Nhà ở xã hội dự kiến chỉ từ 25m2
Theo đó, ba nội dung đáng chú ý được Bộ Xây dựng đề xuất với mục đích tạo bước ngoặt về phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho những người thu nhập thấp, công nhân lao động, người khó khăn về nhà ở có thể tiếp cận được chính sách này.
Điểm đáng chú ý đầu tiên là việc Chính phủ sẽ quy định quỹ đất để phát triển các dự án nhà ở xã hội, trong đó có việc yêu cầu các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất để trực tiếp xây dựng nhà ở xã hội (trừ trường hợp Nhà nước thu hồi quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách).
Trường hợp dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha thì ngoài hình thức dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án được lựa chọn hình thức chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo khung giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm chuyển giao để Nhà nước sử dụng làm nhà ở xã hội hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%.
Đối với các đô thị loại 4, loại 5 và khu vực nông thôn thì căn cứ vào điều kiện cụ thể, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc yêu cầu chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định…
Liên quan đến quy định về diện tích căn hộ trong các dự án nhà ở xã hội, trong dự thảo Nghị định, Bộ Xây dựng cho phép chủ đầu tư áp dụng thí điểm việc thiết kế diện tích sàn mỗi căn hộ chung cư tối thiểu là 25 m2, tối đa đến 90 m2 và nhà ở riêng lẻ hoặc nhà ở liền kề thấp tầng tại các đô thị loại 1 và 2, nhưng phải có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng trước khi cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản chấp thuận.
Về nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư sẽ được huy động từ các nguồn như: quỹ phát triển nhà ở của địa phương, trích 30% nguồn thu từ tiền sử dụng đất trên địa bàn; ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm theo quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, công trái nhà ở; vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách Trung ương; vốn trái phiếu Chính phủ (nếu có) và các loại vốn khác như ODA,…
Đáng chú ý, trong phần quy định về chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, ngoài các chủ thể chính là cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân thì lần này, Chính phủ sẽ cho phép phát triển nhà ở xã hội theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT).
Một nội dung đáng chú ý khác, cơ quan quản lý sẽ cho phép chủ sở hữu căn hộ có thể được chuyển nhượng, bán ra thị trường sau 5 năm sử dụng, thay vì 10 năm như quy định hiện nay.
Hải Anh (Theo VnEconomy)
End of content
Không có tin nào tiếp theo