Doanh nhân

Người Việt chế tạo tàu ngầm, trực thăng, máy bay không người lái

Từ những sản phẩm nghiệp dư đến công nghệ cao, người Việt đang chứng tỏ khao khát và khả năng sáng tạo.

Tàu ngầm tự chế

Để nhiều người thấy "chế tạo tàu ngầm không khó" và để cho thế hệ trẻ biết "thế hệ trước làm được thì thế hệ sau còn làm được hơn thế", doanh nhân Thái Bình Nguyễn Quốc Hòa đã chế tạo tàu ngầm thành công với công nghệ khí tuần hoàn độc lập (AIP) khiến không ít người sửng sốt.

taungam.jpg

Tàu ngầm Trường Sa mini sắp ra biển lớn để thử nghiệm. Ảnh: Q.Hòa.

Ông Hòa ngày càng cho thấy suy nghĩ của ông là đúng, khi liên tiếp thử nghiệm con tàu lặn nổi trong bể xi măng do ông và đồng nghiệp tự xây và bên ngoài hồ rộng 3 ha. Một hình quốc kỳ được sơn đỏ thắm bên hông cabin, nổi bật trên thân tàu màu đen.

Hiện ông vẫn đang chờ được cấp giấy phép của cơ quan chức năng để mang Trường Sa mini ra biển thử nghiệm.

Trước đó, ở Việt Nam có một số nhóm đã nghiên cứu và chế tạo mô hình tàu ngầm như trường Đại học Nha Trang; Đại học Bách Khoa Hà Nội. Một Việt kiều ở TP HCM cũng đã bắt tay vào thực hiện một chiếc tàu ngầm có người lái và đã thử nghiệm thành công ở hồ bơi, hiện ông đang bắt tay chế tạo con tàu lớn hơn.

Trực thăng mini

maybay.jpg

Anh Thắng bên trong chiếc trực thăng mini. Ảnh: H.Nhung.

Nghĩ người ta làm được thì mình cũng nên thử làm, anh Nguyễn Văn Thắng (43 tuổi, thợ cơ khí ở Long Biên, Hà Nội) bắt tay chế tạo chiếc trực thăng trong ba tháng. Phụ tùng của máy bay đều do anh tự chế hoặc tìm mua. Bánh xe, bộ tỏa nhiệt, bình xăng của máy bay anh lấy từ chiếc ô tô cũ, hai đồng hồ trong buồng lái là của xe máy. 

Trực thăng nặng 185 kg, cao 2m60, rộng 1m55, chiều dài thân và đuôi là 6m80 và chiều dài cánh là 5m50. Với thông số này thì đây là chiếc trực thăng tự chế lớn nhất Việt Nam tính đến nay. Chiếc máy bay của anh Thắng chỉ thử nghiệm thành công trong hai lần đầu, còn lần thứ ba nó mất thăng bằng đã đổ nhào.

Mới đây, công an quận Long Biên đã đến làm việc và yêu cầu anh Thắng cam kết việc làm sản phẩm này chỉ mang tính cá nhân, sáng tạo, kỷ niệm, không mang ra để sử dụng hay mục đích nào khác.

Đây không phải lần đầu tiên người Việt tự chế trực thăng, hai nhân vật khác thu hút sự chú ý của cộng đồng là ông Lê Văn Danh và Trần Quốc Hải (ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh). Hai người này khiến nhiều người thán phục khi liên tiếp tạo ra các sản phẩm.

Năm 2003, họ từng mày mò chế tạo chiếc trực thăng, nhưng đến năm 2004, khi đang thử nghiệm thì bị cơ quan chức năng giữ vì chưa được cấp phép. Không dừng lại ở đó, năm 2006, hai ông tiếp tục tạo ra trực thăng mới. Vật liệu tạo ra đều được hai ông tìm mua ở chợ đồ điện, đồ sắt, hay từ xưởng cơ khí tự chế của ông Hải. Tuy nhiên lần này, Bộ Quốc phòng vào cuộc và đưa ra kết luận chi tiết: "Thiết bị bay có hình dạng chiếc trực thăng” do hai anh Lê Văn Danh và Trần Quốc Hải chế tạo không đủ điều kiện kỹ thuật, không đảm bảo an toàn và không có khả năng nhấc lên khỏi mặt đất. Máy bay được lắp ráp cũng sai nguyên lý điều khiển của máy bay trực thăng. 

Mặc dù vậy, anh Danh vẫn không từ bỏ ý định: “Nhà nước cấm là cấm chiếc máy bay thứ hai. Và chỉ cấm cho bay, không ai cấm nghiên cứu khoa học cả. Việc gì có lợi mà luật không cấm thì chúng tôi cứ làm".

Năm 2012, kỹ sư thương binh Nguyễn Bùi Hiển ở Bình Dương mất 3 năm ròng vừa mày mò, vừa học hỏi và cho ra đời chiếc máy bay trực thăng siêu nhẹ với giá thành 200 triệu đồng. Tuy nhiên đoàn cán bộ kỹ thuật thuộc Sư đoàn Không quân 370 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương đã đến kiểm tra và cho rằng chiếc máy bay của ông Hiển còn thiếu nhiều yếu tố kỹ thuật.

Vệ tinh siêu nhỏ

Vệ tinh siêu nhỏ của Việt Nam. Ảnh: VNSC

Vệ tinh siêu nhỏ của Việt Nam. Ảnh: VNSC.

Tháng 3 năm nay, PicoDragon đã bốc cháy khi rơi vào tầng khí quyển của Trái đất, đánh dấu thành công bước đầu trong lộ trình phát triển vệ tinh của Việt Nam.

Đây cũng là vệ tinh siêu nhỏ đầu tiên do Việt nam chế tạo, cụ thể là do nhóm nhà khoa học thuộc Trung tâm Vệ tinh quốc gia (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). PicoDragon vào vũ trụ vào tháng 8 năm ngoái nhờ tàu vận tải HTV4 được phóng lên từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima (Nhật Bản). Giữa tháng 12/2013, vệ tinh được phóng ra từ Trạm vụ trụ quốc tế. Trong hơn ba tháng hoạt động trên quỹ đạo, vệ tinh tương đối ổn định và liên tục phát tín hiệu quảng bá "PicoDragon VietNam" đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới. Thành công này sẽ tạo bước đệm để Việt Nam có thể phát triển ngành công nghệ vũ trụ.

Máy bay không người lái

maybay1-6356-1396930383.jpg

Hình ảnh máy bay trong đợt thử nghiệm ở Nha Trang. Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp.

Tháng 5/2013, Việt Nam cho ra mắt máy bay không người lái. Máy bay được thử nghiệm ở Hòa Lạc (Hà Nội), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng) cho kết quả khả quan khi chụp được những bức ảnh mặt đất rõ nét. Máy bay không người lái là kết quả của đề tài "Nghiên cứu chế tạo tổ hợp máy bay không người lái phục vụ nghiên cứu khoa học" do Liên hiệp Khoa học sản xuất công nghệ cao Viễn thông-Tin học (HTI), thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam thực hiện.

Sản phẩm của đề tài tạo ra là 5 mẫu máy bay không người lái có các thông số kỹ thuật và tính năng khác nhau. Trong đó loại lớn nhất có thể bay với bán kính 100 km, trần bay là 3.000 m, tốc độ tối đa là 180 km/h, thời gian hoạt động trên không 6 giờ và có thể bay cả ban ngày và ban đêm.

Cũng trong năm 2012, Quân chủng Phòng không-Không quân đã thành công trong việc nghiên cứu, chế tạo máy bay không người lái tham gia mục đích quân sự.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo