Doanh nhân

Ngụy biện của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông: Tham vọng bá chủ

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã đưa ra những quan điểm và luận cứ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông trái với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế và trái với những quy định cơ bản của Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS).

 

Bài viết nghiên cứu của Đại úy, tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh, Phòng khoa học quân sự (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) sẽ góp phần làm rõ hơn vấn đề này, nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tính phi lý về yêu sách chủ quyền 

Nhằm khẳng định chủ quyền sai trái của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam, ngày 7/5/2009, cùng với công hàm gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc phản đối việc Việt Nam nộp Báo cáo về Ranh giới ngoài thềm lục địa của mình cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc theo quy định của Công ước Luật biển 1982, Trung Quốc đã gửi kèm một sơ đồ trên đó thể hiện “đường đứt khúc 9 đoạn”  của mình trên Biển Đông. Trong công hàm Trung Quốc đã nêu quan điểm “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) và các vùng nước kế cận, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất đáy biển ở đó.”

Ngày 8/5/2009, phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã có Công hàm số 86/HC-2009 gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc nhằm bác bỏ công hàm và sơ đồ của Trung Quốc. Qua những chứng cứ lịch sử về xác lập chủ quyền, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và coi “đường đứt khúc 9 đoạn” của Trung Quốc thể hiện trên sơ đồ là không có giá trị vì không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn.

Với lập luận “đường đứt khúc 9 đoạn” Trung Quốc đã thể hiện yêu sách của mình đối với 80% diện tích của Biển Đông, được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ven Biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines. Đường yêu sách này ban đầu có 11 đoạn, do chính quyền Trung Quốc (Quốc dân đảng) vẽ ra vào năm 1947 và sau đó được CHND Trung Hoa tiếp tục sử dụng nhưng có sửa đổi, đó là Trung Quốc đã bỏ bớt 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ nên chỉ còn lại 9 đoạn.

Công hàm ngày 7/5/2009, là văn bản đầu tiên trong hơn 60 năm qua, thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc về ý nghĩa pháp lý quốc tế của “đường đứt khúc 9 đoạn”  và cũng là lần đầu tiên mà Trung Quốc chính thức công bố sơ đồ đường yêu sách này với thế giới. 

Trước đó, mặc dù đường yêu sách này đã được thể hiện nhiều lần trên bản đồ Trung Quốc, nhưng CHND Trung Hoa chưa bao giờ có một tuyên bố chính thức nào về ý nghĩa pháp lý quốc tế cũng như quốc gia của đường đứt đoạn này. Thậm chí trong quá trình hoạch định những văn bản pháp lý quan trọng của CHND Trung Hoa về các vùng biển như Tuyên bố về Lãnh hải 1958, về Lãnh hải và vùng tiếp giáp 1992, về Đường cơ sở 1996 và về vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 1998..., thì đường yêu sách này cũng không hề được đề cập đến.


Yêu sách chủ quyền trong “đường đứt khúc 9 đoạn” đã được Trung Quốc thể hiện trong sơ đồ đính kèm công hàm ngày 7/5/2009, không thể khẳng định Trung Quốc có quyền chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển nằm phía trong đường này theo quy chế của Vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Công ước Luật biển 1982. Bởi vì, bản chất tiến bộ của Công ước Luật biển 1982 là sự công nhận và mở rộng quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển được bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên gắn liền với lãnh thổ của mình trong giới hạn 200 hải lý (1 hải lý = 1852 m). Một con đường không rõ ràng nằm cách xa lục địa của Trung Quốc hàng ngàn cây số không thể đáp ứng quy định của Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc.

Xét về mặt nhà nước xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì duy nhất chỉ có Nhà nước Việt Nam là có đầy đủ chứng cứ và phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế về xác lập chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ. 

Với những cơ sở pháp lý được thể hiện qua các phương diện như sử học, khảo cổ học, luật pháp và văn hoá biển đã chứng minh vào nửa đầu thế kỷ XVII khi Nhà nước Việt Nam đã thiết lập chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì chưa có bất kỳ một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào trong khu vực và trên thế giới xác lập chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo đó. Việc các Chúa Nguyễn thực thi chủ quyền về mặt nhà nước được thể hiện rõ nét qua các sự kiện quan trọng như tổ chức “Đội Hoàng Sa,” “Đội Bắc Hải”...

Các hoạt động của Chúa Nguyễn, Triều đại Tây Sơn đến Triều đình Nhà Nguyễn và các thể chế nhà nước tiếp theo tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được lưu lại trong rất nhiều tài liệu lịch sử của các sử quan và sử gia đương thời cũng như các bộ chính sử của Nhà nước Việt Nam tiêu biểu như “Toản tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ đồ thư” của Đỗ Bá tự Công Đạo (1686), “Phủ Biên tạp lục” của nhà bác học Lê Quý Đôn (1776), Đại Việt sử ký toàn thư (1697)... và những ghi chép của nhiều học giả nước ngoài như “Hải ngoại ký sự” Thích Đại Sán....

Điều đó cho thấy, việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là về mặt nhà nước, chứ không phải là hành động sử dụng vũ lực để tiến hành sự xâm lăng, chiếm cứ hay phát hiện của một cá nhân. Điều này hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế về khẳng định chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ của quốc gia. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực có được cơ sở pháp lý quốc tế có lợi thế tuyệt đối này để vận dụng vào trong quá trình đàm phán quốc tế về phân định biển đối với các quốc gia liên quan trong khu vực.

Xâm chiếm biển đảo không có giá trị pháp lý về xác lập chủ quyền

Thực tiễn quốc tế đã xây dựng nên các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế để xác lập hay xác định chủ quyền quốc gia đối với một vùng lãnh thổ vô chủ hay một vùng lãnh thổ bị bỏ rơi. Một trong những tiêu chuẩn pháp lý quan trọng được thừa nhận là sự chiếm hữu thật sự liên tục và hoà bình của nhà nước đối với một vùng lãnh thổ và nhà nước đó phải ban hành chính sách để quản lý hành chính vùng lãnh thổ đó mà không có bất kỳ một quốc gia nào phản đối. Luật pháp quốc tế coi tiêu chuẩn này là một trong những bằng chứng xác nhận chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đã chiếm hữu. Chiếm hữu thật sự là việc nhà nước chiếm hữu và thiết lập quyền lực của mình một cách hoà bình không có bất kỳ quốc gia nào phản đối đối với một vùng lãnh thổ. Nhà nước phải thực hiện chính sách thực sự liên tục và hoà bình quyền lực nhà nước ở lãnh thổ chiếm hữu thật sự.

Xét về khía cạnh này, Nhà nước Việt Nam là quốc gia duy nhất có những chứng cứ lịch sử quan trọng để xác định và khẳng định chủ quyền. Bởi vì, từ thế kỷ XVII, nhà Nguyễn đã thành lập các đội “Hoàng Sa” và tiếp đến là đội “Bắc Hải” để quản lý và khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng không có bất kỳ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào trong khu vực và trên thế giới phản đối. Lập luận của Trung Quốc dựa trên yêu sách “đường đứt khúc 9 đoạn” là những lập luận sai lầm nghiêm trọng và sẽ tạo nên những tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế, bởi vì lập luận đó không có cơ sở pháp lý, vô giá trị và không phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế  hiện đại và những quy định cơ bản của UNCLOS. Bên cạnh đó, luật pháp quốc tế cũng không có nội dung nào quy định chủ quyền đối với đảo nằm trên vùng đặc quyền kinh tế như Trung Quốc lập luận. 

Việc Trung Quốc cho rằng có chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa bởi người Trung Quốc là dân tộc đầu tiên khám phá ra hai quần đảo này cũng hoàn toàn sai lầm, bởi vì UNCLOS quy định rất rõ: Việc khám phá chỉ dẫn tới thụ đắc chủ quyền nếu nó đi đôi với hành động của nhà nước để khẳng định chủ quyền.

Như vậy, cơ sở của việc khẳng định chủ quyền chính là hành động của nhà nước để khẳng định và duy trì chủ quyền, chứ không thuộc về cá nhân phát hiện hay hành động dùng vũ lực xâm chiếm. Đấy là chưa kể, không có chứng cứ cho thấy người Trung Quốc khám phá ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước người Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh một sự thật hiển nhiên khi Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng nhóm An Vĩnh thuộc quần đảo Hoàng Sa từ năm 1956 và đã chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Nhà nước Việt Nam vào năm 1974, tiếp đến dùng vũ lực đánh chiếm một số đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988. Đây là những hành động xâm lăng đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Nhà nước Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và không được cộng đồng quốc tế và khu vực thừa nhận.

Có thể thấy, thực tiễn phát triển của luật pháp quốc tế hiện đại đã không công nhận việc thụ đắc chủ quyền bằng cách chinh phục hay dùng vũ lực xâm lược lãnh thổ của quốc gia khác. Nghị quyết số 2625 ngày 24/10/1974 của Đại hội đồng Liên hợp quốc Tuyên bố về Những nguyên tắc của công pháp quốc tế về quan hệ và cộng tác giữa các nước theo Hiến chương Liên hợp quốc đã quy định: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm đóng quân sự sau khi sử dụng vũ lực trái với các điều khoản của Hiến chương liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự thụ đắc bởi một quốc gia khác tiếp sau việc sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Không một sự thụ đắc lãnh thổ nào bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ được công nhận là hợp pháp”.

Biển Đông có vị trí quan trọng đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực trên các phương diện kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, chính vì vậy, Biển Đông cần được các quốc gia ASEAN và Trung Quốc sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC) để quản lý những nguy cơ xung đột. Từ năm 2002 đến năm 2013, các nước ASEAN và Trung Quốc đã có nhiều cố gắng để duy trì hòa bình, ổn định và phát triển hợp tác quốc tế trong khu vực Biển Đông. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc Trung Quốc công khai đưa ra “yêu sách về đường đứt đoạn” và cụ thể hóa nó đã làm cho tình hình trong khu vực Biển Đông càng thêm phức tạp và căng thẳng, điều đó đã đi ngược lại xu thế và nỗ lực của các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình, ổn định lâu dài cho những tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực Biển Đông. 

Các vấn đề trên Biển Đông cần được các nước trong khu vực, trên tinh thần tôn trọng chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, tìm ra một giải pháp công bằng mà các bên có thể chấp nhận được./.

Đại úy, tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh, Phòng khoa học quân sự (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo