Nhà ở xã hội cũng “lách luật” huy động vốn
Khách hàng mua nhà tại dự án nhà thu nhập thấp 143 Trần Phú rất bất ngờ khi nhận được thông báo đến nộp tiền đặt cọc để “chắc chân” có một suất nhà ở xã hội.
Tiền đặt cọc…tùy tâm
Chị Hà, một khách hàng đang nộp hồ sơ mua nhà tại dự án nhà thu thu nhập thấp 143 Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (SDU) thuộc Tổng công ty Sông Đà làm chủ đầu tư cho biết, mới đây chị rất bất ngờ khi nhận được thông báo từ SDU yêu cầu đến công ty nộp 70 triệu đồng đặt cọc mua nhà và ký vào bản cam kết do chủ đầu tư soạn sẵn và phát với nội dung người mua nhà tự nguyện nộp số tiền đặt cọc.
“Tôi rất ngạc nhiên vì mua nhà thu nhập thấp theo quy định là người mua chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để nộp cho chủ đầu tư. Các hồ sơ đạt tiêu chuẩn sẽ nộp lên Sở Xây dựng để xét duyệt. Vì vậy, việc chủ đầu tư yêu cầu đặt cọc như vậy là không bình thường”, chị Hà chia sẻ.
Cũng theo chị Hà, SDU chỉ đưa ra một mức đặt cọc là 70 triệu đồng, không hơn không kém. Nếu tất cả 366 khách hàng cùng nộp 70 triệu đồng, chủ đầu tư sẽ thu được hơn 20 tỷ đồng, một số tiền không nhỏ, ít ai có thể giám sát được họ dùng số tiền này vào mục đích gì.
Đặc biệt, theo một khách hàng tên Nguyễn Văn Cường, chủ đầu tư hứa hẹn, nếu nộp đặt cọc sẽ chắc suất mua nhà hơn khiến cho nhiều người rất phân vân. Nộp thì sợ mất tiền, không nộp thì sợ mất quyền mua nhà.
“Chúng tôi cũng rất lo lắng, nếu nộp tiền đặt cọc, chẳng may sau này không bốc thăm được căn hộ phù hợp với gia đình mình, mua thì không ở được mà không mua thì mất tiền đặt cọc”, anh Cường bày tỏ.
Dự án nhà ở xã hội 143 Trần Phú (Q.Hà Đông, Hà Nội) là một trong những dự án nhà ở thương mại được phép chuyển sang nhà ở xã hội đầu tiên.
Công trình có tổng diện tích xây dựng 2.590m2, cao 35 tầng, tổng diện tích sàn lên đến 48 nghìn m2, mức đầu tư là 560 tỉ đồng. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015 với hơn 512 căn hộ.
Trao đổi với phóng viên xung quanh việc thỏa thuận đặt cọc với khách hàng, ông Hoàng Văn Anh, giám đốc SDU cho biết, do có nhiều khách hàng đến đặt cọc rồi sau đó lại xin rút hồ sơ về, nên công ty mới yêu cầu khách hàng phải ký thỏa thuận nộp tiền đặt cọc để họ phải cân nhắc kỹ hơn trước khi quyết định nộp hồ sơ.
Số tiền đặt cọc theo ông Hoàng Văn Anh là… tùy tâm. Mức cao nhất là 70 triệu đồng, còn không giới hạn mức thấp nhất.
Để minh chứng cho điều này, ông Hoàng Văn Anh cho biết, đến nay đã có khoảng 9 khách hàng nộp tiền đặt cọc với mức tiền là 30, 50 và 70 triệu đồng.
“Đây là số tiền đặt cọc để “giữ chân” khách hàng và là thỏa thuận dân sự, không trái luật. Khách hàng có thể đặt cọc hoặc không đặt cọc và không ảnh hưởng đến việc xét duyệt hồ sơ”, ông Hoàng Văn Anh nhấn mạnh.
Cũng theo giám đốc SDU, công ty đã lập một tài khoản ở ngân hàng SHB để cất giữ tiền đặt cọc của khách hàng, cam kết không sử dụng vào mục đích khác, chủ đầu tư chỉ giữ giúp. Khi ký hợp đồng mua nhà, số tiền đặt cọc sẽ được chuyển thành tiền đóng đợt 1. Nếu khách hàng không mua sẽ mất tiền đặt cọc.
Ông Hoàng Văn Anh cũng cho biết, hiện chủ đầu tư đã tiếp nhận và trình Sở Xây dựng Hà Nội duyệt được 366 trường hợp đủ tiêu chuẩn mua nhà của dự án.
Nhiều khuất tất
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, trong lúc nộp hồ sơ mà có cam kết đặt cọc để không rút hồ sơ là chuyện bình thường. Còn trong qúa trình xem xét chấm điểm, nếu đủ điều kiện sẽ thành khoản tiền đặt cọc trong hợp đồng. Nếu không đủ điều kiện mua sẽ phải trả lại tiền đặt cọc cho khách hàng.
“Việc đó không sai nếu hợp đồng đặt cọc là hợp đồng đặt cọc nộp hồ sơ. Như là đi mua hồ sơ thầu, chưa biết anh trúng thầu hay không nhưng một là anh phải trả lệ phí mua hồ sơ, hai là có thủ tục đặt cọc dự thầu. Sau này nếu anh trượt sẽ trả lại. Nếu như thế thì không trái với luật”, Thứ trưởng Nam phân tích.
Nếu đứng về phía chủ đầu tư, việc ký một bản thỏa thuận đặt cọc với khách hàng để “giữ chân” là không trái luật và có vẻ rất hợp lý. Tuy nhiên, khi “mổ xẻ” cụ thể vấn đề thì còn rất nhiều điểm cần phải làm rõ.
Thứ nhất, ông Hoàng Văn Anh khẳng định, đến thời điểm này mới có 366 hồ sơ đạt yêu cầu, trong khi số căn hộ của dự án là 512. Như vậy, cung nhiều hơn cầu. Vậy nếu đứng về phía khách hàng, việc đặt cọc chỉ là thỏa thuận và số tiền thì “tùy tâm”, chắc chắn sẽ không có khách hàng nào dại gì ký vào bản thỏa thuận tự nguyện nộp tiền đặt cọc này. Trừ khi việc ký này là bắt buộc.
Thứ hai, theo phản ánh của khách hàng “nếu nộp đặt cọc sẽ chắc suất mua nhà hơn”. Phải chăng vì điều này nên một số khách hàng mới chấp nhận ký vào bản thỏa thuận đặt cọc. Đây có lẽ là lời lý giải hợp lý hơn cho việc dù số tiền tùy tâm và không bắt ký nhưng khách hàng vẫn ký.
Nếu như vậy, câu hỏi về tính công bằng và sự minh bạch trong xét duyệt hồ sơ nhà thu nhập thấp lại khiến nhiều khách hàng phải đặt câu hỏi.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, sau khi nộp hồ sơ, chủ đầu tư sẽ gửi lên Sở Xây dựng duyệt. Sau đó sẽ niêm yết công khai. Sau 45 ngày công khai không có vấn đề gì kiện cáo thì mới được ký hợp đồng với khách hàng.
Như vậy, người quyết định là Sở Xây dựng, vậy việc chủ đầu tư hứa “chắc chân” hơn là điều không bình thường.
Lãnh đạo một doanh nghiệp có kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội (xin giấu tên) cho hay, đây là lần đầu tiên thấy dự án nhà ở xã hội áp dụng đặt cọc mua nhà đối với khách hàng.
Theo vị này, điều kiện mua nhà ở xã hội ở nước ta quy định đã khá chặt chẽ, doanh nghiệp không nên làm phức tạp thêm, vô tình tạo hàng rào tiếp cận mua nhà đối với người nghèo.
Hơn nữa, ở Hà Nội hiện nay cũng ít dự án có vị trí đẹp như 143 Trần Phú nên việc chủ đầu tư lo giữ chân khách hàng là thừa.
“Rất có thể đây một chiêu lách luật để huy động vốn của khách hàng trong thời kỳ khó khăn”, ông này nhận định.
Theo VTC New
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo