Ngưỡng mộ người phụ nữ khiếm thị thông thạo hai ngoại ngữ
Vượt qua số phận nghiệt ngã
Nhìn Đỗ Thúy Hà – Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa, Hà Nội - tự tin làm việc với máy tính, khó có thể nghĩ số phận đã cướp đi ánh sáng của người phụ nữ này hơn 20 năm qua.
Chị Đỗ Thúy Hà - Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa (bên phải).
Thúy Hà kể, khi được sinh ra, chị vẫn có thị lực bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến năm lên 6 tuổi, bỗng nhiên mắt chị cứ mờ dần, như có một lớp sương mù phủ trước mặt. Bố mẹ chị đưa con gái đi chữa trị khắp nơi, nhưng vẫn nhận được một kết quả lạnh lùng: Hà bị thoái hóa võng mạc và sẽ mất dần thị lực trong vòng vài năm.
Bàn làm việc của chị Hà luôn ngăn nắp, đồ đạc phải được sắp xếp đúng vị trí.
Trong không gian quen thuộc, chị hoàn toàn có thể đi lại, làm việc như người sáng mắt.
Cô bé Thúy Hà sốc khi thấy mắt mình cứ mờ dần, đi lại trong nhà cũng vấp ngã, khóc đòi bố mẹ đưa đến trường. Vừa làm quen với mặt chữ cái ít lâu, mắt yếu quá, không theo kịp các bạn, Hà phải nghỉ học, nhưng vẫn không muốn rời con chữ. Thương cháu, ông nội Hà đã dùng bút dạ viết những chữ to ra giấy để Hà sờ vào đó mà đọc. Năm 9 tuổi, mắt Hà gần như mất thị lực. Đó là khi cô bắt đầu bước vào thế giới không ánh sáng và trở thành học sinh của trường Nguyễn Đình Chiểu.
Chị đã làm quen với thế giới không ánh sáng hơn 20 năm.
15 tuổi, đúng ở cái trăng tròn tươi đẹp, hồn nhiên nhất, chị chính thức mất hẳn thị lực. Chị kể, “những ngày đầu tiên đối diện với bóng tối, dù đã chuẩn bị trước tâm lý nhưng tôi vẫn không khỏi sốc, luôn trong trạng thái hoang mang, lo sợ”, nhưng rồi lại vững tâm, quyết không để mình trở thành gánh nặng cho gia đình.
Những năm học ở trường cấp 2 và cấp 3 Nguyễn Đình Chiểu, chị luôn là học sinh xuất sắc và đặc biệt yêu thích môn tiếng Anh. Nhờ bạn bè người thân đánh vần để chép bài, rồi thường xuyên nghe băng, tập nói tiếng Anh, chị luôn dành điểm cao trong môn học này. Năm 2000, Thúy Hà là học sinh khiếm thị duy nhất được tham gia cuộc thi Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc do UNESCO tổ chức và giành giải 3.
Chiếc máy tính có phần mềm đặc biệt ...
... và máy in chữ nổi là "bạn thân" của chị.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, chị muốn trở thành giáo viên tiếng Anh, muốn thi vào Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, nhưng khi đó trường chưa tuyển sinh viên khiếm thị nên Hà đành chuyển hướng thi vào khoa tiếng Anh của Đại học Mở Hà Nội và đã trở thành một trong những sinh viên xuất sắc của khoa này.
Tôi muốn chứng minh: người khiếm thị có thể làm được tất cả
Không chỉ thông thạo tiếng Anh, Đỗ Thúy Hà còn rất siêu tiếng Nhật. Năm 2005, một năm sau khi trở thành sinh viên trường Đại học Mở, chị biết đến học bổng du học miễn phí của Nhật Bản về kỹ năng lãnh đạo dành cho những người khuyết tật của châu Á - Thái Bình Dương. Vượt qua gần 400 hồ sơ dự thi, chị lọt vào danh sách 30 người được dự vòng phỏng vấn.
Thúy Hà sử dụng thành thạo cả tiếng Anh và tiếng Nhật.
Ngoài khả năng tiếng Anh xuất sắc, thí sinh được phỏng vấn phải có tư duy, lý luận sắc sảo, nhạy bén để trả lời, xử lý trực tiếp những tình huống khó khăn mà giám khảo đưa ra. Khi được phỏng vấn trực tiếp, Thúy Hà đã chinh phục ban giám khảo bởi sự thông minh, sắc sảo, ý chí nghị lực và trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia lớp học này.
Những ngày du học Nhật Bản, một mình nơi đất khách quê người với bao khó khăn, chị vẫn tự mình chăm sóc bản thân, tự nấu cơm, giặt giũ, thậm chí còn từ chối hỗ trợ đưa đón đến trường bằng ô tô của tổ chức trao học bổng. Mỗi ngày, một mình với cây gậy dò đường, chị đi hai chặng tàu điện ngầm để đến trường. Không ít lần lạc đường, chị dùng vốn ngôn ngữ tiếng Nhật ít ỏi và tiếng Anh của mình để hỏi đường người dân, tự đi tàu điện ngầm về ký túc xá chứ không chịu lên xe để người khác đưa về.
Cười xòa, chị bảo: “Tôi muốn chứng minh, người khiếm thị có thể làm mọi điều mà người sáng mắt làm được. Ngoài việc học, tôi và các học viên khuyết tật khác phải tự đi chợ, mua sắm các đồ dùng cho sinh hoạt cá nhân, họ làm được, tôi cũng làm được! Hơn nữa, tự chăm sóc mình, tự đi lại, đó cũng là cách để tôi làm quen với sinh hoạt, đường sá, giao thông của Nhật cũng như trau dồi ngôn ngữ, khả năng giao tiếp với thế giới bên ngoài”.
Sự tự tin và sức sống mãnh liệt luôn thường trực trong người phụ nữ này.
Thúy Hà cũng chia sẻ, những năm tháng xa nhà, điều khiến chị suy nghĩ nhiều nhất là nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, quê hương. Đó cũng chính là động lực để chị cố gắng học tập và hoàn thành tốt khóa học. Để nhận được chứng nhận tốt nghiệp, mỗi học viên phải chọn một chủ đề để viết dự án, định hướng tương lai và trả bài đúng thời hạn qua phần mềm vi tính tiếng Anh và tiếng Nhật. Với những kỹ năng được rèn luyện qua thực tiễn cuộc sống, Thúy Hà đã có một đề án xuất sắc và trở về trong niềm tự hào của gia đình.
Sử dụng ngôn ngữ riêng - chữ nổi - không phải là rào cản ngăn chị đến với thế giới, ngược lại, còn khiến chị giúp đỡ được nhiều người.
Từ Nhật Bản trở về, Thúy Hà làm việc tại Hội người mù quận Đống Đa. Trong vai trò Chủ tịch, bản thân là một người khiếm thị, hơn ai hết, chị hiểu những khó khăn, thiệt thòi mà người khiếm thị gặp phải. Có một điều mà chị cứ nhắc đi nhắc lại với chúng tôi: “Đừng bao giờ nhìn người khuyết tật bằng ánh mắt thương hại. Họ không cần ai thương hại cả. Cái họ cần là được giúp đỡ, hỗ trợ một cách bình đẳng, được những điều kiện sinh hoạt, học tập, vui chơi, làm việc như người bình thường”.
Chị khẳng định: những người khiếm thị nói riêng, khuyết tật nói chung không phải là gánh nặng cho xã hội, ngược lại, họ có thể cống hiến sức lực và trí tuệ như những người bình thường.
Thúy Hà chính là minh chứng sống mạnh mẽ cho triết lý sống của chị. Không chỉ học giỏi, làm công tác tốt, ngoài việc ở cơ quan, chị còn là giáo viên tình nguyện dạy tiếng Việt cho người Nhật và tham gia biên tập lại sách, truyện chữ nổi của những người Nhật đã viết và tặng riêng cho trẻ em khiếm thị ở Việt Nam.
Hiện tại, chị còn đang làm từ điển tiếng Nhật phiên bản chữ nổi dành cho người khiếm thị Nhật Bản – đất nước mà chị có một thời gian gắn bó.
Bản thảo các bản dịch sách, truyện cũng như từ điển chữ nổi chị Thúy Hà đang soạn ...
... vừa như sự tự khẳng định, vừa là lời tri ân chị dành cho cuộc đời.
Cảm phục vẻ đẹp tâm hồn, sự mạnh mẽ và tài năng của cô gái khiếm thị Đỗ Thúy Hà, anh Đỗ Ngọc Anh – một người công tác trong ngành bưu điện – đã theo đuổi, yêu thương, bất chấp khiếm khuyết của chị. Năm 2011, chàng trai sáng mắt, sáng lòng ấy đã ngỏ lời và trở thành chỗ dựa tinh thần của Thúy Hà. Mỗi ngày, anh đều đưa đón chị đi làm và cùng chị chia sẻ công việc nhà.
Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ viên mãn hơn khi chị Thúy Hà hạ sinh đứa con đầu lòng – một bé trai bụ bẫm, đáng yêu với đôi mắt trong veo. Lạ là chị kiên quyết từ chối lời đề nghị thuê người giúp việc của chồng để tự tay nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc chồng con. Với chị, được tận tay chăm sóc mái ấm của mình là niềm hạnh phúc mà người bất cứ người phụ nữ nào có được và chị không muốn san sẻ sự bận rộn của hạnh phúc đó cho ai.
Năm 2013, Thúy Hà là 1 trong 14 phụ nữ vinh dự nhận giải Tấm gương phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”
Gần 20 năm nay, không còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời nhưng niềm tin, ý chí nghị lực trong tâm hồn người phụ nữ này dường như chưa bao giờ vơi cạn. Căn bệnh quái ác đã lấy đi nguồn sáng trong đôi mắt người phụ nữ có gương mặt dịu hiền ấy, nhưng chị tìm được nguồn sáng khác trong đời và thắp sáng ước mơ, khát vọng của bao người cùng cảnh ngộ. Nguồn sống trong Đỗ Thúy Hà dường như vô tận.
Chị là minh chứng sống cho thấy người khuyết tật có thể cống hiến sức lực và trí tuệ như những người bình thường.
Chị bảo, “nếu luôn thấy được niềm hạnh phúc ngay trong những gì mình đang có, chúng ta sẽ luôn thấy hạnh phúc”. Thành công vậy, nhưng Thúy Hà vẫn chưa chịu bằng lòng với mình, chị cho hay, khi nào sắp xếp được thời gian và công việc, chị sẽ đi học cao học để nâng cao trình độ và để giúp đỡ được nhiều người hơn nữa.
Profile nhân vật: Đỗ Thúy Hà (1982) |
End of content
Không có tin nào tiếp theo