Nhà ở xã hội mất điểm
Sự kiện hàng chục khách hàng nộp đơn xin trả lại nhà ở xã hội tại Dự án Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) mới đây khiến nhiều người phân vân khi lựa chọn loại hình nhà ở này.
Theo thông tin mới nhất từ Công ty CP Vinaconex Xuân Mai, đã có 30 khách hàng muốn xin trả lại nhà, thanh lý hợp đồng tại dự án Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội). Trong 5 trường hợp đã được chủ đầu tư chấp thuận. Ngoài ra, Dự án còn khoảng 100 khách hàng chưa nộp tiền và nhận bàn giao nhà. Rất nhiều trong số này vẫn còn nợ hơn 50% giá trị hợp đồng
Nhận định về lý do khiến người dân không muốn nhận nhà, ông Nguyễn Văn Đa, Phó Tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai cho rằng, phần chủ yếu xuất phát từ sự khó khăn về tài chính.
Thời gian gần đây, khi kinh tế suy giảm, một số người đăng ký mua nhà tại dự án vốn có thu nhập không cao, nay lại bị giảm thu nhập do việc làm, tiền lương giảm.
Số còn lại, dù có đủ tiền, nhưng do các dự án nhà ở xã hội nằm ở xa trung tâm thành phố, hạ tầng xã hội như chưa có, khiến họ suy nghĩ lại.
Theo anh Nguyễn Quang H., một khách hàng xin trả lại căn hộ tại Dự án Vinaconex Xuân Mai, có nhiều lý do khiến anh quyết định xin trả lại căn hộ, trong đó chủ yếu là do thị trường bất động sản liên tục giảm giá, khiến mặt bằng căn hộ thương mại cũng tiệm cận mức giá nhà ở xã hội. Trong khi đó, nhà ở thương mại lại có nhiều lợi thế so sánh hơn.
Ở Dự án nhà ở xã hội số 143 - Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Sông Đà, khách hàng còn phải gánh thêm một mối lo khác, khi phải nộp một khoản tiền đặt cọc 70 triệu đồng, nếu muốn đăng ký mua căn hộ tại đây và giải ngân theo tiến độ xây dựng của chủ đầu tư giống như các dự án nhà ở thương mại thông thường khác.
Trong khi chủ đầu tư cho rằng, khoản tiền cọc để ràng buộc trách nhiệm của khách hàng đối với Dự án, tránh việc người dân nộp hồ sơ đăng ký mua rồi lại xin rút, thì một số khách hàng cho rằng, đó thực chất là một hình thức chủ đầu tư “lách luật” huy động vốn cho Dự án trước khi công trình làm xong móng.
Tình trạng người dân đòi trả nhà cho người thu nhập thấp hoặc nộp hồ sơ đăng ký mua rồi xin rút lại… khiến nhiều chuyên gia bất động sản và chủ đầu tư lo ngại về số phận của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp trong tương lai, khi với sự hỗ trợ của Nhà nước, nguồn cung cho phân khúc này không ngừng tăng lên, các dự án nhà ở thương mại vừa tiền cũng xuất hiện ngày càng nhiều.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng Viglacera, doanh nghiệp phải đặt mục tiêu lợi ích của khách hàng lên hàng đầu, thì dự án sẽ hút khách. Nếu căn hộ có giá bán thấp, nhưng chất lượng không thấp, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, hạ tầng xã hội đầy đủ, có thể cạnh tranh với dự án nhà thương mại…, thì không lo người mua rồi xin trả lại.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, trong bối cảnh thị trường bất động sản còn trầm lắng, sự cạnh tranh lại cao, nhà ở xã hội không còn là lối thoát hiểm dễ dàng cho nhiều chủ đầu tư.
Điều này buộc họ phải có những tính toán lâu dài, bằng việc vận dụng tối đa các thành tựu khoa học công nghệ trong xây dựng, thiết kế, sử dụng các vật liệu mới… để giá thành thấp, nhưng nhà chất lượng không thấp. Đó là bài toán khó, nhưng buộc các doanh nghiệp phải giải, nếu không muốn lặp lại tình trạng của Dự án Kiến Hưng.
Theo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo