thức, sáng tạo…v.v…thì mới tồn tại được?
TS. Nguyễn Hữu Sở:- Theo tôi, cần cù là điều cần thiết nhưng mà chưa đủ, bởi nó còn cần có tố chất, đó là khả năng tư duy, vì ngoài cần cù con người cần có năng lực của khối óc thì mới có khả năng sáng tạo, nghiên cứu làm vấn đề gì to lớn.
Nếu chỉ có mỗi sự cần cù thì cũng có thể sẽ đạt được sự phát triển, nhưng rất lâu, bởi khả năng tích lũy những kiến thức của loài người thì người có tính cần cù vẫn tích cóp được, nhưng nó không thể giúp nhanh chóng tập hợp lại tất cả những điều đó.
Điều ấy có nghĩa là cái cần cù đó nó không tạo ra một tốc độ phát triển nhanh cho các cán bộ nghiên cứu khoa học.
Vấn đề ở đây, không phải là không biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa ra được những phát minh, mà vấn đề là ở chỗ, cái năng lực của chúng ta đang bị hạn chế.
Mặt khác, cũng do bản thân tố chất không đảm bảo, nên nếu chỉ có cần cù thôi thì chưa giải quyết được năng lực, tạo cho con người khả năng nghiên cứu, phát triển tri thức nhất định. Chính vì thế, việc tạo ra cho mình bước tiến trong việc nghiên cứu, KHKT chưa đảm bảo.
Cần có một quá trình rèn luyện, tích lũy quan trọng nhất là tạo ra năng lực cho mỗi con người.
PV:- Một thực tế hiện nay đang xảy ra, nông dân dù có cần cù chăm chỉ lao động nhưng hiệu quả kinh tế thu được lại quá thấp hoặc lỗ to: đua nhau trồng cao su nhưng khi thu hoạch thì bán không được, giá thành thấp; thu hoạch thanh long, dưa hấu, củ cải, khoai lang… không bán được phải cho bò ăn hoặc bỏ thối tại ruộng. Có nghĩa chúng ta đang rơi vào tình trạng rất cần cù mà không hiệu quả, thậm chí thua lỗ nặng.
Theo ông, đây có phải là minh chứng cho quan điểm “nhiệt tình + ngu dốt = tự hại mình” không và chúng ta phải làm gì để tháo gỡ nút chết này?
TS. Nguyễn Hữu Sở:- Cần cù thì sẽ đem lại năng suất cao, thế nhưng bản thân năng suất cao phải có quy trình chính xác, phải biết thời điểm nào nên đầu tư vào lĩnh vực gì, áp dụng KHKT như nào để có năng suất cao.
Có thể gặp may bán được lúc giá cao, nhưng đó không phải là câu chuyện giữa cần cù và thông minh, chuyện cần cù và thông minh lại là câu chuyện khác. Tôi lấy ví dụ cụ thể, giả dụ như tôi tạo ra được năng suất cao, tôi tích lũy được nhiều sản phẩm có hàm lượng giá trị cao thì tất nhiên tôi sẽ tạo ra được doanh thu cao, chứ không nhất thiết tôi cứ phải cần cù chăm chỉ thì mới có được hàm lượng nhiều, doanh thu cao.
Nhưng đối với nhà hàng thì lại không cần bán số lượng sản phẩm nhiều, nếu ít mà chất lượng tốt hơn sẽ bảo đảm doanh thu cao, câu chuyện này để minh chứng cho việc không phải cứ năng suất cao là có lãi.
Còn thực tế hiện nay, cái cần cù mới chỉ giải quyết mặt số lượng, mặt chất lượng không giải quyết được nhanh, nếu có thì cũng rất chậm, nhưng vấn đề cần thiết ở đây là phải nâng cao chất lượng cùng số lượng, nó mới tạo ra chất lượng của lao động tốt hơn lên được.
Trong trường hợp này, bài toán “nhiệt tình + ngu dốt = tự hại mình”, tôi thấy không hẳn là tự hại mình mà là không có hiệu quả cao. Cần cù nhưng không tạo ra hiệu quả thì sẽ bỏ lỡ cơ hội mình đơn giản chỉ như vậy.
Ví dụ anh phải đảm bảo có kết quả tốt thời gian ngắn, mà anh lại kéo dài ra thì sẽ đánh mất cơ hội, không có sức bật vươn lên. Cứ đặt ra phép so sánh, hai người chạy đua với nhau, 1 người cần cù, 1 người có năng lực cao hơn kết hợp với sự cần cù, tất nhiên sẽ tạo ra kết quả cao hơn, người kia sẽ bị bỏ rơi, có nghĩa tự mình làm hại mình, người chậm hơn sẽ bị thụt lại, điều này quá hiển nhiên!
PV:- Ông suy nghĩ gì khi xã hội thường chỉ nhìn nhận và đánh giá cao đức tính cần cù mà không xét đến hiệu quả thực của sự cần cù ấy? Đó có phải là lực cản của sự phát triển không, thưa ông?
TS. Nguyễn Hữu Sở:- Theo tôi, một xã hội nào cũng đòi hỏi có sự vươn lên, mà nhận thức của con người hay của XH nếu chỉ trông vào sự cần cù thì không đủ.
Vậy thì anh phải kết hợp ra sao để tạo ra chất lượng của năng lực lao động chân tay, trí óc, tất cả đều phải cố gắng, nỗ lực,để tạo hiệu quả tốt, nhưng cái đó phụ thuộc vào năng lực mỗi người.
Hơn thế, hiện nay, nhiều người tự an ủi mình lấy cần cù bù thông minh để bào chữa cho yếu điểm của mình, với tâm lý như thế chấp nhận một hiện thực không cố gắng, không đào sâu suy nghĩ, không có dấu hiệu rèn luyện, nâng cao năng lực, đấy chính là giải pháp tạo ra tâm lý chấp nhận, không cố gắng vươn lên.
Tự như vậy, dần dần sẽ trở thành lực cản cho sự phát triển của chính bản thân mình kèm theo đó là lực cản cho sự phát triển của cả XH.
Đừng quan tâm số lượng, hãy để ý chất lượng
PV:- Tương tự như với người nông dân, đội ngũ công chức cũng bị dư luận đánh giá có tới 30% công chức cắp ô, nghĩa là những người này vẫn đảm bảo giờ giấc, ngày công làm việc đầy đủ, họ mẫn cán, cần cù một cách hình thức trong khi hiệu quả công việc thì hầu như không có. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lên tiếng nhiều lần về công chức như thế nhưng việc cắt giảm biên chế vẫn không có chuyển biến gì.
Nghĩa là chỉ mẫn cán một cách hình thức, không có hiệu quả thực tế…hiện tượng này được coi là chăm chỉ hay lười biếng thưa ông?
TS. Nguyễn Hữu Sở:- Việc công chức hiện nay có biểu hiện như vậy đồng nghĩa với việc tự thỏa mãn với những gì đã có, không có chí tiến thủ và làm cản bước đi của mình.
Sự lười biếng là một trong những biểu hiện đó, có nghĩa tôi không cần cố gắng phấn đấu, hài lòng với sự tín nhiệm, đồng lương công chức là đủ. Nhưng chính cơ chế hiện nay đã tạo ra cho họ tâm lý như vậy.
Tạo ra sự phát triển dần dần theo kiểu chậm tiến, sự gia tăng sản lượng rất ít. Trong khi đòi hỏi bây giờ không phải sự gia tăng về lượng mà cần thay đổi, sự nhảy vọt về chất, mà nó không thể trông mong vào cái tư duy như vậy, theo kiểu chăm chỉ cần cù bù thông minh.
Cần cù theo kiểu 'bèo dạt mây trôi' thì...chán lắm!
Cho nên cái cần cù chỉ là việc nhỏ, ở đây rõ ràng cần có sự phát triển, thay đổi về chất, nó mới tạo ra sự phát triển tịnh tiến, sức mạnh của XH hay cá nhân ai đó.
PV:- Ông có ngạc nhiên khi rất nhiều người lại coi công chức mẫn cán theo kiểu hình thức "cắp ô” như vậy là khôn ngoan, biết sống giữa thời buổi khó khăn này?
TS. Nguyễn Hữu Sở:- Tất nhiên cái đó là sự cần thiết, lựa sống cho phù hợp từng giai đoạn, để thấy sự yếu kém trong quản lý lao động.
Cái kỷ luật lao động nó thể hiện ở chất lượng lao động, cho nên có thời kỳ đầu tiên người ta cần duy trì nề nếp làm việc, sáng cắp ô đi tối cắp ô về, chỉ cần thực hiện đúng cái công việc được giao đầy đủ, không quan tâm đến chất lượng.
Nhưng say này, cần tiến tới quan tâm chất lượng việc đó thực hiện như thế nào, chứ không chỉ có việc anh làm đúng. Nên tôi chả lấy làm ngạc nhiên khi mà nhiều người hiện nay đến cơ quan chỉ để điểm danh, chấm công, mấy ai làm thực sự, hiếm lắm. Thế nên bộ máy công chức thì cứ tăng lên, biên chế tăng, mà hiệu quả có nhìn thấy đâu.
PV:- Từ góc độ một chuyên gia kinh tế, ông lý giải mối quan hệ giữa đức tính cần cù, chịu khó và hiệu quả thực của cái sự cần cù chịu khó ấy, như thế nào? Có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực, văn minh của thế giới được không, thưa ông?
TS. Nguyễn Hữu Sở:- Tôi khẳng định hai yếu tố này có sự liên kết với nhau, thậm chí còn có mối quan hệ chặt chẽ.
Cần cù là một trong những yếu tố quan trọng, một người hoạt động trong lĩnh vực khoa học hoặc một lĩnh vực gì đó có thể đạt được thành quả bằng sự cần cù của mình, nhưng nếu không có tri thức thì sẽ rất lâu.
Thế nhưng cần cù là điều cần thiết quan trọng để giúp họ đạt được những cái chuyển giao của sự phát triển nhưng nó không dựa trên nền tảng của năng lực. Tôi nói rồi mối liên hệ giữa cần cù và năng lực là rất lớn, năng lực rèn luyện tạo ra sự cần cù, cần cù tích lũy sẽ tạo ra năng lực.
Hơn nữa, tôi cho rằng, có thể thay đổi theo chiều phát triển văn minh của thế giới được, vì mỗi bậc thang phát triển nhất định khác nhau thì sẽ phát huy được những năng lực của mỗi bản thân, mỗi con người, mỗi tập thể, của mỗi một xã hội.
Thời gian đầu thì không thể dựa trên cơ sở năng lực mà phải dựa trên con đường cần mẫn, phát triển dần dần theo chiều rộng, còn theo chiều sâu là con đường dựa trên năng lực của mình.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của TS!
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo