Doanh nhân

Nguyễn Thị Nga - Nữ doanh nhân bí ẩn, nữ đại gia "tiêu" tiền tỷ đô

Doanh nhân Nguyễn Thị Nga sinh năm 1955, là người Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Bà đã học qua nhiều lớp kinh tế ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc và là người Việt Nam đầu tiên được mời học ở George Town (Mỹ). Nói đến cái tên này, hình ảnh đầu tiên người ta nghĩ tới là bà chủ Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), tuy nhiên, tập đoàn BRG mới thực sự là dấu ấn lớn mà bà Nga đã gây dựng... Kinh qua vị trí lãnh đạo cao cấp ở 2 ngân hàng, sở hữu hàng loạt dự án bất động sản "khủng" nhưng nữ đại gia Nguyễn Thị Nga vẫn là nữ doanh nhân quyền lực nhưng bí ẩn với hầu hết mọi người...

Nữ đại gia quyền lực

Sinh năm 1955, là người Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Bà Nga đã học qua nhiều lớp kinh tế ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Ú́c và là người Việt Nam đầu tiên được mời học ở George Town (Mỹ), do quỹ tài trợ của bà Hillary Clinton, phu nhân cựu Tổng thống Bill Clinton, dành riêng cho các nhà lãnh đạo tập đoàn kinh tế. Chồng bà là Tiến sĩ, được mời ở lại làm việc tại Đức, nhưng ông bà đã quyết định trở về Việt Nam.

Năm 2000, bà Nga trở thành cổ đông của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và hai năm sau được bầu giữ̃ chức vụ phó chủ tịch ngân hàng này. Năm 2005, bà thay thế ông Lê Kiên Thành, trở thành Chủ tịch trong khoảng thời gian trống giữa hai nhiệm kỳ.

Khi Đại hội cổ đông của Techcombank họp vào tháng 8/2006 bầu Hội đồng quản trị mới, bà Nga quay trở lại giữ chức vụ cũ, nhưng đến năm 2007, bà rời Techcombank, trở thành lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank).

Doanh nhân bí ẩn Nguyễn Thị Nga

Bà Nguyễn Thị Nga rời Techcombank, trở thành lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank).

 

Tập đoàn BRG mà bà Nguyễn Thị Nga hiện làm Chủ tịch có 13 công ty thành viên cùng hàng chục dự án.

Thực tế, ngoài SeABank, Công ty chứng khoán Đông Nam Á (SeASecurities), Sân golf quốc tế Đảo Vua (Kings’ Island Golf Course), Khu nghỉ dưỡng ven biển và sân golf quốc tế Đồ Sơn (Doson Seaside Golf Resort), Khu vui chơi giải trí thể thao và sân golf quốc tế Legend Hill (Legend Hill Golf Resort), Khách sạn Hilton Hanoi Opera, Khách sạn Hilton Garden Inn, Khách sạn Sông Nhuệ... cũng nằm trong danh sách những công ty thành viên của tập đoàn này.

Ngoài ra, Tòa nhà văn phòng cao cấp Oriental Tower, Khu căn hộ Oriental Palace, Showroom Honda Ôtô Tây Hồ, Honda Ôtô Hải Phòng, Dự án Thung lũng Nữ hoàng và còn loạt dự án đang và sẽ triển khai như Oriental Garden, Oriental Plaza, Oriental Sun, Oriental Pearl, Oriental West Lake… dưới sự lãnh đạo của bà Nguyễn Thị Nga.

Tháng 8/2008, 2 năm sau khi bà Nga về SeAbank, ngân hàng này đã có cổ đông nước ngoài đầu tiên. 15% cổ phần SeABank được chuyển nhượng, còn đối tác Société Générale có khoản đầu tư vào ngân hàng bán lẻ đầu tiên tại châu Á.

Năm 2009, trong đại hội cổ đông đầu tiên của công ty Cổ phần Intimex, bà Nga bất ngờ xuất hiện như là đại diện nhóm cổ đông lớn sở hữu 46,05% vốn điều lệ của công ty này. Trong kỳ đại hội đầu tiên sau 30 năm hoạt động của Intimex, bà đã "chiến đấu" thành công để nắm giữ chức vụ Chủ tịch một công ty có bề dày với nhiều đất động sản mà đáng chú ý nhất là mảnh đất trên đường Lê Thái Tổ nhìn ra Hồ Gươm.

Đến năm 2010, SeABank có vốn điều lệ hơn 5.335 tỷ đồng. Còn theo báo cáo tài chính ngay sau cổ phần hóa của Intimex, doanh nghiệp này có số vốn lên tới 250 tỷ đồng.

Năm 2012, Tập đoàn Tập đoàn BRG mà người đứng đầu là doanh nhân Nguyễn Thị Nga đã mua lại khách sạn Hilton Opera - một khách sạn có vị trí hiếm có ở Hà Nội từ tay các ông chủ Đức và Áo. Mọi việc diễn ra êm thấm và đa số mọi người chỉ biết đến thương vụ này khi đã xong việc.

Chủ sở hữu thực sự của khách sạn Hilton thứ hai này là công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hoàn Kiếm. Đây là công ty kết hợp của Tổng cục Du lịch Hà Nội (Hanoi tourist) và công ty thương mại Ngân Anh. Ngân Anh là công ty con của Tập đoàn BRG.

Tuy hai khách sạn Hilton cùng một chủ đầu tư nhưng lại có cơ cấu tài chính cũng như mục tiêu khách hàng hoàn toàn khác nhau. Nếu như khách hàng mà Hilton Opera hướng tới là nhóm khách du lịch hạng sang, người có điều kiện về tài chính, thì mục tiêu của Hilton Garden chỉ là khách đi công tác, du lịch... có mức thu nhập và công tác phí vừa phải.

Mới đây nhất, công ty của bà Nga tiếp tục mua lại 30% cổ phần khách sạn Thắng Lợi, Nghi Tàm, Hồ Tây, Hà Nội

Kinh qua vị trí lãnh đạo 2 ngân hàng, sở hữu hàng loạt dự án "hàng khủng" nhưng bà Nguyễn Thị Nga vẫn là nữ doanh nhân bí ẩn với hầu hết mọi người khi các vụ chuyển nhượng đình đám có sự góp mặt của công ty bà đều diễn ra âm thầm. Giới doanh nhân chỉ thấy bóng dáng của bà trong những sự kiện liên quan đến các dự án sân golf tiêu chuẩn thế giới, trong vụ mua lại khách sạn 5 sao Hilton Hà Nội, trong chức vụ Chủ tịch HĐQT của SeABank và trước đây là Techcombank, nhưng bà giữ bao nhiêu vốn, thâu tóm bằng cách nào, tài sản ước tính ra sao thì vẫn còn là câu hỏi.

Tập đoàn BRG thâu tóm nhiều dự án bất động sản "khủng" trong cả nước. Tính đến tháng 6 năm 2015, tập đoàn BRG có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng.

Doanh nhân tiêu tiền tỷ đô

Tính đến tháng 6 năm 2015, tập đoàn BRG có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Nga từng được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 3 nữ doanh nhân Việt Nam quyền lực nhất châu Á, một trong những doanh nhân giàu có nhất Việt Nam, nhờ cổ phần lớn trong ngành ngân hàng, bất động sản và kinh doanh bán lẻ. Từng có chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu công khai tài sản và cổ phiếu, có thể nữ đại gia Nguyễn Thị Nga sẽ là tỷ phú đôla thứ 2 của Việt Nam, sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng (tập đoàn Vingroup). Bên cạnh khối tài sản bất động sản "khổng lồ", bà chủ tập đoàn BRG kinh doanh thành công ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngân hàng và bán lẻ.

Chi tỷ đô trong năm 2015

Tin tức trên VTC News, trong nhiều năm trở lại đây, người phụ nữ giàu nhất Việt Nam đã có tầm ảnh hưởng lớn tại Việt Nam. Nhưng trong năm 2015, tầm ảnh hưởng này được khẳng định rõ nét hơn khi BRG thực hiện hàng loạt thương vụ thâu tóm đình đám.

Forbes Việt Nam đánh giá bà Nga là một trong những phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2015

Sau 6 năm “chỉ” nắm giữ 11,59% Intimex Việt Nam, tới 2015, bà Nga đã thực hiện thương vụ thâu tóm đình đám khi mua thêm 34,3% vốn, nâng tổng số vốn tại Intimex Việt Nam lên 45,89%. Với tỷ lệ nắm giữ vốn như vậy, bà Nga chính thức là bà chủ của Intimex Việt Nam – đơn vị sở hữu “mảnh đất vàng” ở Hà Nội.

Trước đó, Công ty TNHH Thung lũng Vua - thành viên của Tập đoàn BRG trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 27% vốn Thăng Long GTC. Thăng Long GTC nắm giữ cổ phần lớn ở một loạt khách sạn như Pan Horizon Hotel, InterContinental Hanoi Westlake, Hilton Hanoi Opera Hotel.

Cuối năm 2015, lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Khách sạn Du lịch Thắng Lợi đã xác nhận trên báo chí về việc Tập đoàn BRG góp vốn vào khách sạn này. Đi kèm với đó là khách sạn Thắng Lợi đổi thành dự án Hilton Hanoi Westlake.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch tập đoàn BRG được giới thiệu là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Khách sạn Thắng Lợi, cho biết Hồ Tây là vị trí ưu việt nhất cho một tổ hợp khách sạn đẳng cấp, và việc ký kết với Hilton Worldwide sẽ góp phần thay đổi diện mạo, tạo lập các tiện nghi và dịch vụ cao cấp, thu hút các hội nghị quan trọng trong và ngoài nước.

Cũng trong năm 2015, BRG thâu tóm Công ty TNHH MTV Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (OSC Việt Nam) trong đợt IPO của công ty này tới đây. Theo đó, sau IPO cổ đông chiến lược nắm giữ tới 43% OSC Việt Nam chính là Tập đoàn BRG.

Thế nhưng, các thương vụ khủng này chưa phải tiếng vang lớn nhất của bà Nga. Trong năm 2015, bà Nga gây chú ý khi Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và hai đối tác là Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn BRG của bà Nga đã thành lập Công ty cổ phần tháp truyền hình Việt Nam để xây dựng tòa tháp 636m cao nhất thế giới tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) với tổng mức đầu tư 900 triệu USD.

Dự án được xây dựng trên khu đất diện tích hơn 14ha tại Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây thành phố Hà Nội . Dự kiến khi hoàn thành, tháp truyền hình của Việt Nam xây dựng tại Hà Nội sẽ có chiều cao 636m, cao hơn 2m so với tháp truyền hình đang giữ kỷ lục cao nhất thế giới hiện nay là Tokyo Skytree được xây dựng vào năm 2011 với chiều cao 634m.

Dự án bao gồm khối tháp (cao 636m) và khối đế tháp, ngoài ra có khối phụ trợ bao gồm cả các chung cư, văn phòng, khách sạn, khu dịch vụ , vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện.

Đại diện của VTV cho biết, tháp truy​ền hình sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trong 6 năm, trong đó thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư hơn 2 năm và sẽ hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2021.

Theo thiết kế, đây là công trình vĩnh cửu, có tuổi thọ hàng trăm năm và với tính toán sơ bộ của đơn vị tư vấn, thời gian hoàn vốn cho tổ hợp dự án tháp truyền hình khoảng 15 năm kể từ ngày đưa vào vận hành khai thác.

Theo trang great-tower.com, chi phí để xây mỗi 1m của Tokyo Skytree, tháp truyền hình cao và đắt nhất thế giới hiện tại là 1,29 triệu USD, chỉ bằng khoảng một nửa so với con số dự tính xây tháp truyền hình cao nhất thế giới tại Việt Nam (2,35 triệu USD).

Như vậy, tòa tháp truyền hình sắp được xây không chỉ có danh hiệu cao nhất, mà sẽ có thêm danh hiệu đắt nhất thế giới.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo