Nhà máy iPhone tại Trung Quốc tiếp tục bị chỉ trích vì bóc lột lao động
Theo thông tin từ chính trang chủ của Apple, nhà máy nói trên được sử dụng để lắp ráp iPhone và iPad. Thông tin của Tổ chức Theo dõi Lao động Trung Quốc cho biết nhà máy này đang có khoảng 100.000 công nhân. Vào thời điểm tháng 9 vừa qua, tức vào mùa cao điểm sau khi iPhone 6s và 6s Plus ra mắt, tổ chức này đã tiến hành điều tra tình trạng lao động tại nhà máy của Pegatron.
Kết quả điều tra cho thấy mỗi công nhân tại đây chỉ kiếm được 1,85 USD mỗi giờ (khoảng 42.000 đồng) và thường xuyên phải làm quá giờ để có đủ tiền trang trải cuộc sống. Trong khi thời lượng chuẩn của mỗi ca làm việc chỉ là 9 giờ, công nhân của Pegatron thường phải làm thêm ít nhất là 20 giờ mỗi tuần, bao gồm 2 giờ làm thêm mỗi ngày và một ca làm việc 10 giờ vào thứ Bảy. Tổng cộng, thu nhập mỗi tháng của công nhân tại đây là 753 USD, tức khoảng 16,8 triệu đồng.
Đáng lo ngại hơn, việc làm thêm giờ đã trở thành bắt buộc tại nhà máy của Pegatron. Báo cáo của Tổ chức Theo dõi Lao động Trung Quốc cho biết, một nhà đào tạo của Pegatron còn khẳng định làm việc 8 tiếng mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần "không đáp ứng tiêu chuẩn tuyển dụng của chúng tôi".
Apple đã từ chối đưa ra bình luận về vụ việc này, và đây cũng không phải là lần đầu tiên Tổ chức Theo dõi Lao động Trung Quốc lên tiếng chỉ trích công ty của Tim Cook về tình trạng lao động tại các nhà máy lắp ráp iPhone/iPad. Vào năm 2013, tổ chức này đã công khai đả kích Apple về đồng lương ít ỏi của các công nhân lắp ráp iPhone tại Trung Quốc.
Cũng theo bản báo cáo mới, công nhân tại nhà máy Thượng Hải bị điều tra vẫn phải sống trong các khu ký túc xá chật hẹp và cũng không được đào tạo về an toàn lao động. Điểm sáng duy nhất của cuộc điều tra này là quá trình tuyển dụng của Pegatron đã không còn mang nặng tính phân biệt đối xử như trước.
Vnreview/CNET
End of content
Không có tin nào tiếp theo