Góc nhìn

Nhà nước nên đầu tư môi trường rồi cho thuê lại

Nếu làm khu công nghiệp, nhà nước có thể bỏ tiền đầu tư cho phần xử lý về nước thải và sau đó là cho doanh nghiệp thuê. Doanh nghiệp sẽ làm việc nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với việc phải bỏ một số vốn rất lớn từ ban đầu cộng với rất nhiều tiền thuê thiết bị, thuê nhân công, và các vấn đề khác.

Quan tâm môi trường từ khi khởi nghiệp

Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế Việt Nam, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều nhận định Việt Nam là một đất nước rất nhiều tiềm năng nhưng lại chưa thể phát triển mạnh.

Để kinh tế Việt Nam phát triển toàn diện và hoàn thiện hơn, bảo vệ môi trường phải đặt lên là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu.

Môi trường ô nhiễm nặng nề như hiện nay là một điều rất đáng tiếc. Đây là vấn đề mà đáng nhẽ mỗi doanh nghiệp phải quan tâm đến ngay từ khi bắt đầu. Làm sao để mỗi một doanh nghiệp khi họ bắt đầu khởi nghiệp, bắt đầu công việc kinh doanh thì phải có ý thức ngay lập tức là phải tuân thủ luật môi trường. Nếu các doanh nghiệp không tuân thủ điều đó rất khó để có thể thành công được trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Bà Phạm Chi Lan

Bà Phạm Chi Lan nêu ra những dẫn chứng thuyết phục chứng minh, doanh nghiệp và người dân đều chưa thể hiện sự quan tâm đúng mức cho vấn đề môi trường.

Khi một nhà đầu tư muốn phát triển sản xuất kinh doanh, họ chỉ cần làm rõ những vấn đề về nguồn vốn, thiết bị, công nghệ, sản phẩm, xuất khẩu và tạo công ăn việc làm sẽ nhanh chóng nhận được sự đồng thuận. Trong khi đó, những lời hứa đảm bảo điều kiện về môi trường đôi khi họ hứa mà không làm lại rất dễ dàng bị bỏ qua.

Bà Lan nhắc đến trường hợp về công ty Vedan Việt Nam 14 năm “giết” con sông Thị Vải như một ví dụ minh họa điển hình. Sau nhiều năm công ty này xả thải ra sông Thị Vải, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và cuộc sống của người dân. Chỉ khi dùng đến sức mạnh của người tiêu dùng, tức là người tiêu dùng Việt Nam tẩy chay sản phẩm vì gây ô nhiễm họ mới chấp nhận trả phí môi trường. Tuy vậy, họ có trả bao nhiêu chi phí đi chăng nữa thì cũng không thể bù đắp được những tổn hại đã gây ra.

“Biết được những tác động, hậu quả lớn như vậy rồi không thể nhân nhượng được, không thể thỏa hiệp được với những vấn đề môi trường như vậy”, bà Lan nói.

Không thể làm ngơ

Vẫn theo chuyên gia kinh tế kỳ cựu này, trong thời gian vừa qua, chúng ta nôn nóng phát triển kinh tế nên còn để yêu cầu về môi trường thấp hơn các yêu cầu khác. Thế nhưng, môi trường hiện nay được coi là trách nhiệm của toàn cầu.

Nhà nước, cần có luật pháp và chế tài xử lý những hành vi, hoạt động vi phạm gây ảnh hưởng đến môi trường. Không thể vì các doanh nghiệp đang làm kinh doanh, đầu tư vốn lớn mà bỏ qua vấn đề môi trường. Đặc biệt với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có thể đầu tư của họ chỉ mang thêm rác về cho Việt Nam mà thôi.

Vấn đề chính đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam là Chính phủ rất cần có một chính sách để quan tâm đầu tư và hỗ trợ cho doanh nghiệp để họ đáp ứng yêu cầu về môi trường.

Câu hỏi đặt ra, tại sao Chính phủ bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư hạ tầng, sao không bỏ ra chi phí cho hạ tầng đế xử lý nước thải trong doanh nghiệp?

Bà Lan đề xuất, nếu làm khu công nghiệp, nhà nước có thể bỏ tiền đầu tư cho phần xử lý về nước thải và sau đó là cho doanh nghiệp thuê. Khi đó, doanh nghiệp sẽ làm việc nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với việc phải bỏ một số vốn rất lớn từ ban đầu cộng với rất nhiều tiền thuê thiết bị, thuê nhân công, và các vấn đề khác.

Theo bà Lan, đây là một cách hỗ trợ rất thiết thực và hoàn toàn phù hợp với pháp luật, phù hợp với doanh nghiệp trong môi trường hội nhập.

Kiều Luyến
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo