Nhà đầu tư lại mất tiền tỷ vì dự án Thanh Hà Cienco5
Nguy cơ “bốc hơi” hàng chục tỷ đồng
Thời gian gần đây, dự án Thanh Hà Cienco5 một lần nữa “nóng” mặt báo với hàng loạt các sự cố như: Công ty cổ phần đầu tư tổng hợp Hà Nội (Hanic) khởi kiện Công ty Beta BQP để đòi hơn 300 tỷ đồng trong thương vụ hợp tác đầu tư kinh doanh Dự án Thanh Hà A của Cienco5 Land.
Thì mới đây hàng chuc khách hàng khác cũng đang phải ngậm trái đắng mang tên “Thanh Hà Cienco5” do mua phải dự án ma.
Chị Đoàn Thị Ngọc Lan (Hà Nội), một nạn nhân mua dự án này cho hay, do có quan hệ quen biết với văn phòng luật sư BizConsult (tòa nhà VNA, 20 Trần Hưng Đạo, Hà Nội), chị Lan cùng một số nhà đầu tư khác được Nguyễn Thị Bích Ngọc (số hộ chiếu N1085888 do Đại sứ quán Praha cấp ngày 20/6/2007) và Nguyễn Bích Vân, Phó giám đốc công ty luật Biz Consult giới thiệu có mối quen để mua được các lô đất của dự án đất liền kề khu Thanh Hà A do Cienco 5 làm chủ đầu tư, sau đó sẽ sắp xếp để các nhà đầu tư cá nhân ký hợp đồng với nhà đầu tư thứ cấp.
Ngày 24/2/2011, chị Lan và một số người khác đã không ngần ngại giao số tiền hơn 17 tỷ đồng đặt cọc cho chị Vân và chị Ngọc ngay tại Văn phòng luật sư BizConSult để được mua các lô đất LP1, LP9, LP 11 của Thanh Hà A (trong đó, số tiền của chị Lan là 7 tỷ đồng).
“Chị Ngọc và chị Vân cũng cam kết sẽ để nhóm đầu tư ký hợp đồng mua đất của nhà đầu tư thứ cấp là Hanic sau 15 ngày, nếu không sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền đặt cọc và lãi suất 18%/năm. Thấy hai chị nói chắc như đinh đóng cột nên chúng tôi ai cũng rất tin tưởng”, chị Lan kể lại.
Sau đó, do thấy quá thời hạn trên mà không được giao đất, nên chị Lan đi tìm hiểu và phát hiện nhiều điểm khuất tất của nhóm thể nhân Vân, Ngọc nên đòi lại tiền đặt cọc, nhưng chỉ nhận được lời hứa hẹn.
“Đã hơn 1 năm nay, nhưng chúng tôi vẫn chưa đòi được tiền từ chị Vân và chị Ngọc. Tiền đầu tư thì chúng tôi đều phải đi vay lãi ở bên ngoài, nên hiện giờ rất khó khăn”, chị Lan chia sẻ.
Cũng theo chị Lan, chị và các nhà đầu tư khác sẽ gửi đơn tố cáo chị Ngọc và chị Vân ra cơ quan công an nếu không trả nợ tiền các khách hàng.
Vì sao khách hàng bị mắc bẫy dự án Thanh Hà Cienco5?
Dự án Thanh Hà – Cienco 5 là một trong số những dự án bất động sản quy mô lớn. Thế nhưng đi kèm với sự nổi tiếng là những “tai tiếng” khi hàng loạt vụ lừa đảo quy mô lớn xảy ra tại những dự án này.
Dự án Thanh Hà – Cienco 5 (Hà Đông- Thanh Oai) bao gồm hai khu đô thị Thanh Hà A - Cienco 5 có diện tích 195,51ha, thuộc các xã Phú Lương (thành phố Hà Đông) và xã Cự Khê (huyện Thanh Oai). Khu đô thị Thanh Hà B - Cienco 5 có diện tích 193,22ha, thuộc các xã Phú Lương, Kiến Hưng (thành phố Hà Đông) và xã Cự Khê (huyện Thanh Oai).
Dự án do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) đầu tư theo hình thức BT ( xây dựng – chuyển giao), trong đó chuỗi đô thị Thanh Hà được UBND tỉnh Hà Tây giao Cienco 5 đầu tư để hoàn vốn cho dự án đường. Tổng số tiền đầu tư cho hai khu đô thị lên đến gần 10 ngàn tỷ đồng.
Trước đó, mặc dù dự án mới đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng nhưng nhiều nhà đầu tư đã tìm kiếm mua các lô liền kề, biệt thự tại dự án này.
Một trong những vụ lừa đảo “kinh điển” liên quan đến dư án này là việc công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1/5 lừa bán hàng trăm lo đất cho hơn 200 khách hàng với số tiền đặt cọc lên đến hơn 800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền khách hàng, công ty 1/5 đã không lấy được hàng và mất khả năng thanh toán số tiền khách hàng đã nộp. Vụ việc này đã gây chấn động dư luận đặc biệt giới đầu tư bất động sản bởi thiệt hại quá lớn về tài sản cho các nhà đầu tư.
Mặc dù đã “tai tiếng” như vậy, nhưng dự án này thời gian gần đây vẫn khiến dư luận phải “sốc” khi hàng loạt các siêu lừa đảo vẫn tiếp tục móc túi được những số tiền rất lớn từ các nhà đầu tư.
Câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn là vì sao một dự án “tai tiếng” và có những cú lừa đảo “kinh điển” như vậy, vẫn có hàng loạt khách hàng bị mắc câu?
Cách đây không lâu, trao đổi với báo chí, ông Thân Lâm, Phó tổng giám đốc Cienco5 Land thừa nhận, Thanh Hà là một dự án lớn nên Cienco5 Land không có đủ vốn tự có để thực hiện và phải huy động từ một số nhà đầu tư thứ cấp. Song, việc công khai danh tính của các nhà đầu tư thứ cấp thì doanh nghiệp không thể thực hiện.
Phải chăng việc không công khai thông tin về nhà đầu tư thứ cấp này chính là một trong những lý do khiến các siêu lừa đảo lợi dụng để trục lợi?
Theo ông Hà Văn Dũng, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Dũng Hà (Hà Đông, Hà Nội), việc công bố danh tính các nhà đầu tư thứ cấp là rất cần thiết để các nhà đầu tư biết được mình đang mua bán với ai và người đó có quyền lợi như thế nào với dự án đó.
“Tôi cho rằng, các chủ đầu tư nên công khai minh bạch thông tin để khách hàng không rơi vào tình trạng tiền mất tật mang. Đây cũng là hành động thể hiện trách nhiệm của chủ đầu tư với khách hàng”, ông Dũng cho biết.
Cũng theo ông Dũng, dự án Thanh Hà Cienco5 ngoài là 1 dự án lớn, đây còn là dự án có chủ đầu tư khá uy tín, do vậy, các khách hàng khi mua càng dễ bị mắc lừa hơn.
Còn theo 1 đại diện của dự án Thanh Hà Cienco5, hiện chủ đầu tư vẫn chưa chính thức công bố bán dự án. Hơn nữa, Cienco5 có một số sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội, vì vậy, khi mua dự án khách hàng nên tìm đến các sàn này để nắm bắt thông tin cũng như việc giao dịch dự án. Không nên tìm mua qua các mối trung gian, để tránh tình trạng bị lừa đảo như các sự việc xảy ra thời gian gần đây.
Theo VTC News
End of content
Không có tin nào tiếp theo