Doanh nhân

Nhà đầu tư EU đang nóng lòng chờ đợi Việt Nam

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến chính thức có hiệu lực vào năm 2018. Nhà đầu tư đang chờ đợi xem liệu Việt Nam sẽ làm gì để chuẩn bị thu hút đầu tư trong 2 năm tới

Đó là thông tin được Đại sứ - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam – ông Bruno Angelet đưa ra trong buổi gặp gỡ báo chí về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU: Cơ hội bình đẳng cho hai nền kinh tế vừa diễn ra.

Hiện EU đang là đối tác thương mại, cũng là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. EU chiếm tới 20% lượng hàng hóa xuất khẩu tại Việt Nam, trong đó các sản phẩm nổi bật là điện tử, điện thoại chiếm tỷ trọng lớn tới 30% sang EU.

Ngoài ra, EU còn là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam khi từ vị trí thứ 6 năm 2014, EU đã vươn lên vị trí thứ 3 về đầu tư tại Việt Nam, theo thông tin mà Trưởng phái đoàn đại diện EU tại Việt Nam đưa ra.

Đại diện phía EU

Đại sứ Trưởng phái đoàn đại diện EU tại Việt Nam

“Chúng ta đã đưa con số phát triển toàn diện về cả thương mại, đầu tư,phát triển công. Các đối tác khác khó so sánh được mức độ gần gũi về hợp tác và đầu tư giữa EU với Việt Nam” – ông Bruno Angelet nói.

Theo đó, cùng với việc FTA Việt Nam – EU vừa được hoàn tất việc đàm phán, ông Bruno Angelet chỉ ra ba nội dung quan trọng đáng chú ý:

Trước hết là về thương mại: ông Bruno Angelet cho biết nội dung quan trọng nhất là việc Cao Ủy thương mại bà Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng ký kết và tuyên bố kết thúc đàm phán, trao đổi để thực thi Hiệp định.

“Hai bên đã chuẩn bị nguồn lực để chuẩn bị thực thi có hiệu quả. Theo đó, hai bên cũng sẽ có những bước tiếp theo để quá trình chuẩn bị được hoàn thành tốt”

Nội dung thứ hai liên quan đến cải cách tư pháp và pháp lý. Trưởng phái đoàn đại diện EU tại Việt Nam cũng đánh giá cao Việt Nam khi có nhiều tiến bộ như thông qua các Bộ Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, dân sự, Luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp… Tuy nhiên, trong thời gian tới để thực hiện hiệu quả ông Bruno Angelet cho rằng các cam kết thực thi của Việt Nam cần được thực hiện rà soát định kỳ.

Một nội dung nữa liên quan đến chính sách an ninh khu vực, hai bên cũng đã thảo luận các thách thức khu vực ở Biển Đông và các vấn đề cần phải giải quyết. Ngài Đại sứ cho biết, EU đã nhìn thấy những thách thức và nhận thấy cần giải quyết trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc về Luật biển, giải quyết tranh chấp vì hòa bình. Theo đó, EU cam kết cùng Việt Nam giải quyết tranh chấp.

Cũng theo ngài Đại sứ, hai bên cũng đã quan tâm các vấn đề còn tồn tại để triển khai hợp tác. Theo đó, Nghị viện EU sẽ có cuộc gặp với Quốc hội Việt Nam vào nửa sau 2016 để rà soát lại các vấn đề và tình hình. Trong đó, EU sẽ có những hỗ trợ cụ thể liên quan đến ngôn ngữ, sửa đổi và hoàn thiện các bộ luật của Việt Nam.

Ông Bruno Angelet cũng cho biết trước khi Hiệp định có hiệu lực, các nhà đầu tư EU rất nóng lòng và quan tâm Chính phủ và Việt Nam sẽ làm gì để chuẩn bị thu hút đầu tư trong hai năm tới.

Hiện nay, làn sóng đầu tư của EU vào Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực, song cá nhà đầu tư rất quan tâm đến môi trường đầu tư, trách nhiệm xã hội, điều kiện làm việc cho công nhân, mang lại giá trị gia tăng, thị trường, không chỉ cung cấp công nghệ mà còn là sản xuất…

Ngoài ra, việc có tới 99% dòng thuế được cắt giảm về mức 0%, thời gian 2 năm cũng là thuận lợi để hàng xuất khẩu Việt Nam có sự chuẩn bị và thâm nhập sâu hơn vào EU. Do đó, ông Bruno Angelet tin chắc rằng với việc thực thi hiệp định này Việt Nam sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh rất nhiều trong ASEAN, đặc biệt là các ngành trong lĩnh vực nông sản…

Ông Bruno Angelet cũng thông tin thêm, Hiệp định sẽ có quá trình cần phải thông qua trước khi có hiệu lực chính thức, dự kiến vào năm 2018. Do đó, thời gian 2 năm là thích hợp để hai bên chuẩn bị và cải cách pháp lý, thực thi hiệp định có hiệu quả và EU cũng sẽ có cam kết hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam.

Bao gồm, EU sẽ hỗ trợ 14 triệu Euro giúp cho người dân tiếp cận tốt hơn về pháp luật và chính sách; hỗ trợ Việt Nam về năng lượng tái tạo và cải cách nông thôn, sắp tới ký kết hợp tác lâm sản với Việt Nam; hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đặc biệt là hỗ trợ SPS kiểm dịch động thực vật…

Ngoài ra, EU cũng sẽ hỗ trợ Bộ Tài chính nâng cao năng lực tài chính công, đảm bảo cân bằng tài khóa. Bởi hiện nay, Việt Nam đang tham gia nhiều FTA nên phải có nhiều biện pháp để cân bằng tài khóa khi mà Việt Nam phải cắt giảm thuế theo Hiệp định, tham nhũng.

Để tận dụng tốt những cơ hội mà EVFTA mang lại, Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cần cải thiện nền kinh tế thị trường, trong đó đạt được các tiêu chí mà EU đưa ra để công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

“Việc thực hiện tốt FTA với EU sẽ là một nội dung quan trọng giúp chúng tôi công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. EU sẽ luôn cùng Việt Nam để hỗ trợ để Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường” - Ông Bruno Angelet nói.

Cafef/Trí thức trẻ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo