Bất động sản

Nhà ở xã hội cũng bị rao bán

Vừa bốc thăm được một căn hộ ưng ý theo diện nhà ở xã hội, tuy nhiên khách hàng đã không thực hiện đúng cam kết với nhà nước về những quy định khi mua nhà ở xã hội, mà lại đem căn hộ đó ra thị trường rao bán với giá chênh để mong kiếm lời. Đây là trường hợp xảy ra tại dự án nhà ở xã hội khu Tây Nam Linh Đàm do Cty CP phát triển nhà ở xã hội HUD làm chủ đầu tư.

Khách hàng rao bán nhà ở xã hội của Hud

Với tên truy cập trên Face Book To Nguyen, anh Nguyễn Bá Anh T đã rao bán công khai giao bán căn số 12 tầng 15 tòa CT2-TP, cửa chính hướng đông bắc, diện tích 56.85 m2, giá gốc 13,4triệu đồng/m2 (đã có vat và phí bảo trì), khu Tây Nam Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội thuộc dự án nhà ở xã hội của công ty cổ phần phát triển nhà xã hội HUD.

 
Chia sẻ trên FB anh T cho biết, tiến độ của dự án sẽ được bàn giao vào quý 3/ 2015, thời gian đóng tiền đặt cọc (20% giá trị hợp đồng) từ 07/10 đến 17/10/2014. Giá chuyển nhượng ngoài giá gốc theo quy định thì anh T đưa ra mức chênh là 50 triệu đồng/căn.
 
Về nguyên nhân tại sao vừa bốc thăm được căn hộ ưng ý đã ngay lập tức giao bán, anh T cho biết: “do thời gian gấp quá mình chưa xoay được tiền đóng nên muốn chuyển nhượng lại cho ai có điều kiện và cần nhà ở vào cuối 2015”.
 
Cũng tại dự án nhà ở xã hội CT2 – CP Tây Nam Linh Đam khách hàng có tên Thắng cũng rao bán công khai căn hộ trên mạng xã hội: “Mình có căn hộ 41m2 - CT2- TP bán đảo Linh Đàm đang xây đến tầng 7, giao nhà vào giữa năm 2015. Giá gốc 13,5 triệu đồng/m2, chênh 80 triệu đồng/ căn. Ai có nhu cầu liên hộ anh Thắng. Số điện thoại 0973881xxx”.
 
Để xác thực về nguồn thông tin này chúng tôi đã gọi điện đến số điện thoại 09123434xxx (anh T để lại số trên mạng để khách hàng tiện giao dịch). Ở đầu dây bên kia anh T cho biết: “Đây là căn hộ thuộc diện nhà ở xã hội tôi nộp hồ sơ từ lâu mới đây đã được duyệt mua. Sau khi bốc thăm được căn số 12, tầng 15, toà nhà CT2 – TP ngày 4.10 chủ đầu tư đã gửi thông báo đến để nộp tiền. Vậy nếu anh muốn mua để ở tôi sẽ chuyển nhượng lại với giá chênh 50 triệu đồng”.
 
Lo ngại về tính pháp lý với những quy định rất chặt chẽ của nhà nước đối với đối tượng mua nhà ở xã hội như phải ở ít nhất 5 năm mới được phép chuyển nhượng. Tuy nhiên, để anh T cho rằng: “Trong 5 năm nhà vẫn mang tên tôi. Tôi vẫn có trách nhiệm với anh mỗi khi cơ quan chức năng đến kiểm tra. Nếu thật sự anh cần nhà để ở thì cứ yên tâm mua đi, tôi có chạy mất đâu mà sợ”.
 
Theo Nghị định 188/2013 quy định: “Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép cho thuê lại, thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua.
 
Thông báo của chủ đầu tư Hud Việt Nam cho khách hàng
 
Đồng thời, người mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi trả hết tiền theo hợp đồng đã ký kết và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng phải bảo đảm thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua”.
 
Chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp chưa có nhà là một chủ trương đúng đắn và hết sức nhân văn của đảng, nhà nước, và Chính phủ ta. Điều này được thể hiện trên thực tế là trong những năm qua nhiều dự án nhà ở xã hội đã được các chủ đầu tư khởi công mang lại cơ hội cho hàng nghìn người dân có chỗ ở ổn định. Tuy nhiên hiện nay một bộ phận không nhỏ người dân lại lợi dụng vào chính sách này để trục lợi bất chính khiến cho chính sách tốt đẹp này giảm đi ý nghĩa.
 
Về vấn đề này phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm việc với những cơ quan trực tiếp xét duyệt hồ sơ bán căn hộ cho người dân để làm rõ sự việc và thông tin sớm nhất đến bạn đọc.
 
Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo